Việt Nam và IAEA: Đẩy mạnh 6 lĩnh vực hợp tác

authorThanh Uyên 14:56 08/05/2016

(VietQ.vn) - Khung chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2016-2021 được tập trung vào 6 lĩnh vực.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ và IAEA ký Khung Chương trình quốc gia hợp tác giai đoạn 2016-2021

Theo quy định của IAEA, để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai hợp tác kỹ thuật, IAEA và quốc gia thành viên phải ký Khung Chương trình quốc gia về hợp tác (gọi tắt là Khung Chương trình quốc gia) có hiệu lực trong từng giai đoạn 5 năm.

Khung Chương trình quốc gia là cơ sở pháp lý, là khung tham chiếu cho các kế hoạch hợp tác kỹ thuật ngắn và trung hạn giữa Việt Nam và IAEA cho từng giai đoạn 5 năm. Với Khung Chương trình quốc gia, Việt Nam và IAEA thống nhất xác định nhu cầu phát triển ưu tiên và lợi ích của Việt Nam để từ đó IAEA hỗ trợ thông qua các hoạt động hợp tác. Những hoạt động này được dựa trên kế hoạch phát triển quốc gia, phân tích cụ thể tình hình đất nước và bài học rút ra từ các hoạt động hợp tác trước đó.

Khung chương trình quốc gia định hướng vai trò của KH&CN hạt nhân trong việc đạt được các mục tiêu phát triển từ quan điểm quốc gia và phản ánh các mục tiêu chung của các chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA. Bên cạnh đó, Khung Chương trình quốc gia cũng đưa ra các cơ hội hỗ trợ phát triển quốc tế và chỉ ra mối liên hệ của nó và mục tiêu chung với Khung hỗ trợ phát triển của Liên hợp quốc cho Việt Nam (UNDAF).

Chia sẻ tại Hội thảo truyền thông về Điện hạt nhân tại Đà Lạt ( Lâm Đồng) diễn ra mới đây, ông Lê Doãn Phác cho biết, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Việt Nam và IAEA đã 2 lần ký Khung Chương trình quốc gia. Năm 2015 là năm kết thúc Khung Chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2010 - 2015. Ngày 02/11/2015, tại trụ sở IAEA), Viên, Cộng hòa Áo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và Phó Tổng Giám đốc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kỹ thuật của IAEA, ông Dazhu Yang, đã ký Khung Chương trình quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và IAEA giai đoạn 2016-2021.

Khung Chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2010 - 2015 đã xác định định hướng ưu tiên tập trung vào 07 lĩnh vực:  Xây dựng cơ sở hạ tầng ĐHN bao gồm an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân; phát triển nguồn nhân lực và năng lực của các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật; An toàn bức xạ và quản lý chất thải phóng xạ;  Ứng dụng kỹ thuật đồng vị phóng xạ trong công nghiệp; Y tế; Nông nghiệp và an ninh lương thực;  Bảo vệ môi trường; Thăm dò khai thác nguồn tài nguyên urani.

Cũng theo ông Phác, trong giai đoạn 2010 - 2015, Việt Nam đã được IAEA viện trợ 13 dự án quốc gia (mã số VIE) và đã tham gia khoảng 60 dự án vùng (mã số RAS) và liên vùng (mã số INT). Sự hợp tác và hỗ trợ của IAEA đã góp phần quan trọng vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp, đào tạo nhân lực, tăng cường năng lực nghiên cứu - triển khai trong lĩnh vực NLNT, nói chung và ĐHN, nói riêng, của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Hợp tác giữa Việt Nam và IAEA trong Khung Chương trình quốc gia giai đoạn 2016-2021 tập trung vào 6 lĩnh vực sau:
- Phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN
- Y tế;
- Lương thực và nông nghiệp;
- An toàn bức xạ và quản lý chất thải phóng xạ;
- Ứng dụng công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ;
- Bảo vệ môi trường.

>> Giới thiệu về điện hạt nhân với những người làm báo

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang