Việt Nam thuộc tốp đầu các nước nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới

author 12:03 29/11/2013

Việt Nam đang nằm trong danh sách 20 quốc gia nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới.

Hiện nước ta đang nằm trong nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất, vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn dự báo, triển vọng nước ta có thể phát triển công nghiệp sữa bò trên quy mô lớn, đưa ngành này trở thành ngành sản xuất trụ cột, mang tính đột phá trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tốn hơn 1 tỷ USD nhập sữa
 
Số liệu công bố tại hội thảo quốc tế "Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam", do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE) cùng Đại sứ quán Iasael tổ chức sáng 28/11 cho thấy ngành sữa Việt Nam luôn nhập siêu cả về khối lượng lẫn kim ngạch, nằm trong nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất.
 
Theo đó, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu sữa hơn 800 triệu USD, tăng 25%. Nếu tiếp tục đà này, 2013 sẽ là năm đầu tiên Việt Nam nhập siêu vượt ngưỡng 1 tỷ USD tiền sữa (năm 2012 nhập 770 triệu USD).
 
Nhiều doanh nghiệp thu mua sữa từ các hộ gia đình, mặc dù tiêu chuẩn sữa mua vào do các nhà máy đưa ra không cao nhưng vẫn có từ 20 - 50% số sữa không đạt một trong các tiêu chuẩn chất lượng.
 
Thiếu nguyên liệu đầu vào, nên đa số nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước là nhập từ nước ngoài với sản lượng nhập khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại mỗi năm.
 
Đáng lo hơn, là trong số đó có đến 70% là sữa hoàn nguyên hay sữa pha lại với giá nhiều khi đắt hơn cả sữa tươi sạch.

VN nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới

Việt Nam tiêu tốn 1 tỷ USD/năm để nhập sữa ngoại. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển của ngành sữa Việt Nam đang đi ngược xu hướng thế giới, khi phát triển ngành sữa trước khi đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu. Cùng với đó là ngành sữa trong nước chưa xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng cũng như các quy chuẩn phân loại chất lượng sữa tươi. Phần lớn các thông tin trên sản phẩm sữa vẫn còn mập mờ, khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận thông tin, kiến thức phổ cập về các loại sản phẩm sữa vẫn còn hạn chế, thiếu minh bạch, công khai.
 
Chất lượng sữa chưa đảm bảo cũng dẫn đến việc người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm sữa nội, chuyển sang dùng sữa ngoại, từ đó gây tổn thất cho ngành sữa trong nước.
 
Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, để ngành sữa trong nước không bị tụt hậu và đi ngược thế giới, không còn cách nào khác là phải ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu sản xuất sữa.
 
Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sữa tươi trị giá 1,2 tỷ USD của tập đoàn TH đã được các chuyên gia đề cập đến như là một ví dụ điển hình.
 
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH, bà Thái Hương cho biết, hiện đàn bò sữa của doanh nghiệp này đã lên tới trên 35.000 con, chiếm 20% tổng đàn bò cả nước, góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển 500 nghìn con bò đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
Bà Hương cũng đề nghị các đơn vị, cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc thông qua các chính sách, các ưu đãi về tín dụng, lãi suất, đất đai, thông tin… để ngành sữa trong nước có thể phát triển bền vững hơn.
 
Tái cơ cấu nông nghiệp từ phát triển bò sữa
 
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho biết tại hội thảo, triển vọng nước ta có thể phát triển công nghiệp sữa bò trên quy mô lớn, đưa ngành này trở thành một ngành sản xuất trụ cột, mang tính đột phá trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.
 
quy mô đàn bò sữa hiện nay khoảng 200 nghìn con, nếu dành khoảng 200 nghìn hecta đất để trồng cỏ nuôi bò thì trong khoảng vài chục năm tới đàn bò sữa nâng dần lên một triệu con vắt sữa sản lượng sữa nâng lên 6 - 7 triệu tấn/năm, đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước và có khối lượng sữa xuất khẩu lớn.
 
Nếu phát triển chuỗi công nghiệp chế biến sữa và sản phẩm sữa, công nghiệp thịt, công nghiệp da và đồ da … thì doanh thu của ngành công nghiệp sữa sẽ gia tăng nhiều. Từ đó ngành này trở thành một trong những ngành có doanh thu lớn nhất trong nền nông nghiệp Việt Nam.
 
Việc dành 200 ngàn hecta đất để trồng cỏ có tính khả thi cao, bao gồm sử dụng đất bãi ven các dòng sông, một số diện tích đất trồng lúa chuyển đổi và một phần diện tích đất vùng đồi núi, Có khả năng áp dụng công nghệ cao về giống, tưới nước, bón phân … đảm bảo năng suất cỏ đạt mức siêu cao sản và có chất lượng cao phục vụ yêu cầu thức ăn của bò sữa.
 
Các điều kiện giống bò sữa cao sản, công nghệ thụ tinh giới tính, chuồng nuôi hiện đại, công nghệ phòng chống dịch bệnh tốt, công nghiệp chế biến sữa và sau sữa được hoàn thiện, lực lượng kỹ thuật có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của sản xuất.
 
Lý giải về việc Việt Nam tốn hơn 1 tỷ USD Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho biết, nguyên nhân là do nhiều lớp lãnh đạo, chuyên gia trước đây quan niệm Việt Nam nắng nóng, công nghệ không cao, không nuôi được bò sữa. PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi cũng nói: "Trước đây, ngành nông nghiệp tìm cách lai bò sữa với bò trong nước không mấy thành công".

Theo Dat Viet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang