Huy động công an điều tra chất cấm dùng tùy tiện trong chăn nuôi

author 06:19 03/09/2015

(VietQ.vn) - Một số địa phương khu vực phía Nam kết hợp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, PC 46 địa phương và liên ngành tiến hành điều tra, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi.

Thịt heo có chất cấm, lọt lưới kiểm dịch?

Tình trạng sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi heo ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, gần đây xuất hiện tình trạng các thương lái thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi thu mua heo đã xuất chuồng của các Công ty để sử dụng chất cấm vỗ béo heo. 

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho hay, heo sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian từ 10 – 30 ngày sẽ tăng trọng thêm 20 – 30 kg và đạt tổng trọng lượng 130 – 140 kg. Trừ chi phí, mỗi đầu heo sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng. Các thương lái này cũng dùng thủ đoạn quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lý hóa thủ tục để xin cấp giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. 

Ngoài ra, trong lần thanh tra toàn diện vừa qua, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng phát hiện những trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ ở quy mô 100 – 200 con heo, chất lượng con giống kém, sử dụng chất cấm trong quá trình chăn nuôi để tăng trọng nhằm thu lợi bất chính. Trong khi đó, một số kiểm dịch viên đã không làm hết trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình kiểm dịch heo, không kiểm soát được nguồn heo được kiểm dịch, tạo kẽ hở cho heo sử dụng chất cấm vẫn được kiểm dịch.

Thống kê của Chi cục Thú y TP. HCM cho thấy, 6 tháng đầu năm, Chi cục này đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô, phát hiện 31 mẫu dương tính với hàm lượng cao chất tạo nạc sabutamol thuộc 7 lô heo. 

Chất tạo nạc trong chăn nuôi

Chỉ 10 ngày sử dụng chất tăng trọng và kích nạc, heo tăng 20kg

Công an điều tra chất cấm dùng trong chăn nuôi

“Chất tạo nạc” chính là tên gọi nôm na dành cho nhóm chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. 3 chất có tính tạo nạc nổi bật có mặt trên thị trường là sabutamol, ractopamine, clenbuterol, trong đó sabutamol là chất được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Trên động vật, khi được cho ăn với một lượng lớn (1.000 – 6.000 mg/ngày) sẽ làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỷ lệ thịt mông, đùi, làm da bóng mượt. Trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của sabutamol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng chúng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ, vọng mạc và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao. Cũng chính vì thế mà các trường hợp ngộ độc được báo cáo thường do ăn nội tạng động vật và là một trong những tác nhân gây ung thư.

Mới đây, trước tình trạng diễn biến phức tạp của chăn nuôi heo bằng chất cấm ở Đồng Nai, Đoàn công tác của Thanh tra Bộ NN&PTNT đã đề nghị PC46 Đồng Nai nhanh chóng vào cuộc để truy xuất và tìm ra các cơ sở cung cấp nguồn chất cấm tăng trọng và chất cấm tạo nạc sabutamol. Đồng thời, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng đề nghị PC46 làm rõ việc một số cơ sở chăn nuôi sau khi xuất bán heo có giấy tiêm phòng phục vụ cho việc đăng ký kiểm dịch với Chi cục Đồng Nai. Đề nghị PC46 kiểm tra xác minh, xử lý nghiêm các trang trại có chứa chất cấm. 

Trước đó, đoàn kiểm tra gồm Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) phối hợp Cục Cảnh sát môi trường (C49, cơ quan thường trực tại TP.HCM) tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên (đường Âu Cơ, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú), phát hiện tại đây có hơn 750 kg bột trộn tạo nạc hiệu Samurai.

Tại thời điểm kiểm tra, nơi đây có đến 300 mặt hàng thuốc thú y chưa qua đăng kiểm, không có giấy phép lưu hành; những loại thuốc này nằm trong danh mục chưa được sản xuất tại Việt Nam.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện công ty này hoạt động không phép từ năm 2013. Theo giấy tờ xuất hàng mà nhân viên của công ty trình cho đoàn kiểm tra cho thấy các sản phẩm thuốc thú y của công ty này được phân phối tiêu thụ tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Thái Bình, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại thời điểm kiểm tra có rất nhiều mặt hàng thuốc thú y từ dạng bột đến dạng nước được đóng gói để lẫn lộn với nhau trên sàn tại tầng trệt. Phía trên lầu là nơi pha chế với rất nhiều thùng nhựa chứa các dung dịch khác nhau bốc mùi hôi nồng nặc khiến các thành viên đoàn kiểm tra phải bịt mũi.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang