"Vỡ mộng" với mua sắm trên truyền hình

author 18:20 20/05/2012

Mua sắm trên truyền hình đang ngày càng trở nên tiện dụng và nhanh chóng song thực tế dịch vụ này cũng đang khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngờ, thắc mắc dẫn đến hoang mang.

Quảng cáo một đằng, hàng một nẻo

Những kênh mua sắm phổ biến được phát sóng trên truyền hình cáp có thể kể đến như: Viet Home Shopping (VHS) trên HTVC+, Home Shopping Network (HSN) phát sóng 24/24 giờ trên kênh SCTV, TVS-VHS trên kênh SCTV5. Truyền hình cáp Việt Nam cũng có kênh mua bán hàng hóa TV shopping trên VCTV11; ngoài ra còn được phát trên các đài truyền hình địa phương như BTV3, BTV5 và các kênh khác trên hệ thống cáp của SCTV.
 
Hầu hết các kênh mua sắm này đều có chung một cách thức hoạt động là đưa ra các clip quảng cáo hấp dẫn thu hút người xem và không quên nhấn mạnh những thông tin quan trọng như: hướng dẫn sử dụng, giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giá cả, số điện thoại tư vấn của tổng đài. 
 
Khi người tiêu dùng “nhắm” được món hàng ưng ý, chỉ cần gọi điện đến tổng đài sẽ được nghe tư vấn hướng dẫn cụ thể, nếu khách đồng ý mua thì để lại thông tin địa chỉ, số điện thoại. Toàn bộ thông tin này sẽ chuyển qua phòng giao hàng và hàng sẽ được chuyển đến khách trong vòng 3-4 ngày.
Hình ảnh quảng cáo mua sắm trên truyền hình
Hình ảnh quảng cáo mua sắm trên truyền hình
 
Khách hàng chỉ phải thanh toán tiền theo đúng giá ghi trên hóa đơn khi hàng được giao tận nơi mà không phải trả thêm cước phí vận chuyển. Do đó, cách thức mua sắm này thu hút phần đông các bà nội trợ của những gia đình khá giả. Mặt hàng được chào bán phần nhiều là những sản phẩm nhà bếp, đồ gia dụng như máy xay đa năng, chổi xoay, máy hút bụi, bộ dao kéo… ; hoặc các sản phẩm làm đẹp, máy tập đa năng, kem dưỡng da, trị mụn, áo nâng ngực, bộ trang sức…
 
Để câu khách, các công ty bán hàng đều đầu tư hình ảnh, clip ấn tượng, dùng nhiều kỹ xảo có tác dụng kích thích mạnh đối với người xem. Chiếc chổi xoay 360 độ, chỉ cần lau qua vài đường là nền nhà đã sạch bong đến mức… soi gương được, máy tập đa năng chỉ trong nháy mắt đã giúp người mẫu của chương trình từ “eo bánh mỳ” chuyển sang “thắp đáy lưng ong”…
 
Sản phẩm áo lót nâng ngực còn sử dụng hàng loạt hình ảnh “bỏng mắt” của người đẹp - diễn viên Trung Quốc Trần Hảo với lời quảng cáo “Tại sao bạn không dùng một chiếc áo nâng ngực để có vòng 1 hoàn hảo và được nhiều người để ý như diễn viên Trần Hảo? ”. Clip quảng cáo về bộ trang sức mạ vàng gắn kim cương cũng làm nhiều chị em “hoa mắt” bởi “sáu viên kim cương lớn như thế, đẹp như thế mà giá chỉ có… 990.000 đồng”.
 
Thực tế khi mua hàng và sử dụng, nhiều người tiêu dùng đã “vỡ mộng”. Chị Thanh Hà (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết, chị đặt mua bộ trang sức gắn kim cương lấp lánh như trên tivi quảng cáo nhưng khi nhận hàng, chị “phát hoảng” vì bộ trang sức mạ vàng không khác gì đồ mỹ ký rẻ tiền vài chục nghìn, 6 viên kim cương “cực lớn, cực sáng” thì chỉ bé như… hạt cát. Giấy chứng nhận “6 viên kim cương thật” được viết bằng thứ tiếng tượng hình loằng ngoằng và người giao hàng cũng không thể dịch nổi…
 
Giống như trường hợp của chị Hà, chị Thu Trang (Việt Hưng, Hà Nội) cũng đặt mua máy tập đa năng có giá hơn 2 triệu trên chương trình BestBuy. Máy được quảng cáo là hàng của Mỹ, công nghệ đạt tiêu chuẩn USA nhưng khi “khui” hàng ra, chị mới phát hiện toàn bộ vỏ máy đều dán nhãn “made in China”. Nhấc máy gọi đến tổng đài, chị nhận được lời giải thích “sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc nhưng theo công nghệ Mỹ”…
 
Hàng hoá không chỉ khác xa so với quảng cáo, nhập nhằng về xuất xứ mà giá cả cũng khiến nhiều người mua bị “hớ”. Mặc dù các kênh truyền hình đều tuyên bố “đưa đến mức giá rẻ nhất cho người tiêu dùng” nhưng nếu so với giá của mặt hàng cùng loại bán trên mạng hay ở ngoài cửa hàng, có sự chênh lệch rất lớn.
 
Máy xay đa năng Magic Bullet bán trên truyền hình ở Việt Nam giá 1,55 triệu đồng/cái nhưng tại trang web Amazon giá chỉ ở tầm từ 1-1,2 triệu. Chiếc chổi xoay Go Duster được chào bán tại trang web Amazon với giá 60.000–150.000 đồng/cây nhưng trên tivi giá “chót vót”, những 795.000 đồng/cây. Và chắc hẳn nhiều người tiêu dùng không quên vụ “vòng titan chữa bệnh” bán trên kênh Style TV với giá 990.000 đồng, cuối cùng lại là chiếc vòng giá 4.000 đồng nhập từ Lạng Sơn.
Nhà đài cũng phải có trách nhiệm
 
Đại diện Hiệp Hội bảo vệ người tiêu dùng cho biết, hiệp hội đã nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng về vấn đề mua phải hàng kém chất lượng trên kênh mua sắm truyền hình. Hiệp hội cũng đã có ý kiến trực tiếp với các Đài truyền hình. Nhưng đa số các kênh bán hàng trên các đài truyền hình đều cho rằng họ chỉ là trung gian môi giới, quảng cáo các loại mặt hàng nhập khẩu chứ không phải là nhà cung cấp. Do vậy, họ không chịu trách nhiệm về những khiếu nại trên.
 
Nhà đài cho rằng, họ có những khó khăn riêng. Đài truyền hình không phải là cơ quan chuyên môn để kiểm tra chất lượng của từng sản phẩm được bán qua sóng truyền hình và chỉ có thể đánh giá hàng hóa dựa trên tính hợp pháp của sản phẩm như: xuất xứ hàng hóa, chứng nhận chất lượng, đăng ký kinh doanh của đơn vị bán.
 
Theo quy định của Bộ Thông Tin - Truyền Thông, các quảng cáo hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm tra về chất lượng hoặc thuộc danh mục phải có chứng nhận chất lượng bắt buộc phải có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa. Ví dụ như các sản phẩm liên quan đến y tế, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người bắt buộc phải có chứng nhận từ Bộ Y tế hoặc các sở y tế địa phương. Tuy nhiên, nhiều đài truyền hình địa phương đã tuỳ tiện phát sóng những quảng cáo về hàng hoá không có đủ giấy tờ chứng nhận cần thiết.
 
Lãnh đạo hiệp hội cũng cho biết thêm, những clip quảng cáo trên truyền hình như hiện nay hầu hết đưa ra những thông tin mập mờ, khoa trương, chỉ nhằm gây ấn tượng về thương hiệu của doanh nghiệp chứ chứa rất ít thông tin trung thực về hàng hoá dịch vụ. 
 
Có lẽ đã đến lúc người tiêu dùng nên cảnh giác hơn với việc mua sắm các trang thiết bị trên nhà đài, tránh tình trạng "tiền mất tật mang".
 
Thu Phong
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang