"Với nhà khoa học lương không phải quan trọng nhất"

author 08:10 01/12/2013

(VietQ.vn) – GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, với nhà khoa học, lương không phải yếu tố quan trọng nhất, mà là sự lắng nghe, được trao đổi thông tin…

Đánh giá về Nghị định hướng dẫn Luật KHCN sửa đổi lần này, GS Nguyễn Ngọc Trân, chuyên gia cao cấp Hội đồng KHCN Quốc gia, nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên chỉ quan tâm, ưu đãi với các nhà khoa học thuộc “khối công lập”, mà cần trọng dụng tất cả những người làm khoa học trong xã hội.

Lương nhà khoa học

Các nhà khoa học ở ĐH Tokyo, Nhật Bản đang làm việc. Ở Tokyo, có 3 người hưởng lương cao nhất; trong đó có Thủ tướng và Hiệu trưởng ĐH Tokyo.

 

Cũng không nên chỉ đề cao các nhà khoa học đầu ngành, mà quên đi những nhà khoa học liên ngành. Bởi hiện nay, khoa học phát triển đến mức để làm ra được một sản phẩm, cần có nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.

Kể lại câu chuyện ở nhiều địa phương, có những người giỏi về được một thời gian rồi cũng đi chỗ khác, GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, với những người làm công tác nghiên cứu, lương bổng không hẳn là quan trọng nhất. Mà quan trọng là sự lắng nghe, được trao đổi thông tin, cập nhật những tin tức mới về khoa học…

Các nhà khoa học chân chính đều mong muốn được đánh gia công bằng,  minh bạch, có cơ hội tiến thân.

“Xã hội ta đang có một “lớp màng”. Đó chính là những người con em cháu cha. Những anh em làm khoa học từ xã hội đi lên khó được vào những vị trí như họ” – vị đại biểu Quốc hội nổi tiếng thẳng thắn một thời chia sẻ.

Cũng góp ý về Nghị định hướng dẫn Luật KHCN, GS. TSKH Nguyễn Xuân Quỳnh (Viện Điện tử - Tin  học) cho rằng, căn cứ đánh giá nhà khoa học dựa theo bài đăng tạp chí phải cẩn trọng, tránh “vàng thau lẫn lộn”, vì có nhiều loại tạp chí chất lượng khác nhau.

GS Đặng Mậu Chiến, ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng, thay vì quy định “nhà khoa học đầu ngành được cấp tiền để làm nghiên cứu” thì nên đặt ngược lại là “nhà khoa học đầu ngành được ưu tiên nhận nhiệm vụ KHCN”.

GS Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng KHCN Quốc gia, nguyên Bộ trưởng KHCN phân tích, khi đóng thuế cho nhà nước thì tất cả các đơn vị công lập và tư nhân đều đóng. Vì thế, ngân sách là nguồn đóng góp chung, không phân biệt. Nên kinh phí đầu tư cho khoa học cũng không nên phân biệt “công” và “tư”, mà phải chọn nơi nào xứng đáng nhất.

Thu Hà

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang