Vụ 3 cô giáo mầm non đánh, trói bé trai ở Quảng Bình: Tổn thương tâm lý đến đâu?

author 08:30 07/10/2015

Trẻ bị bạo hành sẽ bị hoảng loạn, điều này để lại nhiều di chứng. Những đứa trẻ có thể bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến chậm nói, thiếu tự tin... Và những ám ảnh kéo dài ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ.

Vụ 3 cô giáo mầm non đánh, trói bé trai ở phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý các cháu, PV đã có trao đổi với TS- Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thời gian gần đây các vụ bạo hành, đối xử tệ bạc với trẻ em ngày càng gia tăng thưa bà. Chỉ trong khoảng 3 ngày, báo chí đã đã ghi nhận những vụ bạo hành, ngược đãi với trẻ em ở nhiều địa phương khác nhau như Lạng Sơn, Quảng Bình. Trước thực trạng này, bà có suy nghĩ gì?

TS- Vũ Thu Hương: Điều mà tôi cảm thấy thật sự lo lắng là những hiện tượng này có vẻ như không giảm đi mà có chiều hướng gia tăng. Năm ngoái, các giáo viên mầm non dốc đầu các cháu bé vào lu nước. Gần đây là vụ những kẻ trộm gà bị đánh đập và bắt ngậm chân gà chết. Đó là chưa kể rất nhiều vụ án mạng khủng khiếp liên tục diễn ra. Chưa bao giờ người Việt chúng ta lại cư xử với nhau như vậy. Đặc biệt lại đối xử với các cháu bé còn chưa tự lo được cho chính mình.

Bé trai bị 3 cô giáo trói, đánh.

Có một thực tế là hiện nay nhiều trường hợp bạo hành diễn ra ngay trong các trường mầm non, các cơ sở giáo dục. Phải chăng môi trường này đã không còn an toàn đối với trẻ?

TS- Vũ Thu Hương: Chúng ta cần, rất cần phải xem xét lại vấn đề cấp phép và quản lý tại các cơ sở mầm non trên cả nước. Theo tôi được biết, các cơ sở này được ủy ban nhân dân phường/xã cấp phép và quản lý. Về trình độ chuyên môn do phòng giáo dục quản lý nhưng các cơ sở tư nhân thì việc quản lý lỏng lẻo hơn nhiều.

Ngoài ra, có không ít các cơ sở trông giữ trẻ chui, không có giấy phép vẫn hoạt động khá công khai và có cả các cá nhân tự đứng ra trông trẻ thuê mà không có một cơ quan nào cấp phép. Vấn đề đặt ra là với các cơ sở này, bằng cấp và trình độ giáo viên là thứ mà chúng ta không thể nắm bắt được. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chăm sóc và trông giữ trẻ tại đây.

Phải chăng, công việc trông trẻ có quá nhiều áp lực dẫn tới việc những người trông trẻ thường xuyên bị xtress nên dẫn tới những hành động bộc phát, không kiểm soát được hành vi?

TS- Vũ Thu Hương: Tôi nghĩ nếu đã quyết tâm lựa chọn nghề giáo là chúng ta cần học tính kiên nhẫn và chấp nhận khó khăn. Việc giữ bình tĩnh khi xử lý các tình huống trong công việc không chỉ là yêu cầu bắt buộc của nhà giáo mà còn của mọi ngành nghề. Hành động bạo hành này không chỉ là vi phạm các nguyên tắc của ngành mà còn vi phạm pháp luật. Những hành vi hành hạ người khác cần phải được pháp luật nghiêm trị nên không thể đổ lỗi cho bất kể lý do gì.

Một số người đưa ra nguyên nhân là trẻ thường khóc lóc, la hét, không nghe lời, không chịu ăn, chịu chơi, chịu ngủ. Liệu lý do này có thông cảm được không, thưa bà?

TS- Vũ Thu Hương: Trẻ em là các đối tượng sống và sinh hoạt rất bản năng. Trông giữ và giáo dục các em đòi hỏi một lượng kiến thức lớn về tâm sinh lý trẻ. Ngoài ra, kĩ năng xử lý từng tình huống cũng là điều mà giáo viên cần phải biết và thực hiện thành thục. Vì thế, chẳng có lý do gì bao biện cho những hành động này được.

TS. Vũ Thu Hương

Sau khi bị bạo hành, tâm lý trẻ bị những tổn thương như thế nào?

TS- Vũ Thu Hương: Trẻ bị bạo hành sẽ bị hoảng loạn, điều này để lại nhiều di chứng. Những đứa trẻ có thể sẽ bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến chậm nói, thiếu tự tin. Và những ám ảnh kéo dài thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến thần kinh đứa trẻ.

Những tổn thương tâm lý đó liệu có sớm được khắc phục? Cần phải bao nhiều thời gian để trẻ quên đi những ký ức đau thương, sợ hãi đó?

TS- Vũ Thu Hương: Tôi đã từng nghe một bạn trẻ tâm sự rằng lúc nhỏ thường bị cha mẹ đánh, tát. Sau khi lớn lên, dù đã 22, 23 tuổi, mỗi lần nói chuyện với người mới gặp lần đầu, bạn ấy lại cảm thấy hoảng sợ, lo lắng nếu mình nói ra điều gì thất thố thì có thể bị đối phương cho ăn bạt tai. Tôi đưa ra ví dụ này để bạn hiểu là những ám ảnh mà những đứa trẻ bị bạo hành lúc nhỏ sẽ khủng khiếp đến thế nào.

Những dấu hiệu nào giúp các phụ huynh nhận ra sớm là con em mình đang bị bạo hành hoặc có thể sắp bị bạo hành?

TS- Vũ Thu Hương: Bọn trẻ rất tinh ý, người nào yêu thương trẻ thật lòng thì sẽ được chúng đáp lại rất nhiệt tình. Còn người nào có nguy cơ gây hại cho trẻ thì các bé thường rất ghét, rất sợ và thường khóc lớn khi thấy họ. Đây là 1 điểm vô cùng đơn giản để giúp cha mẹ nhận diện ra người có thể đem lại điều không may cho con mình. Ngoài ra, nếu đứa trẻ đang đi học ngoan đột ngột đòi nghỉ, ghét học, khóc đến lả đi khi đến trường thì cha mẹ cũng cần coi đó là dấu hiệu của việc con mình có nguy cơ bị bạo hành.

Trách nhiệm của nhà trường như thế nào khi chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên nhận trẻ. Trong khi đó, trường này lại sử dụng toàn giáo viên chưa có kinh nghiệm, không có bằng cấp để giáo dục trẻ?

TS- Vũ Thu Hương: Trường đã đứng ra nhận học sinh thì đương nhiên nhà trường phải đảm bảo an toàn tính mạng, thân thể cho trẻ. Vì thế, việc trường sử dụng giáo viên không có đủ điều kiện cũng là một trong những lý do để trường phải đứng trước sự lên án của xã hội và chế tài xử phạt của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên theo tôi, ban giám hiệu nhà trường để xảy ra sự vụ này cần phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đây như thế nào, thưa bà?

TS- Vũ Thu Hương: Các cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường đương nhiên cũng không thể coi là không liên quan. Mọi vấn đề liên đới trách nhiệm đương nhiên cần được giải quyết triệt để.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang