Viettel tiếc vì trượt thầu tại Myanmar

author 15:31 28/06/2013

Đại diện Viettel cho rằng đây là một thông tin đáng tiếc nhưng cũng không quá bất ngờ vì tập đoàn phải cạnh tranh với những đối thủ có tiềm lực rất mạnh.

 Hội đồng Đánh giá và Sàng lọc nhà thầu viễn thông Myanmar (TOTSC) vừa công bố hai công ty được nhận giấy phép kinh doanh tại quốc gia này là Telenor của Na Uy và Ooredoo của Qatar. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel ) - ứng viên duy nhất của Việt Nam tham gia cuộc đua này cùng 6 đại gia khác của làng viễn thông thế giới đã phải dừng cuộc chơi. 

Đại diện Viettel nói với VnExpress.net sáng 28/6 rằng, đây là một tin đáng tiếc đối với tập đoàn. Nhận định Myanmar là một thị trường rất tiềm năng, ngay từ khi tìm kiếm cơ hội đầu tư, bản thân doanh nghiệp cũng xác định phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh về mọi mặt, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, việc không giành được gói thầu cũng không quá bất ngờ. Vị đại diện Viettel cho biết tập đoàn có những dự định tương lai mà hiện nay chưa thể tiết lộ.
Viettel lỡ cơ hội thâm nhập thị trường viễn thông Myanmar. Ảnh: Open Telecom
Viettel lỡ cơ hội thâm nhập thị trường viễn thông Myanmar. Ảnh: Open Telecom
 
Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn cũng đang đầu tư sang Myanmar cũng nhận định: "Hai đơn vị giành được gói thầu có tiềm lực rất 'khủng', bên cạnh đó, các đối thủ khác cũng mạnh". Cho rằng đây là việc đáng tiếc cho Viettel trong cuộc đua ròng rã với 91 ứng cử viên khác, tuy nhiên, ông vẫn thấy đây là lựa chọn hợp lý của Myanmar. 
 
"Người Myanmar có sự suy tính về đường dài và dựa trên cơ chế thị trường để chọn những người làm tốt nhất cho họ. Đây cũng là lý do mà trước đây khoảng 2 tháng, họ đẩy China Mobile của Trung Quốc ra khỏi gói thầu viễn thông. Chính điều này vẽ lại bức tranh trong cuộc đua", ông cho hay. 
 
Vị lãnh đạo này cũng nhận định, lựa chọn trên của Myanmar có vẻ nhằm cân bằng giữa nguồn lực tài chính và công nghệ. Trong 2 đối tác trúng thầu, Telenor rất có kinh nghiệm về công nghệ, đã phát triển mạnh tại các nước châu Mỹ - Latinh, còn Ooredoo lại mạnh về tài chính. 
 
Đồng tình với quan điểm của đại diện trên, một lãnh đạo của Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài chia sẻ, lý do Myanmar không chọn Viettel có thể liên quan nhiều tới vấn vấn đề công nghệ và quản lý khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
 
"Viễn thông là một lĩnh vực công nghệ cao nên tâm lý của nước sở tại bao giờ cũng muốn chọn những hãng, tập đoàn lớn có công nghệ, quản lý tốt. Trong khi đó, Viettel chưa có nhiều danh tiếng trên thế giới, vẫn phải mua thiết bị từ nước ngoài", ông nhận xét.
 
Bên cạnh đó, theo vị này, Viettel cũng vấp phải khó khăn vì thị trường Myanmar đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm nên tính cạnh tranh rất khốc liệt, đặc biệt là lĩnh vực viễn thông vốn bị quản chặt về số lượng tham gia. So sánh với những lần trúng thầu của Viettel tại Mozambique, Lào hay Campuchia, ông cho rằng đây là những thị trường khác hẳn với Myanmar. "Đó là những mảnh đất nhỏ và chưa có nhiều nhà đầu tư thực sự có tiềm lực nhòm ngó", ông nhận định.
 
Chia sẻ trên Reuters, Jeremy Sell - Giám đốc chiến lược của Ooredoo cho biết đã lên kế hoạch đầu tư 15 tỷ USD trong vòng 15 năm tại Myanmar, bao gồm vốn đầu tư ban đầu, chi phí vận hành, phí lấy giấy phép và thuế. Còn Telenor chưa có tiết lộ cụ thể về những con số này.
 
Về những kinh nghiệm trong việc đầu tư tại quốc gia này, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên cho rằng người Myanmar không chịu sức ép của lợi ích nhóm, hoặc bị hấp dẫn lớn bởi những giá trị ảo. 
 
"Điều này giúp những lựa chọn của họ hiện rất tốt, vì giá trị và quyền lợi thật. Do đó, một thông điệp cho doanh nghiệp Việt khi đầu tư vào Myanmar là tập trung vào giữ uy tín và chất lượng các dịch vụ, sản phẩm mới có thể đứng vững trên thị trường", vị này cho hay.
Theo VnExpress
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang