Vốn ngoại đầu tư vào DN Việt và nỗi mừng, lo sau các thương vụ M&A

author 15:43 22/06/2020

(VietQ.vn) - Nguồn vốn ngoại giúp các doanh nghiệp Việt tiếp cận được với hệ sinh thái doanh nghiệp ngoại, đảm bảo được sự cung ứng không đứt gãy trong chuỗi liên kết hàng hóa trên thế giới.

Những mừng lo sau các thương vụ M&A

Mới đây, trong thông báo phát đi hôm 10/6, ông Nguyễn Sĩ Công, TGĐ Coteccons đặt nghi vấn về việc nhóm cổ đông ngoại trong đó có Kusto cùng một số cổ đông cá nhân khác… cấu kết với nhau nhằm thâu tóm công ty.

Tuy thông tin này chỉ là suy đoán từ một phía và bên Kusto đã phủ nhận nhưng câu chuyện này của Coteccons một lần nữa khiến không ít người nghĩ đến những phi vụ M&A tại Việt Nam trong thời gian qua với những vui buồn lẫn lộn.

Thương vụ 25 triệu USD vào năm 2012 giữa Coteccons và Kusto được coi như một trường hợp thành công điển hình của các nhà đầu tư ngoại rót vốn vào doanh nghiệp Việt trong ngành xây dựng 

Nguồn vốn ngoại đổ vào các doanh nghiệp Việt giúp các doanh nghiệp Việt tiếp cận được với hệ sinh thái doanh nghiệp ngoại, đảm bảo được sự cung ứng không đứt gãy trong chuỗi liên kết hàng hóa trên thế giới.

Trong ngành xây dựng, thương vụ ấn tượng trong thời gian 1- 2 năm gần đây phải kể đến Hoà Bình Corp và Huyndai Elevator Co., Ltd. Năm 2019, sau khi được nới room lên 49%, Hòa Bình Corp đã chào bán riêng lẻ thành công 25 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 10,83%) cho Huyndai Elevator Co., Ltd khiến tiềm lực doanh nghiệp này mạnh lên. Trước đó, mối lương duyên giữa Coteccons và Kusto cũng đã chứng minh cho sự hiệu quả ít nhiều trong việc phát triển doanh nghiệp đó.

Tuy nhiên, điều này cũng gây ra nhiều lo ngại cho thị trường nội địa khi xuất hiện những doanh nghiệp nước ngoài thông qua các thương vụ M&A để chiếm lĩnh thị trường như ThaiBer mua lại Sabeco, Central Group mua lại Big C, hay C.P Group hiện đang chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam...

Dù câu chuyện về nguy cơ đánh mất thương hiệu Việt không còn quá được để ý, các ông chủ doanh nghiệp Việt khi M&A đều được hưởng lợi từ các thương vụ, song trong con mắt của nhiều người Việt Nam, đây đó vẫn có chút xót xa khi thương hiệu Việt nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài. Đó là thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan nổi tiếng một thời đã bị mất vào tay doanh nghiệp nước ngoài và mới đây, bánh kẹo Kinh Đô cũng lại đã thuộc về Mondelēz International…

Còn Coteccons, nếu thương hiệu này không còn nằm trong tay những người sáng lập hay những nhà đầu tư trong nước thì điều tiếc nuối sẽ không dừng lại ở câu chuyện thương hiệu.

Tỉ phú Thái Lan đã thâu tóm thành công Sabeco (Ảnh PLVN)

Viễn cảnh nào cho Coteccons?

Với với cái tên Kusto Group, trước Coteccons, nhiều người đã biết tới các vụ M&A trước đây, cụ thể là với Descon, Beton 6 nhưng cái kết cho các thương vụ này không thực sự “tươi đẹp” như kỳ vọng.

Năm 2010, sau khi nắm đủ số phiếu biểu quyết (52,6%), nhóm Kusto đã bãi miễn chức danh Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng Giám đốc Descon. Chủ tịch HĐQT Descon phải rời công ty sau 20 năm gắn bó, cổ phiếu DCC của Descon đột ngột bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin. Cũng kể từ đó, Descon gần như không còn được nhiều người biết đến trên thị trường như trước.

Cuối năm 2018, Descon đứng trước nguy cơ phá sản sau khi TAND TP Hồ Chí Minh có quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp này theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd.

Một tên tuổi lớn khác bị Kusto thâu tóm là Công ty Beton 6 (BT6) cũng rơi vào tình trạng tương tự như Descon. Sau khi chiếm quyền tại Beton 6, nhóm này đồng ý với quyết định hủy niêm yết để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Nhưng trái với mong đợi, Beton 6 lại rơi vào chuỗi khủng hoảng, bắt đầu lỗ lớn từ năm 2017 và gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Giữa tháng 5/2020, công ty sản xuất bê tông với bề dày hoạt động 60 năm này đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết. Báo cáo tài chính mới nhất tại 30/9/2019, công ty mẹ Beton 6 có lỗ lũy kế 385 tỷ đồng trên vốn điều lệ 333 tỷ. Vay nợ tài chính 350 tỷ đồng.

Lý giải với chúng tôi về những thương vụ M&A do Kusto thực hiện và nắm quyền điều hành sau đó, Tổng giám đốc Đại Phúc Land Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng việc hợp tác giữa các cổ đông ngoại và doanh nghiệp Việt đều dựa trên sự kết hợp thế mạnh của từng bên và có nhiều yếu tố quyết định sự thành công.

Thực tế, cổ đông ngoại có thế mạnh về vốn, còn doanh nghiệp Việt có thế mạnh ở quan hệ, ở sự am hiểu thị trường, độ nhanh nhạy, thâm nhập thị trường cũng như cách vận hành doanh nghiệp. Nếu việc kết hợp giữa hai bên mà phát huy được thế mạnh của cả hai thì doanh nghiệp sẽ phát triển.

Đối với lùm xùm giữa Coteccons – Kusto trong thời gian này, vấn đề mới chỉ dừng lại ở sự khác nhau trong cách nhìn nhận vấn đề giữa nhà đầu tư và Ban điều hành Công ty. Những nguy cơ về tổn hại kinh tế đã hiện hữu và đã có những thương vụ tiền lệ như nêu trên khi mà các bên không ngồi lại đàm phán với nhau một cách hòa bình.

Quan hệ Coteccons và Kusto cần được đàm phán một cách hòa bình, thiện chí để đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên. (Ảnh: Coteccons) 

Và nếu còn nhiều sự khác biệt trong quan điểm mà chưa thể đàm phán được, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, vì lợi ích chung của cả hai bên thì phía Kusto và Ban điều hành của Coteccons cần ngồi lại đàm phán với nhau với sự giúp sức của những người ở bên thứ ba làm trung gian.

Đối với tình huống này, các cơ quan nhà nước hữu quan có nên chăng vì lợi ích chung mà đưa ra ý kiến để định hướng, hướng dẫn nhằm đảm bảo quyền lợi chung của nhà đầu tư, doanh nghiệp và quan trọng hơn cả là việc ổn định về công việc cho hàng trăm nghàn người lao động đang làm việc tại Công ty Coteccons, nhà thầu phụ và đối tác.

Hy vọng mới trong điều trị Covid-19 bằng huyết tương của bò sữa(VietQ.vn) - Dù chỉ là những bước đầu của thử nghiệm nhưng phương pháp điều trị Covid-19 nguồn gốc từ huyết tương bò sữa để tạo ra kháng thể chống virus cũng mang tới nhiều hứa hẹn.

Theo Môi trường và Đô thị

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang