Vietravel ‘ăn chặn’ tiền vé tham quan: Cần nộp lại số tiền bất hợp pháp

author 18:27 02/07/2016

(VietQ.vn) - Vietravel có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được từ hành vi hoặc hoàn trả cho khách du lịch bị chiếm đoạt.

Thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc Công ty du lịch & tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel) “ăn chặn” tiền vé tham quan của trẻ em dưới 16 tuổi, Chất lượng Việt Nam Online đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Tùng, Trưởng phòng Kinh doanh Thương mại, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để phân tích rõ hơn những vi phạm của Vietravel. Ông Nguyễn Đức Tùng cũng chỉ rõ những thiệt hại mà Vietravel đã gây ra cho đối tượng khách hàng rất nhạy cảm là trẻ em dưới 16 tuổi.

Công ty Vietravel vi phạm quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho khách hàng là trẻ em dưới 16 tuổi

PV: Công ty Vietravel cung cấp thông tin về việc: khi tham quan tại Phố cổ Hội An, trẻ em từ 5 đến 12 tuổi vẫn phải mua vé tham quan, trong khi đó chính sách miễn phí vé tham quan của Trung tâm VH-TT Hội An nêu rõ: người dưới 16 tuổi được miễn phí 100% giá vé khi tham quan phố cổ Hội An. Luật sư nhận định như thế nào về hành vi của Vietravel?

Ông Nguyễn Đức Tùng, Trưởng phòng Kinh doanh Thương mại, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội: Căn cứ theo thông tin Quý báo cung cấp thì phí vé tham quan tại Phố cổ Hội An đã được Trung tâm VH-TT Hội An nêu rõ: người dưới 16 tuổi được miễn phí 100% giá vé, đồng thời, căn cứ theo “Quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan các công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” ban hành kèm theo Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND ngày 18/9/2012 của UBND tỉnh Quảng Nam thì người dưới 16 tuổi thuộc đối tượng được miễn 100% phí tham quan (khoản 1, Điều 2).

Do vậy, việc Công ty Vietravel cung cấp thông tin về việc: khi tham quan tại Phố cổ Hội An, trẻ em từ 5 đến 12 tuổi vẫn phải mua vé tham quan là hành vi “không thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, giá cả các dịch vụ du lịch cho khách du lịch.” (điểm đ, khoản 2 Điều 42, Nghị định 158/2013/NĐ-CP) và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

PV: Thưa ông, công ty Vietravel có bị coi là thu lợi bất chính từ khách du lịch hay không?

Ông Nguyễn Đức Tùng, Trưởng phòng Kinh doanh Thương mại, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội: Căn cứ theo quy định tại Điều 37, Luật xử lý vi phạm hành chính thì: “...số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện ...”. Do vậy, việc Công ty Vietravel có được số tiền của khách du lịch thông qua hành vi vi phạm pháp luật hành chính “không thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, giá cả các dịch vụ du lịch cho khách du lịch” thì số tiền này được coi là số lợi bất hợp pháp.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 12, Điều 42, Nghị định 158/2013/NĐ-CP về biện pháp khắc phục hậu quả: “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được ...” thì lại không áp dụng đối với hành vi vi phạm “không thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, giá cả các dịch vụ du lịch cho khách du lịch.”  (điểm đ, khoản 2 Điều 42, Nghị định 158/2013/NĐ-CP).

Vietravel ‘ăn chặn’ tiền vé tham quan: Chờ phản ứng từ Tổng cục Du lịch(VietQ.vn) - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch đã tiếp nhận về trường hợp Vietravel "ăn chặn tiền vé tham quan" của khách du lịch gây bức xúc dư luận.

Trong trường hợp này, áp dụng quy định tại khoản 2, Điều 83, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.”. Do vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 37, Luật Xử lý vi phạm hành chính thì nếu chứng minh được hành vi vi phạm của Công ty Vietravel như phân tích nêu trên thì Công ty Vietravel sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: phải nộp lại số tiền bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt; nếu Công ty Vietravel không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

PV: Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm như thế nào trong việc ngăn chặn những hành vi nêu trêu của Vietravel thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Tùng, Trưởng phòng Kinh doanh Thương mại, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội: Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thể tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính: Căn cứ theo quy định tại Điều 79, Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra văn hóa, thể thao và du lịch, và công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra,... khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì được quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm (theo quy định khoản 3, Điều 6, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013).

Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.

Xử phạt vi phạm hành chính: căn cứ vào hành vi và mức độ lỗi vi phạm hành chính mà Công ty Vietravel có thể bị xử phạt với số tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, buộc khắc phục hậu quả: trả lại số tiền bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho khách du lịch bị chiếm đoạt.

Trước đó, Chất lượng Việt Nam Online đã có các bài viết: Vietravel ‘ăn chặn’ tiền vé tham quan của du khách: Trẻ không tha, già không thương!, Vietravel lạm thu, trục lợi nhiều khoản phí với khách du lịchVietravel ‘ăn chặn’ tiền vé tham quan: Hành động vi phạm pháp luật Vietravel ‘ăn chặn’ tiền vé tham quan: 'Đừng đạp đổ niềm tin của khách du lịch'Vietravel ‘ăn chặn’ tiền vé tham quan: Chờ phản ứng từ Tổng cục Du lịch.

Công ty Vietravel đã niêm yết giá vé nhiều tour tham quan, trong đó có tour Đà Nẵng – Bà Nà – Hội An siêu tiết kiệm có giá vé 5.190.000 đồng/người đối với trẻ em từ 11 tuổi đến 12 tuổi và từ 12 tuổi trở lên, bằng với giá tour của người lớn. Trả lời thông tin về tour này, Vietravel cho hay, công ty này vẫn phải mua vé tham quan phố cổ Hội An cho người dưới 16 tuổi nên du khách dưới 16 tuổi sẽ không được miễn trừ khoản này. Trong khi đó, Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An khẳng định không hề bán vé tham quan phố cổ Hội An cho bất cứ công ty du lịch lữ hành nào. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng của Vietravel.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Trần Hoài - Tuấn Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang