Vĩnh Phúc: Phát triển nông nghiệp nhờ ứng dụng KH&CN

author 17:24 26/11/2016

(VietQ.vn) - Nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong thời gian qua đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Tiêu biểu là các đề tài: Nghiên cứu thử nghiệm 2 giống lúa mới năng suất, chất lượng cao VPR1, VPR2 trên các vùng đất khác nhau của Thạc sĩ Trịnh Thanh, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng mô hình chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ đệm lót sinh học bằng chế phẩm men Balara- N01; ứng dụng chế phẩm Bio- mix 1 xử lý chất thải nông nghiệp của Kỹ sư Phùng Thị Nga, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa cà chua ghép theo hướng VietGap tại huyện Vĩnh Tường của Kỹ sư Nguyễn Văn Quỳnh, Phòng NN&PTNT Vĩnh Tường; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo lợn bằng các giống mới; ứng dụng thụ tinh nhân tạo giống bò B.B.B với đàn bò cái nền Zebu nhằm nâng cao chất lượng đàn bò thịt của Thạc sĩ Phạm Văn Thanh, Trung tâm Giống vật nuôi; mở rộng phát triển cây dược liệu Ba kích; mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ tách rắn lỏng của Thạc sĩ Ngô Khánh Lân; mô hình sản xuất các loại giống lạc, đậu tương có năng suất cao của Thạc sĩ Nguyễn Văn Thắng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ…. đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển nông nghiệp nhờ ứng dụng KH&CN. Ảnh minh hoạ

Đại diện Sở KH&CN Vinh Phúc cho biết, về cơ bản, những nghiên cứu, ứng dụng được áp dụng thành công, điển hình như cơ cấu sản xuất 3 vụ/năm ổn định với hình thức luân canh tiên tiến, có tác dụng trong việc giảm thiểu sâu bệnh, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạng lại hiệu quả cao. Đến nay, đã xác định được bộ giống lúa chủ lực của tỉnh là giống ngắn ngày, năng suất cao như: KD18, Q5, HT1, lúa lai Nghi Hương 2308, SYN 6, TH3-3… Trong thâm canh, đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như gieo mạ tập trung có che phủ nilon ở vụ Xuân, cấy mạ non, gieo thẳng bằng giàn kéo tay, bón phân cân đối, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI)….

Trong chăn nuôi, thông qua chương trình Zebu hóa đàn bò, kết hợp cả hình thức thụ tinh nhân tạo và phối giống trực tiếp bò đực 3/4 màu ngoại trở lên đã làm tăng nhanh tỷ lệ đàn bò lai, năng suất, tầm vóc đàn bò được cải thiện rõ rệt. Đối với chăn nuôi lợn, ngoài mở rộng nuôi lợn ngoại thuần Landrace, York­- shire, áp dụng kỹ thuật về chuồng trại, thức ăn theo phương thức nuôi công nghiệp, đàn nái lai nuôi trong dân còn được thụ tinh nhân tạo bằng tinh lợn ngoại, chất lượng tốt, tạo ra đàn lợn lai máu ngoại cao, góp phần tăng năng suất sản lượng và chất lượng thịt. Đàn gia cầm với các giống gà, vịt siêu thịt, siêu trứng, chăn nuôi công nghiệp theo hướng an toàn sinh học đang phát triển mạnh ở nhiều vùng trong tỉnh, nhất là các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch. Hình thức chăn nuôi quảng canh, tận dụng, quy mô nhỏ đang được thay thế bằng hình thức thâm canh, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng quy mô đối với hầu hết các đối tượng nuôi. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư con giống, chuồng trại, áp dụng kỹ thuật mới để tăng năng suất, tăng thu nhập và làm giàu.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh còn chủ động nghiên cứu các giải pháp KH&CN để giải quyết các vấn đề tồn tại trong sản xuất nông nghiệp như lựa chọn giải pháp khoa học để phát triển nông nghiệp bền vững; lựa chọn những ứng dụng có khả năng thích ứng cao đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân và giới thiệu những công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu... Đặc biệt, những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ sinh học vi sinh đã giúp nhân giống hoa lan thương phẩm bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và ứng dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất rau quả an toàn và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Sở KH&CN, Sở NN&PTNT đang tập trung nghiện cứu và áp dụng các thành tựu KH&CN để phát triển nghề trồng hoa, trồng rau theo hướng áp dụng công nghệ cao về giống và kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm. Nông dân các địa phương trong tỉnh đã dần tiếp cận các tiến bộ KHKT, áp dụng vào sản xuất, nuôi trồng, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi.

Nâng cao năng suất chất lượng nhờ ứng dụng khoa học công nghệViệc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào trong lao động sản xuất đã giúp cho các doanh nghiệp gia tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Lê Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang