VinaPhone 'bẫy' khách hàng để kiếm tiền?

author 14:34 23/10/2015

(VietQ.vn) - Khách hàng đã hủy dịch vụ V-live của VinaPhone rất nhiều lần nhưng không có tác dụng...

Không thích cũng phải dùng

Như VietQ đã đưa tin, chị N.T.P (trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) rất bức xúc vì bị VinaPhone kích hoạt dịch vụ V-live rồi "âm thầm" trừ tiền mỗi ngày mà chị không hề hay biết.

dịch vụ vlive của vinaphone

Khách hàng bức xúc vì không thích nhưng vẫn bị dịch vụ Vlive của VinaPhone "khủng bố"

Theo thông tin trên website của VinaPhone, dịch vụ V-live được tích hợp sẵn trên SIM 64K, 128K của VinaPhone và được phát chủ động khi máy điện thoại di động của khách hàng đang ở chế độ rỗi dưới dạng bản tin Flash SMS.

Tiêu đề các tin tức được hiển thị ngay trên màn hình. Sau vài giây, nếu không được đọc, tin tức sẽ tự động mất đi để các tin khác tiếp tục hiển thị.

Anh N.V.T ở Hoàng Ngân, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, dù đã rất nhiều lần hủy dịch vụ V-live nhưng không hiểu sao dịch vụ vẫn tái xuất trên điện thoại.

Về việc này, nhân viên tổng đài của VinaPhone giải thích, cho dù khách hàng có hủy nhưng khi tắt nguồn máy khởi động lại hoặc tháo sim ra lắp lại thì dịch vụ V-live sẽ tự kích hoạt.

Anh Tiến bức xúc vì bản thân không có nhu cầu sử dụng dịch vụ, dù đã hủy rất nhiều lần nhưng vẫn không có tác dụng. Anh cho rằng, VinaPhone làm vậy là cưỡng ép khách hàng sử dụng dịch vụ nhằm kiếm tiền.   

Khai thác sơ hở của người dùng

Hầu hết các trường hợp thuê bao di động khiếu nại về việc bị thu phí sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng, người dùng thường phải chịu thiệt do nhà mạng luôn có đầy đủ số liệu về thời điểm kích hoạt, thời gian sử dụng dịch vụ.

Vinaphone tự ý kich hoạt dịch vụ

VinaPhone chơi không đẹp với người tiêu dùng? (Ảnh Viết Cường)

Trong khi đó, người dùng chỉ có một lý do duy nhất là không biết gì về việc này. Người dùng phần lớn không thể kiểm soát tuyệt đối điện thoại của mình, đặc biệt là điện thoại thông minh (có nhiều ứng dụng và mã độc có thể tự động kích hoạt dịch vụ) nên chuyện vô tình kích hoạt sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng và bị nhà mạng thu phí là có thể xảy ra.

Đồng thời qua đó nhà mạng cũng dễ dàng đưa ra các lý do đẩy trách nhiệm kích hoạt dịch vụ về phía khách hàng như tự tay kích hoạt mà không để ý, cho người khác mượn điện thoại, ứng dụng trong điện thoại tự kích hoạt dịch vụ... để thu tiền của khách hàng.

Cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc

Tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, tình trạng người tiêu dùng sử dụng mạng di động bị “móc túi”, quấy nhiễu, làm phiền gây bức xúc rất lớn. Tuy nhiên, để làm rõ việc “móc túi” này không đơn giản khi rất khó xác định lỗi do người tiêu dùng hay nhà mạng. Việc nhà mạng phủi trách nhiệm bằng cách nêu rõ thời gian người tiêu dùng có đăng ký sử dụng dịch vụ là không công bằng vì những dữ liệu này chỉ có nhà mạng nắm rõ.

Hiện nay, nhà mạng còn liên kết với nhiều đơn vị khác tung ra hàng loạt dịch vụ như cước 3G, dịch vụ cung cấp tin tức, xổ số... bằng cách gửi tin nhắn trực tiếp đến từng thuê bao để quảng bá, mời gọi. Thực tế đây là hành vi gây phiền toái cho người sử dụng. Không ít người dùng mất tiền oan khi vô tình nhấn “đồng ý”. Thậm chí để tránh nhận tin nhắn rác hoặc hủy những dịch vụ đã đăng ký, chủ thuê bao cũng phải mất phí!

Để tránh bị móc túi oan, người tiêu dùng phải luôn cẩn trọng với những thao tác trên điện thoại, đặc biệt khi sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). Tuy nhiên, nếu nhà mạng “âm thầm” trừ tiền khách hàng thì việc xác định phải trái không phải là điều dễ dàng và người tiêu dùng luôn chịu thiệt. Do đó, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, khi ấy mới đủ chức năng, công cụ xác định đúng sai và công khai xử lý cho người tiêu dùng rõ. 

Viết Cường - N.Tiến

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang