Vụ Ngân hàng SHB 'sáng tác' lịch sử ở lịch xuân: Nhà văn hóa nói gì?

author 18:57 20/01/2014

(VietQ.vn)- GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam đã phải thốt lên: "rất vớ vẩn!" khi nói về câu chuyện ngân hàng SHB “sáng tác” lịch sử về sự tích Hồ Gươm.


Hình ảnh tờ lịch được cho là của ngân hàng SHB

Theo GS Ngô Đức Thịnh dù sự tích Hồ Gươm chỉ là truyền thuyết song lại mang ý nghĩa như thông điệp của thế hệ trước truyền cho người đời sau. Trong truyền thuyết, người xưa thường mượn những điều không có thật để nói điều có thật. Theo đó, sự tích vua Lê rút gươm trả lại cho rùa thần sau khi đánh thắng giặc Minh, mang lại hai thông điệp: những người có công với nước đều được thần linh phù trợ (mô típ này cũng diễn ra tương tự với truyền thuyết liên quan tới An Dương Vương, Lý Công Uẩn…); thứ hai là thể hiện ước vọng đất nước được hưởng cuộc thái bình mãi mãi không còn nạn gươm đao.

Trở lại với nội dung câu chuyện Hồ Hoàn Kiếm được in trên lịch của SHB, GS Thịnh đặt vấn đề: Viết “sinh vật rùa” cướp gươm của Lê Lợi thì có ý nghĩa gì?

“Câu chuyện cướp gươm trên chứng tỏ người viết đã tự nghĩ ra, viết vớ vẩn, chẳng hiểu gì. Sai lầm này còn làm mất đi sự thiêng liêng, tôn kính của nhân dân dành cho vua Lê, thần Kim Quy”, nhà văn hóa nói.

Được biết, nội dung về sự tích hồ Hoàn Kiếm được in trong tờ lịch của ngân hàng SHB đã từng xuất hiện và được sử dụng trên nhiều trang mạng. Thậm chí, trên website của một công ty du lịch có tên My Tour (mytour.vn) đã xuất hiện bài viết  “Du Lịch Hồ Hoàn Kiếm Và Câu Chuyện Lịch Sử”, với nội dung: “Một lần nhà vua dạo chơi bằng thuyền trên mặt hồ bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm”.

Trên trang web 4TRIPS - Cẩm nang du lịch Việt Nam, địa điểm hồ Hoàn Kiếm được xuất hiện và giới thiệu về sự tích hồ với những dòng chữ giống hệt như đoạn giới thiệu của SHB và My Tour.

Trước đó, trên các trang mạng xã hội, diễn đàn chia sẻ ảnh chụp về nội dung chú dẫn trong tờ lịch ngày 1/1/2014 được cho là lịch của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Từ đây, câu chuyện Hồ Gươm được bạn đọc hiểu rằng: thần Kim Quy được gọi với cái tên “sinh vật là Rùa” đã bất ngờ cướp thanh kiếm thần từ tay vua Lê Lợi khi bị nhà vua xua đuổi.

Cụ thể, nội dung sự tích hồ Hoàn Kiếm  in trên lịch đã được rút gọn được ghi như sau: “Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần đòi gươm. Một lần nhà vua dạo chơi bằng thuyền trên mặt hồ bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm”.

Trước “phóng tác” trên, đa số ý kiến của cư dân mạng đều tỏ ra bất bình, tuy nhiên cũng không ít người cho rằng đây chỉ là truyền thuyết nên có thể có nhiều dị bản khác nhau.

Trao đổi nhanh với phóng viên Dân trí qua điện thoại, một vị đại diện ngân hàng SHB cho biết, lịch của ngân hàng là do một đơn vị nhà xuất bản in ấn, theo hợp đồng thì nhà xuất bản này chịu trách nhiệm về mặt nội dung. Còn phía SHB chỉ gắn thương hiệu của mình vào lịch.

“Trong “sự cố” này, nhà xuất bản chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên SHB cũng có phần trách nhiệm vì không kiểm soát được nội dung tờ lịch. Tôi nói như vậy không phải khi xảy ra lỗi là đổ lỗi cho nhau, nhưng thực tế là như vậy” - vị đại diện này cho hay và hứa sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới báo Dân trí trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, một đại diện của SHB khẳng định, chiều nay 20/01/2014 sẽ có trả lời chính thức tới cơ quan báo chí về nội dung nói trên. Vị này bước đầu xác nhận, thông tin đó xuất hiện ở trên tờ lịch do SHB đặt in.

Tuy nhiên đến thời điểm cuối giờ chiều hôm nay phía SHB vẫn chưa có bất cứ động thái mới nào về vụ việc này.

 

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang