Vĩnh Phúc: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp năng suất chất lượng cao

author 17:00 29/03/2015

(VietQ.vn) - Tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh này sẽ ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, biến đổi gen vào sản xuất nông nghiệp.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Để đạt được mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông, lâm thủy sản Vĩnh Phúc giai đoạn 2010 – 2015 đạt 3,95%, giai đoạn 2015 – 2020 đạt 3%, bình quân giai đoạn 2010 – 2020 đạt 3,47%. Tổng GDP nông lâm thủy sản theo giá so sánh năm 2015 đạt 1753 tỷ đồng và năm 2020 đạt 2032 tỷ đồng (Nguồn: Quy hoạch tổng thể KTXH Vĩnh Phúc đến 2020). GDP ngành nông lâm thủy sản trong cơ cấu nền kinh tế chiếm tỷ trọng 6,7% năm 2015 và 3,4% vào năm 2020 (Nguồn: Quy hoạch tổng thể KTXH Vĩnh Phúc đến 2020). Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên trên 60%, ngành trồng trọt khoảng 33 – 34% và dịch vụ trên 5% vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2010 – 2020 đạt bình quân 5,0%/năm, trong đó nông nghiệp đạt 4,6 – 4,7%/năm, lâm nghiệp đạt 0,85 – 0,9%/năm và thủy sản đạt 10 – 11%/năm.

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở ưu tiên đầu tư cho các loại cây con có hiệu quả cao; coi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất là khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, nhất là công nghệ biến đổi gen vào sản xuất nông nghiệp, lấy khoa học công nghệ là điểm tựa chính để nâng cao nhanh năng suất, chất lượng và hiệu quả nông nghiệp trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vĩnh Phúc: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Vĩnh Phúc: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa

Cụ thể, trong trồng trọt: Xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ biến đổi gen để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả.

Ổn định diện tích canh tác lúa 30 – 31 ngàn ha để bảo đảm an ninh lương thực (trong đó: Vĩnh Tường 6.600, Yên Lạc 4.600ha, Bình Xuyên 3.800ha, Lập Thạch 3.700ha, Tam Dương 3.500ha, Tam Đảo 2.300ha, Sông Lô 2.900ha, Thị xã Phúc Yên 1.700ha và thành phố Vĩnh Yên 900ha), phát huy lợi thế về nguồn nước thủy lợi để xây dựng các vùng chuyên canh lúa có năng suất, chất lượng cao, bố trí gọn vùng thuận lợi cho việc cơ giới hóa các khâu canh tác, thu hoạch và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới.

Giảm diện tích cây lượng thực có củ; phát triển cây công nghiệp hàng năm có giá trị hàng hóa cao; Quy hoạch và xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn có quy mô đạt khoảng 3000 – 3200ha bằng các giống mới năng suất cao, phẩm chất tốt kết hợp với áp dụng quy trình chăm sóc phù hợp.

Phát triển kinh tế trang trại vườn đồi, chuyển đổi một phần đất lâm nghiệp thích hợp sang trồng cây căn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đất đai, khí hậu ở Vĩnh Phúc như xoài, chuối, thanh long ruột đỏ…

Trong chăn nuôi: Tiếp tục phát triển mạnh chăn nuôi trong đó sản phẩm chủ lực là lợn, gia cầm và một số con đặc sản. Nhân rộng nhanh các mô hình hiệu quả về chăn nuôi lợn tập trung, gà quy mô công nghiệp nhằm tạo khối lượng sản phẩm lớn. Phát triển chăn nuôi bò thịt ở các địa phương có điều kiện về đồng cỏ; chăn nuôi bò sữa ở các xã vùng bãi huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc; chăn nuôi lợn theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp và thủy cầm ở vùng đồng bằng ven sông. Chú trọng đầu tư công tác giống để phát triển đàn lợn hướng nạc, đàn bò lai lấy thịt, sữa. Khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi hàng hoá tập trung theo phương thức công nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Vĩnh Phúc quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Vĩnh Phúc thúc đẩy chăn nuôi gà theo hướng VietGAP. Ảnh: ST

Về thuỷ sản: Tăng cường đầu tư thâm canh nuôi trồng thuỷ sản trên diện tích mặt nước, ruộng trũng hiện có; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và giống mới trong nuôi trồng thuỷ sản, chuyển từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh.

Trong lâm nghiệp: Đảm bảo ổn định vốn rừng để bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan du lịch, kết hợp với trồng cây ăn quả, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp.

Phát triển theo vùng, trong đó vùng nông nghiệp miền núi: Gồm toàn bộ huyện Lập thạch, Sông Lô, Tam Đảo; các xã Đồng Tĩnh, Hoàng Hoa, Hướng đạo, Kim Long, Đạo Tú (Tam Dương); Trung Mỹ (Bình Xuyên); Ngọc Thanh (TX Phúc Yên) được định hướng phát triển mạnh đàn lợn siêu nạc tập trung quy mô lớn, gà quy mô công nghiệp xa khu dân cư, phát triển đàn bò thịt và chăn nuôi đặc sản, phát triển cây ăn quả, cây lâm nghiệp theo mô hình nông lâm kết hợp, trang trại tổng hợp. Từng bước kết hợp phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…

Vùng nông nghiệp đô thị gồm toàn bộ thành phố Vĩnh Yên và các xã Chấn Hưng, Nghĩa Hưng, Đại Đồng, Tân Tiến, Thổ Tang, Lũng Hoà, Yên Lập, Bồ Sao, Yên Bình, Kim Xá, Việt Xuân (Vĩnh Tường); Duy phiên, Hợp Thịnh, Hoàng Lâu, Vân Hội, Thanh Vân (Tam Dương); Sơn Lôi, Thiện Kế, Gia Khánh, Hương sơn, Bá Hiến, Quất Lưu, Tam Hợp, Hương Canh, (Bình Xuyên), Nam Viêm, Phúc Thắng, Tiền Châu, nội thị Phúc Yên (TX Phúc Yên); Đồng Văn, Đồng Cương, Bình Định, Trung Nguyên (Yên Lạc). Định hướng của vùng này là: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên phát triển rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây thực phẩm, chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường thành phố, đô thị, các khu công nghiệp trong tỉnh và xuất khẩu.

Vùng nông nghiệp thâm canh cao ở đồng bằng: Gồm các xã còn lại của huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường và các xã Phú Xuân, Thanh Lãng, Tân Phong, Đạo Đức (Bình Xuyên), Cao Minh (TX Phúc Yên), Thị trấn Hợp Hoà, An Hoà, Hoàng Đan( Tam Dương). Định hướng phát triển của vùng: Sản xuất hàng hoá với khối lượng lớn cung cấp lương thực, thực phẩm cho toàn tỉnh.

Nguyễn Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang