VietinBank phải bồi thường hơn 1.000 tỉ

author 07:44 25/12/2014

Đó là quan điểm chính thức của công tố viên tại phiên phúc thẩm vụ án Huyền Như.

Ngày 24-12, phiên xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như bước vào phần tranh luận. Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKS giữ quyền công tố cho rằng trong vụ Huyền Như có những trường hợp VietinBank có lỗi và phải bồi thường thiệt hại chứ không thể phủi hết trách nhiệm như án sơ thẩm đã tuyên.

“Quan hệ gửi-giữ đã được xác lập”

Đó là quan điểm của công tố viên liên quan đến năm công ty bị Huyền Như chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng. Đó là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại An Lộc, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS).

Với trường hợp năm công ty này, theo VKS họ có mở tài khoản thật, hợp lệ tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP.HCM (nơi Huyền Như làm) và đã chuyển tiền vào đó. Tiền đã được VietinBank theo dõi hạch toán đầy đủ trên hệ thống sổ sách kế toán. Từ đây, quan hệ gửi giữ tài sản giữa khách hàng và VietinBank đã được xác lập, trong đó khách hàng là bên gửi tiền, VietinBank là bên giữ tiền, không phân biệt đó là loại tài khoản nào.

“Năm công ty này gửi tiền đều bắt nguồn từ sự dẫn dụ của Huyền Như nhưng sự dẫn dụ này là để các đơn vị gửi tiền vào VietinBank” - công tố viên nói. Theo công tố viên, trước khi khách hàng gửi tiền hợp pháp vào VietinBank thì Như chưa chiếm đoạt dù có ý định gian dối từ đầu. Như chỉ chiếm đoạt tiền sau khi tiền đã gửi hợp pháp vào VietinBank. Những đơn vị này không có lỗi trong việc bị Như chiếm đoạt tiền trong tài khoản tiền gửi hợp pháp tại VietinBank. Vì họ không có nghĩa vụ quản lý tiền gửi trong tài khoản, nghĩa vụ này là của VietinBank. Việc để Như chiếm đoạt tiền của năm đơn vị này thuộc về lỗi quản lý của VietinBank.

 

“Huyền Như tham ô tiền của VietinBank”

Công tố viên lập luận: “Bị cáo Như được bổ nhiệm là quyền trưởng phòng kiêm kiểm soát viên của Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Bị cáo Như dùng thủ đoạn để lập, phê duyệt các lệnh chi giả để chiếm đoạt tiền của năm công ty nêu trên”.

Công tố viên khẳng định Như là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý tài sản tại VietinBank, hành vi do Như thực hiện đều nằm trong phạm vi chức vụ, quyền hạn của bị cáo. Như đã lợi dụng chức vụ quyền trưởng phòng giao dịch kiêm kiểm sát viên làm các lệnh chi giả chuyển tiền ra khỏi tài khoản khách hàng ở VietinBank để chiếm đoạt. Lỗi đây là lỗi quản lý tài khoản của VietinBank, lơi lỏng kiểm soát chứng cứ, không phát hiện Như làm lệnh chi giả.

VKS nhấn mạnh dấu hiệu chức vụ của Huyền Như được quy định tại các văn bản cụ thể. Nguyên nhân dẫn đến mất tiền của khách chính là do chức vụ Như có quyền thực hiện lệnh chi 50 tỉ đồng đối với các giao dịch cùng sự lơi lỏng, hỗn loạn quản lý của VietinBank. Song song đó là những sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống trong thời gian dài của VietinBank tại phòng giao dịch này.

Từ đây, viện cho rằng việc chiếm đoạt tiền của năm công ty này là Như phạm tội tham ô tài sản (Điều 278 BLHS). Án sơ thẩm đã không xác định đúng bản chất sự việc dẫn đến xác định sai tư cách tố tụng của các công ty này gây thiệt hại quyền lợi của họ.

Từ đó, công tố viên cho rằng trách nhiệm bồi thường cho khách hàng ở đây phải là của VietinBank, vì ngân hàng này có trách nhiệm giữ và quản lý tiền của khách nhưng làm mất. Trong trường hợp này, VietinBank là nguyên đơn dân sự và có quyền yêu cầu Huyền Như bồi thường số tiền mà Như đã lợi dụng chức vụ tại ngân hàng này để chiếm đoạt của khách. Viện đề nghị hủy án phần lừa đảo năm công ty này để giải quyết lại theo thủ tục chung.

“Làm rối loạn thị trường tài chính”

Nhìn nhận về trường hợp của ACB, công tố viên cho rằng số tiền hơn 718 tỉ đồng mà Như chiếm đoạt của ngân hàng này xuất phát từ việc bị cáo đã móc nối với Huỳnh Bảo Ngọc (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro của ACB) để huy động tiền gửi. 19 nhân viên ACB đem tiền đi gửi là có chủ trương của lãnh đạo ACB và việc này là trái quy định. Mặt khác, người được ACB giao trách nhiệm quản lý số tiền gửi lại được Như “lót tay” số tiền rất lớn.

Viện nói rõ: “Vì lợi ích cá nhân mà Ngọc đã quên đi trách nhiệm quản lý tài sản, giao phó cho Như tự ý làm giả hồ sơ và lệnh chi dẫn đến bị chiếm đoạt. Bản thân ACB là ngân hàng thương mại, hiểu rõ quy định của pháp luật nhưng chỉ vì lợi ích cục bộ đem tiền sang VietinBank gửi để lấy lãi suất làm rối loạn thị trường tài chính. Chính ACB đã tự đặt mình vào hoàn cảnh này và thực hiện hành vi trái pháp luật nên sẽ không được pháp luật bảo vệ”.

Đồng thời, VKS cũng kiến nghị cơ quan điều tra truy tố Ngọc về hành vi giúp sức cho Như trong việc chiếm đoạt tiền của ACB như nội dung mà TAND Tối cao tại Hà Nội đã kiến nghị trong phiên tòa xét xử bầu Kiên.

Tương tự với NaviBank, công tố viên cho rằng Như có ý thức chiếm đoạt số tiền của NaviBank từ trước. Vì vậy, Như đã móc nối với Đoàn Đăng Luật (nguyên trưởng phòng Nguồn vốn NaviBank) để huy động hơn 1.000 tỉ đồng thông qua hợp đồng tiền gửi do 14 nhân viên của ngân hàng này đứng tên. Sau khi tất toán, Như còn chiếm đoạt 200 tỉ đồng thông qua các hợp đồng tiền gửi. Sau khi nhận được khoản tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, Luật đã để mặc cho Như thực hiện các hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền của ngân hàng này. Hành vi trái pháp luật của lãnh đạo NaviBank trong việc mang tiền từ ngân hàng mình sang gửi tại VietinBank để lấy lãi là do lỗi của ngân hàng này.

Hôm nay (25-12), tòa tiếp tục phần tranh luận.

Ủy thác cho nhân viên gửi tiền là trái luật”

Liên quan đến kháng cáo của hai ngân hàng ACB và NaviBank, theo quan điểm của công tố viên, hoạt động ủy thác gửi tiền và ký hợp đồng cho nhân viên đi gửi tiền sang VietinBank là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm chính sách tiền tệ của Nhà nước. Bản thân nhân viên của hai ngân hàng này đã không có trách nhiệm, có thái độ bỏ mặc dẫn tới việc Huyền Như chiếm đoạt tiền. Vì vậy kháng cáo của hai ngân hàng ACB, NaviBank và nhân viên của các ngân hàng này yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường là không có căn cứ.

Theo VKS, hai trường hợp này VietinBank không có lỗi để phải bồi thường như yêu cầu của họ. Bản án sơ thẩm đã tuyên đúng pháp luật. Việc xác định hai ngân hàng ACB và NaviBank tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự là hoàn toàn đúng pháp luật. Huyền Như phải bồi thường cho NaviBank và ACB.

 

Theo PLO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang