Vĩnh biệt “nụ cười chiến thắng” Võ Thị Thắng

author 22:10 23/08/2014

(VietQ.vn) - Nụ cười chiến thắng của bà Võ Thị Thắng trước kẻ thù là một trong những biểu tượng cho tinh thần chiến đấu bất khuất, lạc quan của nhân dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tiểu sử bà Võ Thị Thắng

Bà Võ Thị Thắng – người gắn liền với “Nụ cười chiến thắng” huyền thoại sinh ra tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, Long An. Năm 11 tuổi, bà đã tham gia đưa thư liên lạc cho cách mạng. Lớn lên, bà tham gia phong trào đấu tranh xuống đường của thanh niên sinh viên, học sinh Sài Gòn Gia Định; gây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ chính trị nội thành, chuẩn bị vào đợt Mậu thân 1968.

Sinh thời, bà Võ Thị Thắng từng giữ nhiều trọng trách quan trọng trong bộ máy nhà nước và đã đạt nhiều huân huy chương cao quý:

Rơi nước mắt tiễn biệt “nụ cười chiến thắng” Võ Thị Thắng

Rơi nước mắt tiễn biệt “nụ cười chiến thắng” Võ Thị Thắng. Ảnh minh họa

Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và khóa X; Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI; nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. 

Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Hữu nghị Hội Phụ nữ; Hội Thanh niên Cu ba; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Bà mất hồi 8h20 ngày 22/8 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 69 tuổi. Tang lễ được cử hành tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM). Lễ viếng bắt đầu vào lúc 8h30 ngày 23/8. Sau đó, đưa đi an táng tại quê nhà Long An vào sáng thứ hai 25/8. 

“Nụ cười chiến thắng” Võ Thị Thắng – dấu ấn cho một thời hào hùng của dân tộc

Trong một lần ám sát hụt một tên mật thám, bà bị bắt. Giặc khiếp sợ trước khí chất gan dạ của người con gái tuổi 20 nên tức tối hằn giọng buộc tội bà: "... Võ Thị Thắng, cựu nữ sinh Gia Long, có thể nói là duyên dáng - với gương mặt thùy mị dịu dàng, nhưng không ngờ hành động của cô ta lại hoàn toàn trái ngược với gương mặt đó, nhất là thái độ vô lễ của cô ta khi đứng trước tòa án...  Đề nghị chiếu theo luật 10/59 tòa cho xử mức án tối đa...".  

Lúc ấy, bà Võ Thị Thắng đã bị buộc các tội "phản nghịch", "phá rối trị an" và "cố sát” nhưng “do thái độ quá ngoan cố” nên bị tòa tuyên án 20 năm khổ sai. Đáp lại lời hả hê tự đắc của thành viên Hội đồng xét xử: "Vậy là cuộc đời cô nữ sinh kể từ đây chôn vùi trong khám tối", bà Thắng đanh thép vặn lại: "Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?".

“Nụ cười chiến thắng” Võ Thị Thắng sẽ còn mãi với thời gian

“Nụ cười chiến thắng” Võ Thị Thắng sẽ còn mãi với thời gian. Ảnh minh họa

Và nụ cười rực rỡ, hiên ngang của cô nữ sinh trẻ tuổi đã được một phóng viên người Nhật kịp ghi lại. Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” với câu nói ngắn gọn, đanh thép của cô gái miền Nam, nữ sinh trường Gia Long Võ Thị Thắng đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng của văn nghệ sĩ trong nước và ngoài nước lúc bấy giờ. Nổi tiếng nhất có lẽ là bài thơ của nhà thơ Trần Quang Long với những câu thơ đã đi vào lịch sử:

"Chị là con người mang tên Chiến Thắng 

Đã sinh ra và lớn lên từ mùa thu cách mạng 

Hai mươi ba năm rực rỡ chiến công 

Đã nở nụ cười tươi như một đóa hồng"... 

Những gian khó, đau đớn suốt 6 năm ở khắp các “địa ngục trần gian” một thời như Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Hố Nai, Côn Đảo không giam cầm được khí tiết cách mạng và nụ cười lạc quan yêu đời của người con gái trẻ. Cuối cùng, bà cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác đã được trao trả cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại sân bay Lộc Ninh theo Hiệp định Paris ngày 7/3/1974. 

Vào hồi 8h20 ngày 22/8, bà Võ Thị Thắng từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho các thế hệ Việt Nam. Cát bụi rồi cũng trở về cát bụi nhưng “nụ cười chiến thắng” Võ Thị Thắng sẽ sống mãi trong trái tim những người con đất Việt như một dấu ấn vàng son cho những năm tháng hào hùng của cha ông.

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang