Vợ bầu Kiên không thấy gì sai cả!

author 06:23 23/05/2014

Nói về vai trò của Nguyễn Đức Kiên, bị cáo Trịnh Kim Quang thừa nhận, tại Ngân hàng ACB, bầu Kiên có quyền lực “vô hình”. Trong khi đó, vợ bầu Kiên là bà Đặng Thị Ngọc Lan (Tổng giám đốc Cty B&B) cho biết luôn tin tưởng vào chồng nên không thấy gì sai cả.

Sự kiện:

Bầu Kiên được cả vợ và em gái tin tưởng

Hôm nay (22.5), HĐXX TAND TP.Hà Nội tiếp tục ngày thứ 3 xét xử “đại án” kinh tế Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và đồng phạm.

Biết Quốc hội có nghị quyết miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, để trốn nộp thuế, bầu Kiên đã chỉ đạo cho vợ là Đặng Thị Ngọc Lan (TGĐ Công ty B&B) ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên). 

Trong năm 2009, Công ty B&B mua bán vàng trạng thái, thu lãi hơn 100 tỷ đồng. Bằng việc này, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh trạng thái vàng của công ty sang cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 25 tỷ đồng. 

Trong phần xét hỏi về cáo buộc “Trốn thuế”, khi chủ tọa phiên tòa nói thời điểm bị cáo Kiên chuyển 100 tỷ đồng tiền lãi cho em gái, nghị quyết trên chưa có hiệu lực thì “bầu” Kiên nói: “Để đỡ mất thời gian, tôi xin HĐXX đọc lại nghị quyết. Trí nhớ của tôi rất tốt. Nghị quyết của Quốc hội có giá trị tức thời, ngay lập tức”.


Bà Đặng Thị Ngọc Lan, vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên trả lời HĐXX


Trong khi đó, lần đầu tiên trả lời tại tòa, bà Đặng Thị Ngọc Lan nói không nắm được hoạt động kinh doanh của công ty, đặc biệt là các hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, vì thời điểm đó bà đang trong giai đoạn sinh con.

Đối với việc ký hợp đồng ủy thác, bà Đặng Thị Ngọc Lan nói, chỉ biết ký chứ không nhớ ký những gì, đồng thời không nhớ ai soạn thảo hợp đồng và ai là người yêu cầu ký. Đa số việc ký hợp đồng bà Lan đều thực hiện ở nhà do đang trong thời gian sinh nở.

“Tôi không quan tâm đến các hoạt động kinh doanh của Công ty B&B. Tôi tin tưởng vào chồng nên tôi thấy không có gì là sai cả”, bà Đặng Thị Ngọc Lan nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thúy Hương cũng cho biết rất tin tưởng anh trai. “Tôi là thành viên góp vốn của Công ty B&B và cùng nằm trong Hội đồng quản trị. Việc ký hợp đồng ủy thác tài chính là do anh Kiên đưa ra. Tôi rất tin tưởng anh tôi”, bà Hương nói trước tòa.

Nói về hành vi trốn thuế của Công ty B&B, đại diện Bộ Tài chính - ông Vũ Quang Hưng cho biết, căn cứ vào hồ sơ, tài liệu… kết luận giám định, Công ty B&B phải nộp trên 25 tỷ đồng tiền thuế. Lợi nhuận từ số tiền kinh doanh vàng tại Công ty B&B là hơn 100 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thúy Hương được hưởng 68 tỷ đồng và chuyển vào tài khoản cá nhân của Nguyễn Đức Kiên hơn 20 tỷ đồng.

Bị cáo Kiên cho biết, hợp đồng ủy thác tài chính do bị cáo soạn thảo. Tại Công ty B&B, bị cáo Kiên có tất cả quyền điều hành, là người đại diện pháp luật của Công ty B&B. Trong việc thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, bị cáo Kiên là người ra lệnh mua và bán.

HĐXX truy vấn bị cáo Kiên về tội trốn thuế, bị cáo cho biết, hợp đồng ủy thác tài chính do chính bị cáo soạn thảo. Tại Công ty B&B, Kiên có tất cả quyền điều hành, là người đại diện pháp luật của công ty. Trong việc thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, bị cáo Kiên là người ra lệnh mua và bán.

Nguyễn Đức Kiên khai: Nhận ủy thác của em gái, Kiên đã kê khai thuế và nộp thuế cho em gái, nhưng "vì có Nghị quyết của Quốc hội về miễn - giảm thuế cho Hương nên tôi không nộp thuế nữa". 

Biện luận về việc HĐXX “vặn” Nguyễn Thúy Hương hưởng lợi nhuận là vào tháng 6, thời điểm chưa được miễn thuế thu nhập cá nhân, bị cáo Kiên nói: "Thời điểm trả lợi nhuân cho Hương thì Nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực".

Bầu Kiên có quyền lực “vô hình” trong Ngân hàng ACB

Trong phần thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm về hành vi “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết, chủ trương cho phép ủy thác tiền gửi được Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB thông qua vào tháng 3.2010. Tại thời điểm đó, Ngân hàng ACB có 11 thành viên nằm trong Hội đồng quản trị, thường trực gồm Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang và bản thân bị cáo Lý Xuân Hải. “Mặc dù tôi là Tổng Giám đốc nhưng dưới quyền Hội đồng quản trị”, bị cáo Hải nói.

Khi đại diện VKS hỏi "Việc để nhân viên đi ủy thác tiền gửi có trái với Luật các Tổ chức tín dụng không?", bị cáo Hải cho biết: Tại thời điểm đó, Luật các Tổ chức tín dụng đã có hiệu lực, tuy nhiên không có văn bản hướng dẫn. Theo đó, việc ủy thác tiền gửi vẫn áp dụng các văn bản cũ của Ngân hàng Nhà nước”.

Bị cáo Lý Xuân Hải phủ nhận việc chỉ đạo nhân viên đi gửi tiền với lãi suất cao hơn lãi suất trần và nói rằng đó là do ông Nguyễn Văn Hòa - Kế toán trưởng Ngân hàng ACB. Bị cáo Hải cũng cho biết, chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền được diễn ra vào khoảng tháng 3.2010.

Về phần mình, bị cáo Lê Vũ Kỳ nói không nhớ rõ người đề xuất việc ủy thác tiền gửi với lãi suất cao.

Theo bị cáo Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên có vai trò quyết định mặc dù không tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB. Nếu bầu Kiên và những người trong hội đồng quản trị không thông qua thì không thể đề xuất hay chỉ đạo nhân viên đi gửi tiền với lãi suất cao.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trịnh Kim Quang, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cho biết, tại Ngân hàng ACB, ông Trần Mộng Hùng - Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Nguyễn Đức Kiên là hai người quyền lực nhất.

Nói về vai trò của bầu Kiên, bị cáo Phạm Trung Cang thừa nhận, tại Ngân hàng ACB, bầu Kiên có quyền lực “vô hình”.

 

Trả lời HĐXX, bị Phạm Trung Cang khai có tham gia cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22.3.2010. Cuộc họp gồm có Hội đồng sáng lập, thường trực HĐQT… Cuộc họp bàn cách giải quyết số tiền đang dư trong ngân hàng (do nhiều người dân gửi tiền trong khi doanh nghiệp đang khó khăn mà không vay).

Trả lời HĐXX về vai trò của bầu Kiên trong việc ra Nghị quyết, bị cáo Cang cho biết, nếu bầu Kiên không đồng ý thì Nghị quyết HĐQT sẽ không thông qua được. Bị cáo Cang nhấn mạnh: “Vai trò của Hội đồng sáng lập rất lớn”.

Trở lại phòng xét xử sau khi được cách ly trong thời gian các đồng phạm trả lời HĐXX, bị cáo Kiên cho biết: Cuộc họp thường trực HĐQT ngày 23.10.2010 là cuộc họp giao ban và có mời các thành viên hội đồng sáng lập tham dự là ông Trần Mộng Hùng và Nguyễn Đức Kiên. Trong cuộc họp giao ban thường kỳ bàn nhiều nội dung về kế hoạch phát triển của Ngân hàng ACB. Tại cuộc họp, Lý Xuân Hải đề xuất việc ủy thác tiền cho nhân viên đi gửi tiền ở ngân hàng khác. 

Tại cuộc họp không thành viên nào thảo luận, ông Trần Xuân Giá yêu cầu các thành viên phát biểu ý kiến. Bị cáo Kiên không được đề xuất nêu ý kiến nhưng Kiên nói: “Nếu phát biểu tôi cũng đồng ý với đề xuất này”.

Nói về Nghị quyết HĐQT, bị cáo Kiên nói rành mạch trong đó có việc HĐQT đồng ý với việc thông qua việc gửi tiền. Và, ông Hòa - Kế toán trưởng của Ngân hàng ACB thời điểm đó thực hiện Nghị quyết.

Về việc Nguyễn Đức Kiên có tác động trong việc ra Nghị quyết của HĐQT, bị cáo Kiên khẳng định bị cáo không có vai trò gì trong Ngân hàng ACB để có thể tác động đến việc ra Nghị quyết. Bị cáo Kiên cũng phủ nhận việc Ngân hàng ACB gửi tiền sang các ngân hàng khác.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao: Ông Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) bị xét xử về 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cùng với Nguyễn Đức Kiên gồm:

- Ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB);

- Ông Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB);

- Ông Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB);

- Ông Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB);

- Ông Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB);

- Ông Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB).

2 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm:

- Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội);

- Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội.

 

 

 

Theo Danviet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang