Vốn đầu tư ra nước ngoài: Đi dễ khó về ?

author 07:45 17/04/2013

(VietQ.vn)- Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 2,658 tỉ USD. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cũng còn nhiều rủi ro...

Vốn đầu tư ra nước ngoài vào dầu khí tăng mạnh

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết thúc quí I/2013 các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 2,658 tỉ USD.

Con số này vượt xa so với 1,546 tỉ USD được các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong cả năm 2012.
Trong đó, 22 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư 720,7 triệu USD và 5 lượt dự án đăng ký tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm đạt 1,9 tỉ USD.

Trong số 5 dự án đầu tư ra nước ngoài tăng vốn trong quí I/2013 đáng chú ý nhất là dự án thuộc Công ty Liên doanh RusVietpetro của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga tăng vốn đầu tư lên tới 1,4 tỉ USD và dự án thăm dò muối mỏ tại Lào của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam tăng vốn 518,9 triệu USD.

Hoạt động khai thác dầu khí của Petrovietnam tại Nhenhetxky, Liên bang Nga
Hoạt động khai thác dầu khí của Petrovietnam tại Nhenhetxky, Liên bang Nga

Trong quí I/2013 lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài chủ yếu là khai khoáng, chiếm 72,3% vốn đầu tư đăng kí. Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực thông tin và truyền thông đứng thứ ba, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư. Như vậy, tính đến cuối tháng 3/2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong đó, Lào đứng vị trí thứ nhất với 227 dự án, tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỉ USD, chiếm 27,1% vốn đầu tư; Campuchia đứng vị trí thứ 2 với 129 dự án, tổng vốn đầu tư đăng kí đạt 2,7 tỉ USD, chiếm 17,6% vốn đầu tư.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiều trường hợp doanh nghiệp đã bắt đầu thu được lợi nhuận từ các thị trường bên ngoài.

Trong số các đại gia đầu tư ra nước ngoài hiệu quả có Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)…

Thận trọng với việc quản lí vốn

Tuy nhiên, việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng đang gặp những khó khăn cũng như tồn tại như tiềm lực tài chính còn yếu, chưa thể đầu tư lớn cũng như tạo ra được giá trị gia tăng lớn trong tương lai gần.

Phần lớn các dự án đầu tư quy mô lớn hiện đang trong giai đoạn đầu của quá trình đầu tư nên hiệu quả đầu tư ra nước ngoài là chưa lớn, chưa có đóng góp đáng kể cho việc phát triển kinh tế xã hội trong nước thời gian qua.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong gian tới.

Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại như khuôn khổ pháp lý đối với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và còn nhiều bất cập.

Đặc biệt là các qui định liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.

Do đó, các chủ đầu tư phải xác định rõ nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, cũng như lộ trình thực hiện dự án nhằm đáp ứng yêu cầu về tiến độ của dự án.

Đồng thời đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa nắm vững luật pháp của nước ngoài, dễ dẫn đến những rủi ro trong đầu tư, kinh doanh tại nước sở tại.

Do đó, Cục Đầu tư nước ngoài đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kĩ chính sách thuế, phí, thanh toán, tập quán và thói quen tiêu dùng, các qui định xuất nhập khẩu ở nước sở tại, tránh dính dáng đến tranh chấp, kiện tụng ở nước ngoài.

Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan... còn yếu, do đó các doanh nghiệp chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại nước sở tại.

Hoạt động đầu tư thường đơn lẻ, manh mún, và đôi khi còn có xung đột về lợi ích của nhau. Để tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ sẽ xem xét ban hành Chỉ thị riêng về hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào và Campuchia.

Phạm Thanh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang