Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn các ‘gã khổng lồ’

author 06:54 28/09/2020

(VietQ.vn) - Từ thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, cộng với nỗ lực cải cách giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, với những lợi thế cạnh tranh sẵn có từ việc cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; vị thế trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tích cực, hiệu quả; đồng thời, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị phủ bóng đen do Covid-19, Việt Nam vẫn được dự báo là quốc gia có mức tăng trưởng dương… là những lợi thế giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài.

 
Tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 13,76 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019.
 

Đơn cử, hai “gã khổng lồ” là Google và Microsoft đã tăng tốc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông - Nam Á trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều tác động khó lường. Việt Nam lọt mắt xanh của Google và Microsoft để chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang. Trong làn sóng dịch chuyển này, Mỹ xác định, Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chuỗi cung ứng. 

Hay một hãng sản xuất tên tuổi khác là Panasonic cũng quyết định sẽ chuyển nhà máy đến Hà Nội nhằm hiện thực hóa chiến lược hình thành một trung tâm sản xuất máy giặt và máy lạnh lớn nhất tại Đông Nam Á. Cùng với đó, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản được nhận trợ cấp của Chính phủ Nhật thông qua Chương trình tăng cường chuỗi cung ứng ở nước ngoài, mới đây, có tới 15 doanh nghiệp đăng ký mở rộng đầu tư sang Việt Nam.

Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn các "gã khổng lồ". Ảnh minh họa. 

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, trước mắt chúng ta cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón cả “đại bàng” và “chim sẻ” theo đúng tinh thần của Nghị quyết 50/NQ-TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, như ổn định kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thích hợp… Đặc biệt phải có đất sạch, không gian tốt trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, nguồn lao động đủ cung ứng và thể chế phải đủ sức cạnh tranh, bởi các nước khác cũng đang chào đón làn sóng dịch chuyển này.

Đáng chú ý, Việt Nam cần phải có những giải pháp đột phá để thu hút FDI chất lượng cao, chứ không phải đại trà. Bởi hiện nay, Việt Nam phần lớn mới chỉ nhận đầu tư từ các nước châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, gần đây là Trung Quốc, rất ít vốn đầu tư từ Mỹ, châu Âu. Trong khi đây mới là những nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, phù hợp với chúng ta trong chuyển đổi tái cơ cấu.

Bên cạnh chính sách đột phá thu hút FDI, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có chiến lược nâng trình độ doanh nghiệp nội lên một tầm cao mới để có sự liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, phát huy thế mạnh và tiềm năng của các tập đoàn lớn, đây chính là những cánh chim đầu đàn, là các đầu tàu kéo nền kinh tế tăng trưởng…

Thu hút vốn FDI- Cần thiết kế những gói chính sách mang tính chất 'may đo'(VietQ.vn) - Để có thể thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng, sử dụng công nghệ cao từ Hoa Kỳ và từ châu Âu, chúng ta phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, chứ không “may sẵn”, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ đó, chọn được nhà đầu tư có chất lượng.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang