Vingroup mua lại Fivimart: Hai chân của gã khổng lồ

author 19:13 08/10/2018

(VietQ.vn) - Tập đoàn Vingroup vẫn đang mải miết mở rộng hệ thống chuỗi siêu thị truyền thống mà bỏ lửng thị trường thương mại điện tử đầy tiềm năng.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của tập đoàn Vingroup vừa công bố chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart.

Đại diện tập đoàn này cho biết, sau khi hoàn tất việc sáp nhập, hệ thống siêu thị Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart. Bên cạnh việc tiếp tục kinh doanh mảng bán lẻ tiêu dùng, phân phối các mặt hàng thực phẩm, gia dụng, đồ dùng hóa mỹ phẩm…, các siêu thị mới này sẽ được tăng cường các mặt hàng thực phẩm tươi sống an toàn vốn là đặc trưng của chuỗi VinMart, cũng như bổ sung thêm nhiều sản phẩm phong phú và các nhãn hàng riêng như nông sản VinEco, thực phẩm sơ chế và chế biến VinMart Cook, các mặt hàng tiêu dùng gia đình VinMart Home…

Trên thực tế, sự kiện mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart của Vingroup không khiến nhiều người bất ngờ.

Dấu cộng Ocean Mart

Cách đây tròn 4 năm, tháng 10/2014, tập đoàn Vingroup cũng đã công bố chính thức việc mua lại 70% cổ phần công ty Ocean Retail - thành viên của tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) và đổi tên thành công ty CP Siêu thị VinMart. Đây là bước phát triển quan trọng đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam.

Vingroup cũng đồng thời công bố hai thương hiệu mới: VinMart và VinMart+ với kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trên khắp Việt Nam trong vòng 3 năm tới.

Công cuộc "thay áo" cho Ocean Mart thành Vinmart khá chóng vánh, chỉ với 2 tuần đàm phán (theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Ocean Group Dương Trọng Nghĩa khi đó) và chưa đầy 2 tháng để thay đổi nhận diện thương hiệu. Không những thế, thương vụ này còn được dư luận khá quan tâm, nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao tập đoàn Vingroup lại mạnh tay chi tiền để mua lại chuỗi hệ thống siêu thị mới chỉ đi vào hoạt động được hơn 1 năm?".

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú còn cho rằng: "Vingroup không phải mua thương hiệu Ocean Mart mà đơn thuần chỉ là mua địa điểm bởi thông thường, để một tên tuổi có thương hiệu, doanh nghiệp phải xây dựng khoảng 5 năm".

vingroup-mua-lai-fivimart-hai-chan-cua-ga-khong-lo

Siêu thị Ocean Mart Times City chỉ tồn tại chưa đầy 1 năm trước khi Vingroup mua lại toàn hệ thống.

Cho đến nay, Vingroup hiện sở hữu hệ thống 74 siêu thị Vinmart - thường "đóng đô" tại các trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc và hơn 1.000 siêu thị mini Vinmart+ với mục tiêu đánh chiếm thị phần của các hàng tạp hoá truyền thống.

Như vậy, sau 4 năm tiến quân vào thị trường bán lẻ, để cạnh tranh với các gã khổng lồ như Big C, Coopmart, Lotte, Aeon Mall… VinGroup chọn con đường ngắn hơn, tận dụng lợi thế vị trí đắc địa có sẵn của Ocean Mart để "đi tắt đón đầu".

Quay trở lại với Fivimart, VinGroup khẳng định thương vụ nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020.

Theo giới thiệu, Fivimart là hệ thống siêu thị thuộc quyền quản lý của CTCP Nhất Nam - thành viên tập đoàn TCT Group. Đây là doanh nghiệp Việt đầu tiên phát triển chuỗi siêu thị hàng tiêu dùng, đến nay đã có 26 siêu thị tập trung tại TP.Hà Nội. Tháng 1/2015, một sự kiện đáng chú ý với Fivimart khi công ty Nhất Nam chính thức hợp tác kinh doanh với tập đoàn bán lẻ Nhật Bản - Aeon mua lại 30% vốn và đổi tên thành Aeon Fivimart.

Chia sẻ về thương vụ này, bà Vũ Thị Hậu - Phó tổng giám đốc CTCP Nhất Nam từng cho biết mục tiêu của việc hợp tác này không chỉ vì mục đích tài chính. Theo đó Fivimart lựa chọn Aeon để cải thiện những điểm yếu của mình trong ngành bán lẻ, đó là quản trị nhân sự, hệ thống công nghệ thông tin, quy chuẩn hàng hoá trong siêu thị...

Đến hết năm 2017, những gì diễn ra với Fivimart cho thấy Nhất Nam đã phải đánh đổi quá nhiều sau khi hợp tác với "ông lớn" đến từ Nhật Bản.

Giai đoạn 2015 - 2017, doanh thu của Fivimart có sự cải thiện khi tăng từ 1.075 tỷ đồng (năm 2015) lên mức 1.269 tỷ đồng (năm 2017). Tuy nhiên, doanh nghiệp liên tục báo lỗ, năm đầu tiên lỗ 60 tỷ, sau đó lỗ 96 tỷ vào năm 2016 và tình hình cải thiện vào năm 2017 khi chỉ còn lỗ 23 tỷ đồng. Nguyên nhân đưa ra là do chi phí phát sinh tăng cao, chủ yếu là chi phí quản lý mỗi năm trên dưới 250 tỷ đồng. Chưa kể, đến cuối năm 2017, Fivimart đang ôm khoản nợ vay 317 tỷ đồng.

Đây mới chỉ là một vài con số tài chính công khai của chuỗi siêu thị này trước khi về một nhà với Vingroup.

Dấu lửng ở Adayroi

Trái ngược với bức tranh thâu tóm thần tốc ở mảng siêu thị và cửa hàng, mảng bán lẻ trực tuyến của Vingroup lại là vấn đề khác.

Sàn thương mại điện tử Adayroi của công ty TNHH Ecom - thành viên tập đoàn VinGroup được ra mắt vào tháng 8/2015 với chiến lược đưa VinEcom thành đối thủ cạnh tranh của Lazada, vốn đang chiếm ưu thế áp đảo so với các doanh nghiệp thương mại điện tử khác trong nước. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hình thành cán cân giữa 2 doanh nghiệp nội với những doanh nghiệp ngoại, trong đó, nổi bật lên là cuộc chiến giữa Adayroi và Lazada, với hậu thuẫn tiềm lực tài chính mạnh mẽ của Vingroup và Alibaba.

Đến nay, tình hình đã thay đổi, cùng với sự "tham chiến" của hàng loạt thương hiệu lớn, Adayroi đã bị đánh bật khỏi top 3.

vingroup-mua-lai-fivimart-hai-chan-cua-ga-khong-lo

 Adayroi của Vingroup từng nổi danh trong top các sàn thương mại điện tử Việt Nam

Theo số liệu từ Báo cáo Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam trong quý II/2018 của Iprice Insight, website Adayroi.com chỉ có trung bình chưa đầy 5 triệu lượt truy cập mỗi tháng, cách xa con số của các đối thủ như Lazada - gần 33 triệu, Shopee - hơn 26 triệu, Tiki - gần 20 triệu và Sendo - hơn 16 triệu.

Cũng theo báo cáo này, xếp hạng ứng dụng của Adayroi chỉ đứng thứ 6 và thứ 9 trên lần lượt 2 hệ điều hành iOS và Android trong khi các ứng dụng Shopee, Lazada, Sendo và Tiki lần lượt chia nhau các vị trí từ thứ 1 đến thứ 4 trên cả 2 hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay.

Nhìn một cách trực quan hơn, thương hiệu Adayroi có kế hoạch truyền thông khá im ắng - một phương thức vốn dĩ được các đối thủ đẩy mạnh thời gian gần đây. Với Lazada, sau khi được Alibaba mua lại vào năm 2016 và kế hoạch rót thêm 2 tỷ USD sắp tới, đây vẫn là "gã khổng lồ" khó đánh gục trong mảng bán lẻ điện tử. Sự xuất hiện của Tóc Tiên, Kathy Nguyễn và Will cũng góp phần không nhỏ trong thành công của Lazada.

Còn với Shopee, dù mới chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam năm 2016 nhưng nhanh chóng vượt mặt các đối thủ kỳ cựu như Tiki hay Sendo. Với chiến lược "thần tốc", Shopee lựa chọn gương mặt đại diện triệu fan như Sơn Tùng MTP và slogan cực bắt tai “Thích Shopping, lướt Shopee”. Mới đây nhất, sau trận cầu tuyết trắng Thường Châu hồi tháng 4/2018, Shopee nhanh chóng bắt trend ký hợp đồng với thủ thành U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng, đánh thẳng vào tâm lý của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.

Vậy Adayroi đang ở đâu?

Gần 3 năm qua, VinGroup gần như bỏ lửng mảng thương mại điện tử khi không đẩy mạnh quảng cáo, không tăng cường rót vốn đầu tư, có chăng cũng chỉ chạy chương trình khuyến mãi trên website.

Loạt mẫu ô tô mới tinh rơi về mốc giá 300 triệu đồng gây sốt tại Việt Nam(VietQ.vn) - Trong tháng 10, thị trường Việt Nam xuất hiện hàng loạt mẫu xe ô tô ‘mới tinh’ giá chỉ ở mốc 300 triệu đồng.

Khi xã hội ngày càng phát triển, hành vi tiêu dùng cũng dần thay đổi, từ kênh truyền thống là cửa hàng tạp hoá chuyển sang cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay trung tâm thương mại và tương lai không xa sẽ là mua sắm trực tuyến. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam luôn được đánh giá có quy mô và tiềm năng lớn.

Với Vingroup, thâu tóm Ocean Mart hay sắp tới là Fivimart sẽ giúp tập đoàn mở rộng hệ thống phân phối mảng bán lẻ truyền thống. Tuy nhiên, mảnh đất màu mỡ nhất là thương mại điện tử vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Theo Người đưa tin

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang