Vĩnh Phúc: Nghiên cứu, thử nghiệm thức ăn viên tự chế cho cá Tầm

author 20:12 29/08/2015

(VietQ.vn) - Sau khi ăn thức ăn viên do Trung tâm Phát triển Lâm - Nông nghiệp Vĩnh Phúc tự chế, cá trong các bể đều có tỷ lệ sống cao, tăng trưởng và phát triển tốt, sinh trưởng tương đương với ăn cám ngoại.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Cá Tầm Siberian có tên khoa học là Acipenser baeri là loài cá có giá trị dinh dưỡng cao, rất được ưa chuộng trên thế giới. Chúng thích hợp sinh trưởng trong môi trường lạnh. Ở nước ta cá Tầm đã được nuôi thành công tại một số tỉnh vùng núi như Lào Cai, Lai Châu... Ở Vĩnh Phúc, cá Tầm đã được đưa vào nuôi từ năm 2008 - 2010 tại Tam Đảo, đây là nơi có khí hậu tương đối mát mẻ, rất thích hợp nuôi loại cá này. 

Hiện nay, sản phẩm cá Tầm Tam Đảo đã có chỗ đứng trên thị trường và ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên giá thành của cá tương đối cao do phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu thức ăn nhập ngoại từ nước ngoài. Do vậy nhu cầu cấp thiết đó là làm sao tìm ra được loại thức ăn phù hợp cho cá Tầm mà lại chủ động được nguồn nguyên liệu, giá thành rẻ. Từ lý do trên, năm 2014, Trung tâm Phát triển Lâm - Nông nghiệp Vĩnh Phúc đã thực hiện đề tài khoa học: "Nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất thức ăn viên cho loài cá Tầm".

Vĩnh Phúc: Nghiên cứu, thử nghiệm thức ăn viên tự chế cho cá Tầm

Vĩnh Phúc: Nghiên cứu, thử nghiệm thức ăn viên tự chế cho cá Tầm

Đề tài đã tiến hành thử nghiệm nuôi 480 con cá Tầm cỡ cá 100g/con được chia làm 6 bể nuôi, mỗi bể thả 80 con. Trong đó, 4 bể được cho ăn bằng thức ăn tự chế và 2 bể cho thức ăn nhập ngoại (cám coppen 45% nhập khẩu từ Đức); số lượng cám sản xuất để phục vụ công tác nuôi là 1.000 kg, sau 3 tháng nuôi thu hoạch và so sánh kết quả giữa 2 loại thức ăn từ đó đánh giá hiệu quả chất lượng của cám tự chế.

Sau khi nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng của cá Tầm và nghiên cứu thành phần nguyên liệu: Tỷ lệ protein, chất khô, chất xơ của từng nguyên liệu được sử dụng trong công thức thì tiến hành phối trộn nguyên liệu theo tỷ lệ thích hợp để tạo ra sản phẩm phù hợp. Đề tài sử dụng 3 công thức dinh dưỡng (CT1, CT2) phối trộn thức ăn bằng phương pháp đùn viên cho cá Tầm của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I và trường Đại học Nông nghiệp I để thay thế thức ăn nhập ngoại; tùy theo kích cỡ và nhu cầu dinh dưỡng của cá Tầm vào từng thời điểm nuôi mà áp dụng thức ăn theo công thức phù hợp.

Qua 3 tháng chăm sóc và theo dõi, cùng số lượng 80 con/1 bể, mật độ thả ban đầu là như nhau, điều kiện nuôi và chăm sóc như nhau cho thấy: cá trong các bể đều có tỷ lệ sống cao, tăng trưởng và phát triển tốt, nhưng cá cho ăn bằng công thức tự chế CT1 cho sinh trưởng tương đương với cám ăn ngoại và lớn hơn cám công thức tự chế CT2, nguyên nhân là do hàm lượng đạm trong thức ăn tự chế CT1 và cám ngoại cao hơn trong thức ăn tự chế CT2. Cá thể cá lớn nhất nuôi bằng CT1 là 703g, CT2 là 652g, ở thức ăn nhập ngoại là 670g. Như vậy, với kinh phí để sản xuất cám tự chế là 38 triệu đồng/1 tấn thức ăn, trong khi đó cám coppen nhập ngoại là 48 triệu đồng/tấn thì cám tự chế CT1 đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cả.

Sau một năm triển khai, bước đầu đề tài đã thành công, kết quả nuôi thử nghiệm và đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của cá Tầm tại các mô hình đã tìm ra được loại thức ăn tự chế CT1 theo công thức phù hợp cho cá Tầm, đem lại năng suất cao nhất, hiệu quả kinh tế nhất, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, đảm bảo được việc chủ động nguồn thức ăn không phải phụ thuộc vào nhập ngoại và sự biến động giá cả của thị trường.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang