Chủ đầu tư vụ 8B Lê Trực: ‘Nếu đòi lại tiền thì chúng tôi cũng không trả được’

author 11:07 30/08/2017

(VietQ.vn) - Trong khi nhiều khách hàng đội mưa, treo băng rôn đòi chủ đầu tư trả lại tiền vì đã trả 80-90% giá trị căn hộ thì chủ đầu tư của dự án 8B Lê Trực tuyên bố: Không còn đủ tiền để trả cho khách.

Bán cả gia sản, thậm chí vay ngân hàng với lãi suất cao để tìm được chốn an cư, nhưng không ít khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực (Ba Đình – Hà Nội) lại lâm cảnh “sống dở, chết dở”, bởi áp lực phá dỡ cũng như sự liên đới đến kết cấu và tuổi thọ công trình.

Cách đây nửa tháng, hàng chục khách hàng đã tập trung tại công trình 8B Lê Trực từ sáng sớm tinh mơ, căng băng rôn, khẩu hiệu để "đòi nhà".

Nhiều người dân mua căn hộ tại tòa nhà 8B Lê Trực cũng gửi đơn kiến nghị khẩn cấp đến các cơ quan chức năng, bởi họ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sớm có biện pháp thấu tình đạt lý trong xử lý công trình để tạo điều kiện cho người mua sớm ổn định cuộc sống (cho người dân dọn vào ở).

Chuyên gia ‘mách’ bạn cách để kiếm mức lương ‘khủng’ 100 triệu đồng/tháng(VietQ.vn) - Để có mức lương khủng 5000 USD (tương đương trên 100 triệu đồng/tháng), việc xây dựng hình ảnh cá nhân là điều tối quan trọng vì nhà tuyển dụng có thể xem xét đến cách hành xử của ứng viên trên mạng xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, trưởng ban đại diện lâm thời của cư dân tòa nhà, ban đại diện đã có đơn gửi Thành ủy Hà Nội và UBND Quận Ba Đình với nội dung đề xuất thúc đẩy nhanh quá trình phá dỡ phần vi phạm và tạo điều kiện cho người dân nhận nhà ở “an toàn và sớm nhất”.

“Giữa năm 2015, chúng tôi đóng cho chủ đầu tư 80-90% giá trị căn hộ với cam kết nhận nhà vào cuối năm, thế nhưng tới tháng 3-2016 thì tòa nhà bị phá dỡ phần vi phạm vì xây dựng sai phép.

Việc phá dỡ giai đoạn 1 đã hoàn thành từ tháng 10-2016 đến nay đã gần một năm trôi qua nhưng chúng tôi vẫn chưa được vào ở trong chính ngôi nhà của mình”, bà Xuân bức xúc nói.

Khẩn thiết chia sẻ với chúng tôi, chị Xuân cho biết: Để có tiền mua nhà, vợ chồng chị phải bán hết đất đai, nhà cửa vốn có, thậm chí còn vay thêm cả người thân, vay ngân hàng chịu lãi suất để mong muốn có chỗ ở ổn định.

Chị cũng than thở, do dồn hết tiền mua nhà nên hiện gia đình chị gồm mẹ già 97 tuổi, hai vợ chồng và cậu con trai đang theo học đại học phải đi thuê trọ hơn 1 năm nay. Mỗi tháng, ngoài tiền nhà, tiền trả lãi suất ngân hàng thì nỗi lo chất lượng nhà bị ảnh hưởng đã khiến cho gia đình chị như ngồi trên đống lửa.

Không riêng gì gia đình chị Xuân, nhiều khách hàng khác cũng lo lắng, bởi: Bao nhiêu tiền dồn hết vào mua nhà rồi. “Nếu bây giờ tháo dỡ phía trên thì ai, cơ quan nào dám đảm bảo nó sẽ giữ nguyên được chất lượng như ban đầu? Giả sử chủ đầu tư phá sản, không tồn tại thì ai sẽ khắc phục hậu quả? Quyền lợi khách hàng của sẽ ra sao?” – đây là những câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí của các khách mua nhà tại dự án 8B Lê Trực hiện nay.

Tại buổi tiếp xúc, trả lời giới báo chí diễn ra chiều 29/8, ông Lê Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Lê Trực, trả lời câu hỏi của báo chí về việc chậm trễ của dự án 8B Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội làm ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng đã đóng tiền mua nhà nhưng không được về ở: "Đối với khách hàng đã mua nhà của dự án, giờ nếu đòi lại tiền thì chúng tôi cũng không trả được. Tiền đã đổ hết vào bê tông cốt thép và hình thành nhà ở".

 Nhiều khách hàng mua nhà ở 8B Lê Trực như "ngồi trên đống lửa". Ảnh: GĐ&PL

Cũng theo ông Hùng: Phía chủ đầu tư cũng bị thiệt hại to lớn về tinh thần, vật chất, tài chính, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của hàng trăm cán bộ công nhân viên, người lao động. Bất đắc dĩ là phải khởi kiện UBND thành phố. Nhưng tròn 1 năm rồi, toà thụ lý rồi vẫn chưa có ý kiến gì với doanh nghiệp

Trên tờ Đời sống & Pháp lý, phía chủ đầu tư khẳng định: Công trình 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Việc cưỡng chế phá dỡ đã không căn cứ vào Quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào riêng Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 là không đúng quy định pháp luật. Trong khi giấy phép này cấp không đúng Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt và Tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam về nhà ở cao tầng. Công trình không thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cho rằngthành phố đã phá vỡ cam kết với doanh nghiệp trong việc chủ đầu tư đã bàn giao 1.941 m2 đất mở đường Trần Phú và được phê duyệt quy hoạch chi tiết với chiều cao công trình là 70m và 20 tầng.

Việc phá dỡ giật cấp ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu chịu lực và tuổi thọ công trình.

Nói rõ hơn về việc bàn giao đất để được phê duyệt quy hoạch có quy mô chiều cao công trình 69,1 mét và 20 tầng, Công ty cổ phần May Lê Trực đã cam kết thực hiện xong việc bàn giao cho thành phố 1.941 m2 đất để mở đường Trần Phú kéo dài với điều kiện không yêu cầu thành phố phải đền bù diện tích đất tương đương khác.

Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã bị hồi tố, ép buộc cấp giấy phép với chiều cao công trình chỉ còn 53 mét và 18 tầng, không đúng với tiêu chuẩn thiết kế ban đầu.

Trước đó, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã lên tiếng nhận trách nhiệm cá nhân trong việc chậm xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực.

Theo Chủ tịch Hà Nội, việc chậm trễ xử lý là do liên quan đến độ an toàn của công trình này. Ông Chung thông tin hiện thành phố đang trình Bộ Xây dựng thẩm định phương án kỹ thuật để phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dân vào ở sau này.

Phương Ngọc (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang