Vụ 2 'hiệp sĩ’ tử vong khi bắt cướp: Căn cứ nào để phong danh hiệu Liệt sĩ cho 2 hiệp sĩ?

author 09:12 15/05/2018

(VietQ.vn) - Luật sư Lê Văn Kiên cho biết, theo quy định tại Điều 11, Pháp lệnh Người có công thì hai “hiệp sĩ” tử vong khi bắt cướp có thể được phong danh hiệu Liệt sĩ khi cục Người có công đề xuất.

Liên quan đến vụ nhóm “hiệp sĩ” bị tấn công khi đang vây bắt tên trộm xe SH trên đường Cách Mạng Tháng 8 khiến anh Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định, tạm trú quận Tân Bình, TP.HCM) và anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) tử vong. Những hiệp sĩ bị thương là anh Trần Văn Hoàng (47 tuổi, tạm trú quận Tân Bình), anh Nguyễn Đức Huy (22 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và anh Đinh Phú Quý (22 tuổi, ngụ huyện Củ Chi).

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam Online (Viet Q.vn), Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý (Hà Nội) cho biết: Theo các quy định hiện hành hiện nay thì các “hiệp sĩ” không phải là người thi hành công vụ nên rất khó để được hưởng các chế độ chính sách của người thi hành công vụ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 11, Pháp lệnh người có công thì hai “hiệp sĩ” tử vong khi bắt cướp có thể được phong danh liệu Liệt sĩ khi cục Người có công đề xuất.

Vụ 2 hiệp sĩ’ tử vong khi bắt cướp: Được phong danh hiệu Liệt sĩ khi cục Người có công đề xuất

 Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý  (Hà Nội).

Như Chất lượng Việt Nam Online (Viet Q.vn) đã đưa trước đó, khoảng 21 giờ ngày 13/5, nhóm "hiệp sĩ đường phố" quận Tân Bình, TP.HCM gồm 5 người đang di chuyển trên đường Cách mạng tháng Tám thì phát hiện 2 thanh niên đi xe máy chuẩn bị trộm xe SH ở một cửa hàng trên đường Cách mạng tháng Tám (quận 3, TP.HCM).

Nhóm "hiệp sĩ" hô hoán thì bị 2 thanh niên trên và đồng bọn đi phía sau dùng hung khí tấn công.

Vụ việc khiến 2 "hiệp sĩ" tử vong, 3 "hiệp sĩ" còn lại bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Điều 11.
1. Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;
b) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
c) Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
d) Làm nghĩa vụ quốc tế;
đ) Đấu tranh chống tội phạm;
e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;
g) Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
h) Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát.
2. Liệt sĩ được tổ chức báo tử, truy điệu, an táng. Nhà nước và nhân dân xây dựng, quản lý, chăm sóc, giữ gìn các công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm phần mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ.

 Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang