VTV 'méo mặt' vì bị vi phạm bản quyền, khán giả chịu thiệt

author 22:45 30/05/2017

(VietQ.vn) - Khán giả truyền hình ngày càng “thiệt thòi” hơn khi vấn nạn vi phạm bản quyền các chương trình của VTV không ngừng gia tăng.

Bản quyền VTV bị xâm phạm “không thương tiếc”

Thời gian gần đây, việc nhiều chương trình do VTV sản xuất bị không ít các đơn vị truyền thông vi phạm bản quyền trên nền tảng Internet trở thành vấn đề nóng được dư luận quan tâm.

Hồi đầu tháng 5/2017, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã không còn được theo dõi các trận đấu kể từ vòng bán kết lượt về của giải bóng đá Champions League và Europa League trên các kênh sóng của VTVcab.

Nguyên nhân của sự việc này là do nhiều trang báo điện tử và đơn vị truyền thông của Việt Nam đã vi phạm bản quyền, tự ý lấy và phát hình ảnh giải đấu từ VTVCab, khiến đối tác quốc tế đã quyết định ngừng hợp tác với VTVcab.

Không chỉ ở riêng mảng thể thao, nhiều chương trình phim truyện, giải trí do VTV sản xuất cũng bị nhiều đơn vị truyền thông vi phạm bản quyền, đặc biệt nghiêm trọng trên nền tảng Internet.

Có thể lấy dẫn chứng rõ nhất trong thời gian gần đây chính là việc hai bộ phim đình đám “Người Phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” được phát sóng trái phép trên hàng chục kênh YouTube cùng giờ phát sóng với VTV.

Thậm chí, có đơn vị vi phạm còn chèn quảng cáo để thu lợi bất chính từ các video có nội dung do VTV sản xuất. Theo đại diện của VTV, tất cả các trang chiếu hai bộ phim do VTV sở hữu bản quyền nói trên đều là thu sóng trái phép.

Phim "Người phán xử" do VTV sản xuất bị truyền dẫn trái phép trên rất nhiều kênh Youtube. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có thời điểm Thanh tra Bộ thanh tra 9 trang web thì cả 9 đơn vị đều có hành vi vi phạm bản quyền các chương trình do VTV sản xuất. Thanh tra đã tiến hành xử phạt, nhưng sau khi bị xử lý thì các đơn vị này vẫn tiếp tục vi phạm, rất khó xử lý được triệt để vấn đề vi phạm bản quyền trên Internet.

Thực trạng trên càng gây bức xúc hơn khi nhiều doanh nghiệp có tiếng dù hiểu biết pháp luật nhưng vẫn cố tình xâm phạm bản quyền các chương trình của VTV. Thống kê cho thấy có những đơn vị thậm chí sử dụng trái phép đến 11.000 chương trình có nội dung do VTV sản xuất.

Mặc dù VTV đã nhiều lần gửi công văn, bằng chứng vi phạm để yêu cầu chấm dứt những sai phạm nhưng các đơn vị này đều phớt lờ khiến VTV trở thành nạn nhân bị xâm phạm bản quyền lớn nhất ở Việt Nam.

VTV buộc phải mạnh tay, khán giả ngày càng “thiệt thòi”

Đầu tháng 5/2017, trước thông tin VTVCab tuyên bố ngừng phát sóng hai giải bóng đá Champions League và Europa League, nhiều người hâm mộ đã tỏ ra khá hụt hẫng bởi họ sẽ không còn được theo dõi những trận đấu tiếp theo của hai giải đấu này trên kênh sóng của VTV với chất lượng cao.

Nhiều người lo rằng nếu tình trạng vi phạm bản quyền phát sóng còn tiếp tục tái diễn, rất có thể người hâm mộ Việt Nam sẽ không được theo dõi cả những trận đấu ở World Cup.

Vụ việc này xảy ra chưa lâu thì đến ngày 29/5 vừa qua, VTV một lần nữa lại phải áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế nạn xâm phạm bản quyền phát sóng đang diễn ra phổ biến.

Theo đó, vào sáng ngày 29/5/2017, cộng đồng sử dụng thiết bị Android TV Box đã xôn xao khi Clip TV và FPT Play cùng lúc tạm ngưng cung cấp tín hiệu kênh truyền hình các kênh của VTV (từ VTV2 đến VTV9). Hiện tại chỉ còn duy nhất 1 kênh truyền hình thiết yếu VTV1 là được phát sóng trên hai hệ thống này.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV cho biết, việc Clip TV ngừng phát sóng các kênh từ VTV2 đến VTV9 là do có vấn đề liên quan đến bản quyền phát sóng.

Clip TV là đơn vị xác định nghiêm túc trong thực hiện bản quyền khi đã đầu tư rất nhiều tiền cho công nghệ và nội dung. Tuy nhiên việc thương thảo bản quyền còn gặp nhiều khó khăn và nhiều lý do khác nhau. Clip TV vẫn tiếp tục làm việc với VTV để hy vọng được cung cấp các nội dung này phục vụ khách hàng Việt Nam một cách chính thống nhất.

Về phía FPT Play cũng thông báo tới khách hàng lý do việc tạm ngưng phát sóng các kênh truyền hình của VTV vì chưa đạt được thỏa thuận về bản quyền. FPT Play sẽ nỗ lực đàm phán để có thể sớm cung cấp các kênh trở lại.

Việc VTV ngừng phát sóng hai giải bóng đá Champions League, Europa League hay việc Clip TV và FPT Play cùng lúc tạm ngưng cung cấp tín hiệu kênh truyền hình các kênh của VTV vì lý do bản quyền được cho là những sự cố lấy đi ngày càng nhiều quyền lợi của khán giả truyền hình.

Anh Hải (Hà Nội) cho biết: “Những người xem truyền hình như chúng tôi đang cảm thấy ngày càng thiệt thòi khi không được xem những chương trình chất lượng cao trên VTV do bản quyền. Ví như việc không phát sóng Champions League và Europa League, khi đó, chúng tôi đã phải mò mẫm link lậu trên mạng để xem nhưng chỉ được hình ảnh rất mờ, màn hình bị co nhỏ, xem cũng mất hay. Mong muốn lớn nhất là giải quyết xong vấn đề bản quyền để chúng tôi có thể xem mọi chương trình qua tivi với chất lượng tốt nhất”.

Cùng quan điểm với anh Hải, chị My (Phú Thọ) cho rằng nếu tình trạng vi phạm bản quyền VTV vẫn gia tăng, VTV chắc chắn sẽ có nhiều biện pháp mạnh tay hơn nữa như ngừng phát sóng, ngừng cung cấp dịch vụ ứng dụng OTT. Khi đó, người thiệt thòi vẫn là khán giả truyền hình chứ không phải các cơ sở truyền dẫn, phát sóng trái phép.

Giải pháp nào để giảm nạn vi phạm bản quyền?

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, môi trường internet đã làm này sinh các vấn đề mới về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Các vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trong các lĩnh vực như âm nhạc, văn học, truyền hình…đang rất phức tạp, đa dạng và vượt ra khỏi địa lý biên giới quốc gia.

“Việc thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ quốc gia để giám sát và theo dõi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan như phải có phần mền theo dõi hành vi vi phạm… là một thách thức khi giải quyết vấn nạn xâm phạm bản quyền”, bà Oanh nói.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng cho rằng khó khăn lớn nhất mà ông và các cộng sự đang gặp phải là công nghệ phần mềm, công cụ cần thiết để theo dõi sự vi phạm trong các lĩnh vực kinh doanh truyền hình, nhạc số, hoạt động lưu trữ, phân phối cho các thành viên.

Nếu không nâng cao nhận thức về vấn đề bản quyền, khán giả Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phải chịu thiệt thòi. 

Theo ý kiến của một số chuyên gia, để khắc phục nạn vi phạm bản quyền, cơ quan chức năng cần trang bị các phần mềm chuyên dụng theo dõi, ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền trên không gian số.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của mọi người về quyền tác giả vẫn được xem là giải pháp lâu dài và mấu chốt nhất trong vấn đề này.

Ở một góc nhìn khác, luật sư Vũ Phan Tuấn - một chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực bản quyền từ công ty Phan Law Việt Nam cho rằng để giải quyết vấn đề trên, Việt Nam cần có khung pháp lý phù hợp hơn đối với việc quản lý các hành vi vi phạm bản quyền phát sóng, truyền dẫn.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có sự quan sát, hỗ trợ đối với các đơn vị sở hữu, đơn vị thu mua bản quyền.

 Bảo Bình

VTV gửi công văn nhận vi phạm bản quyền nhưng chưa xin lỗiÔng Bùi Minh Tuấn tố Đài truyền hình Việt Nam VTV vi phạm bản quyền hình ảnh tác phẩm của mình, cho biết ông đã nhận được công văn trả lời khiếu nại của VTV.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang