Vĩnh Phúc: Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể

author 08:00 28/01/2018

(VietQ.vn) - Vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho cộng đồng. Vì vậy, cần phải quản lý để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, theo thống kê, mỗi năm có khoảng 250-500 ca ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100-200 ca tử vong. Nhà nước phải chi phí hàng trăm tỷ đồng cho công tác điều trị và điều tra nguyên nhân gây bệnh. Do nhu cầu sử dụng thực phẩm tại bếp ăn tập thể ngày càng lớn bởi tính tiện ích của nó với người tiêu dùng, nhà quản lý và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng. Bếp ăn tập thể không chỉ gói gọn trong các khu công nghiệp mà bao gồm bệnh viện, trường học, cổng trường, căng tin các công ty, doanh nghiệp... Đây là loại hình dịch vụ ăn uống tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải quản lý như thế nào đối với loại hình dịch vụ ăn uống này để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn tỉnh diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng và phức tạp. Trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc có tổng số 7.105 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm. Tỉnh có trên 30 khu và cụm công nghiệp, trên 300 bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp; hơn 200 lễ hội ở các làng, bản diễn ra mỗi năm...

Tình hình an toàn thực phẩm của tỉnh cũng như trong cả nước đang chịu tác động của nhiều yếu tố không thuận lợi như: Tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh; tình trạng ô nhiễm môi trường; tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến; thực phẩm không an toàn nhập lậu, gian lận thương mại...

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, nhưng có tới 90% các cơ sở sản xuất thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, thời vụ, công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu; sự tăng nhanh các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, khu du lịch và đô thị cùng với việc chấp hành pháp luật không nghiêm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang là những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn thực phẩm (ATTP).

Năm 2017, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chủ động triển khai các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, liên ngành vào các đợt cao điểm với gần 5000 cơ sở. Kiểm tra cho thấy, có 85% số cơ sở được kiểm tra đạt tiêu chuẩn, 15% là không đạt tiêu chuẩn. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP, bước đầu ngăn chặn được việc sử dụng chất cấm Salbutamol, vàng ô trong chăn nuôi. Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật giảm đáng kể.

Năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm và 2 sự cố về thực phẩm. Đã có tổng số 151 người mắc và nhập viện, không có người tử vong. Nguyên nhân là do ngộ độc rượu, chủng tụ cầu sinh độc tố trên bánh dày, do nước uống đóng bình. Tuy nhiên, cũng không ghi nhận sự cố mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại 40 bếp ăn tập thể khu công nghiệp Vĩnh Phúc năm 2017 cho thấy, các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể đạt ở mức cao như: 62,5 cơ sở nhà bếp được xây dựng đạt tiêu chuẩn; 87,5% số cơ sở đạt yêu cầu vệ sinh; 87,5% số cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 100% trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng thực phẩm đạt yêu cầu vệ sinh; 100% nguồn nước đạt tiêu chuẩn về vi sinh vật... Nhân viên phục vụ và cán bộ quản lý các bếp ăn tập thể có kiến thức và thực hành tốt về vệ sinh, lựa chọn nguyên liệu, phụ gia...

Để làm tốt công tác vệ sinh, ATTP trong thời gian tới, ngoài triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP nhằm nâng cao kiến thức, ý thức và trách nhiệm của nhà quản lý và người dân. Cùng với đó, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ATVSTP trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp, đơn vị có bếp ăn tập thể. Cần có các chế tài đủ sức răn đe để việc đảm bảo ATTP vừa là lương tâm, văn hóa kinh doanh, vừa là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang