Vụ án bầu Kiên: Luật pháp không chấp nhận những tư duy cảm tính

author 06:11 07/06/2014

Phiên tòa xử 'bầu' Kiên vừa qua đã để lại nhiều dư âm và ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng một góc nhìn về vụ việc của bạn đọc Nguyễn Trường Giang (ở Cầu Giấy, Hà Nội).

Sự kiện:

Phủ nhận cả 4 tội danh VKS cáo buộc, “bầu” Kiên luôn nói rằng mình vô tội. Trong lời nói sau cùng dài hàng chục phút, “bầu” Kiên mơ ước đội bóng Việt Nam sẽ vào World Cup, đồng thời xin lỗi người hâm mộ...  

Chỉ thế thôi, cộng với hình ảnh cô vợ trẻ trung xinh đẹp có mặt tại tòa, cách ăn nói vẫn giữ đúng phong cách khi chỉ đạo các cầu thủ của mình trên sân, khiến dư luận không ngớt phần xôn xao trước những gì ông “bầu” này thống thiết. 

Đáng ngạc nhiên là với những chứng cứ buộc tội rành rành, nhưng dường như một số nhà báo đã cố tình gây hoang mang dư luận bằng những bài viết tỏ ý bênh vực “bầu” Kiên, hoặc đặt dấu nghi ngờ về việc định tội của VKS.

Phải khẳng định là có tội

Tự bào chữa cho mình, “bầu” Kiên tâm sự trước tòa rằng ông ta không trốn tránh trách nhiệm, không tìm cách chuồn ra nước ngoài, bởi ông ta cho rằng mình vô tội. Đồng thời, Nguyễn Đức Kiên tin rằng khi ra tòa, ông ta có đủ lý và tình để giúp dư luận “hiểu được rõ bản chất vấn đề”. 

Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã bác bỏ toàn bộ quan điểm bào chữa của các luật sư và giữ nguyên quan điểm truy tố Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

 

 

Bầu Kiên tại tòa

Trong 4 tội danh bị truy tố, Nguyễn Đức Kiên không thừa nhận tội nào. Nhưng với tội trốn thuế, Viện Kiểm sát đã chứng minh được: Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB. Tổng khối lượng giao dịch trạng thái vàng mua và bán, sau khi trừ chi phí vốn, phí ủy thác, thu lãi được hơn 100 tỉ đồng. 

Bà Đặng Thị Ngọc Lan (vợ bị cáo Kiên) là người đại diện hợp pháp của B&B đã ký hợp đồng ủy thác với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên). Ngày 25/12/2008, bà Đặng Thị Ngọc Lan và Nguyễn Thúy Hương ký hợp đồng ủy thác cho bị cáo Kiên để thực hiện tất cả các giao dịch vàng với ACB. Qua các giao dịch, B&B thu được lãi hơn 100 tỉ đồng và chuyển cho bà Nguyễn Thúy Hương theo hợp đồng là 99%.

Trong năm 2009 và 2010, Công ty B&B đã kê khai thuế nhưng không kê khai số tiền kinh doanh vàng phát sinh từ các hợp đồng trên. Giám định viên Bộ tài chính đã kết luận, thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty B&B là 25 tỷ đồng. 

Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân khẳng định, có đủ cơ sở kết luận Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo vợ mình ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Nguyễn Thúy Hương để chuyển lợi nhuận của Công ty B&B cho em gái. Vị vậy, tội trốn thuế của “bầu” Kiên là rõ như ban ngày.

Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “bầu” Kiên khẳng định mình không lừa đảo, các luật sư bào chữa cũng lập luận Kiên không lừa đảo, bởi không có bị hại (đại diện Hòa Phát cho rằng, đã thu hồi được số tiền 264 tỷ đồng và lá đơn gửi cơ quan điều tra là đơn đề nghị chứ không phải đơn tố cáo).

“Bầu” Kiên cho rằng, tiền mua cổ phần chuyển vào tài khoản của Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (gọi tắt là ACBI) do “bầu” Kiên thành lập chứ không chuyển cho Kiên, nhưng VKS cho rằng Công ty do Kiên là chủ tịch HĐQT và Kiên phải chịu trách nhiệm về số tiền này, bởi lợi nhuận của ACBI là lợi nhuận của Kiên.

Về tội kinh doanh trái phép, theo đại diện VKS, 5 công ty của “bầu” Kiên đã mua bán cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào các doanh nghiệp khác nhưng các ngành này không ghi trên giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh là trái pháp luật, vì vậy việc truy tố “bầu” Kiên về tội này không có gì sai. Công ty Thiên Nam của “bầu” Kiên không được cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, vì vậy, Nguyễn Đức Kiên thông qua công ty Thiên Nam để kinh doanh vàng là trái pháp luật. 

Về tội cố ý làm trái, VKS cho rằng, việc HĐQT bàn việc mua cổ phiếu sau đó giao cho Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo thực hiện. Trong cuộc họp này cũng đã bàn đến cả yếu tố rủi ro, hạn mức giao cho ACBS. Lời khai của các bị cáo cũng thừa nhận việc đặt lệnh mua là do bị cáo Kiên chỉ đạo. 

Về việc ủy thác gửi tiền, các bị cáo đã đồng ý chủ trương ủy thác cho cá nhân đem tiền đi gửi là trái pháp luật, không đúng với Luật các tổ chức tín dụng, trái với giấy phép hoạt động của ACB (chỉ được tiếp nhận ủy thác chứ không được ủy thác). Quá trình cho vay cũng có nhiều sai phạm. Hậu quả của việc làm trái pháp luật này đã bị Huyền Như chiếm đoạt.

Với những lập luận trên, đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

Cần chấm dứt những nghi ngờ vô căn cứ!

Nếu không có người vợ xinh đẹp, vốn là một khoa khôi trường đại học thập niên 90 của thế kỷ trước, thì có lẽ “bầu” Kiên cũng không được chú ý nhiều như vậy. Nếu không có cách hùng biện với đôi mắt gườm gườm như sắp sửa đánh nhau và lối nói vung chân múa tay trước công đường, thì có lẽ “bầu” Kiên cũng không gây ấn tượng với một bộ phận dư luận không thực sự hiểu rõ bản chất vấn đề mà chỉ phán xét bề ngoài theo cảm tính. Và, nếu không biết nói những lời có cánh, thì có lẽ, “bầu” Kiên cũng chỉ là một nhà tài phiệt kinh tế không hơn không kém.

Chỉ ngay sau hôm phiên tòa nghị án, trên mạng Facebook đã có lời kêu gọi “1 triệu chữ ký để bầu Kiên thoát tội”, cho thấy, một bộ phận dư luận đã bị cảm tính chi phối, bị vẻ bề ngoài tưởng là trung thực, tưởng là đúng đắn, bị những lời nói thống thiết về trách nhiệm với nền bóng đá nước nhà, với ước mơ đội tuyển Việt Nam sẽ được vào World Cup của “bầu” Kiên che mắt... 

Nhất là cách luôn tự biết PR cho mình khi hùng biện về việc Viện Kiểm sát đã truy tố ông ta với tội danh lừa đảo: “Đây là tội danh tôi bức xúc nhất. Tôi là một doanh nhân có tên tuổi mà lại đi lừa đảo bạn thân của mình. Những người không biết bản chất sự việc sẽ nghĩ ra sao. Đây là một nghĩa cử tôi giúp bạn bè, giúp anh Long (Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát), ngoài ra không có bất kỳ mục đích nào khác...”.

Và, rất biết cách làm mềm lòng những người vốn yếu đuối, “bầu” Kiên “gây cảm tình”  với người dự phiên tòa cũng như dư luận theo dõi bằng “ý thức tuân thủ pháp luật” của mình:  “Tôi không bỏ chạy, tôi không trốn tránh trách nhiệm. Vì tôi tin đất nước này có kỷ cương, phép nước. Tôi chờ cái gì sẽ đến với mình. Tôi chịu trách nhiệm với những gì mình làm”. 

Còn nhớ, khi xảy ra vụ án Lê Văn Luyện (giết 3 người, cướp tài sản ở tiệm vàng phố Sàn, Bắc Giang), trên mạng Internet đã xuất hiện những hội, những nhóm coi tên sát thủ này là “thần tượng”. Dù chỉ là đùa vui thì cũng thực sự đáng báo động về quan điểm sống, lối suy nghĩ rất lạc dòng này của một bộ phận dư luận.

Nhưng phải khẳng định rằng, tiếp tay cho lối suy nghĩ lạc dòng này, là một số bài báo với mục đích “câu view” là chính, với cách đặt title, cách đặt vấn đề nửa vời khiến dư luận nghi ngờ về những tội trạng của “bầu” Kiên. Từ lâu nay, báo chí luôn là công cụ định hướng dư luận, và điều đó sẽ trở nên nguy hiểm khi một bài báo không tuân chỉ mục đích thượng tôn sự thật và đặt mục tiêu giáo dục, cải tạo xã hội... làm kim chỉ nam cho mình.

Cộng với giọng nói nghẹn ngào, và đôi mắt vốn chỉ thích gườm gườm, chợt dịu lại khi nhắc đến gia đình, vợ con và gửi lời xin lỗi tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng như cổ động viên yêu bóng đá, đồng thời yêu cầu vợ tiếp tục duy trì đội bóng (để một ngày nào đó, Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội được thi đấu trở lại), “bầu” Kiên có vẻ như đang lấy lòng được dư luận khi tâm huyết: “Làm sao trước khi nhắm mắt xuôi tay, một lần được nhìn đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu tại World Cup. Đây là hoài bão lớn nhất trong sự nghiệp của tôi”.

Không ai phủ nhận những thành công của “bầu” Kiên, từ thời ông ta còn rất trẻ, như những câu chuyện ông ta chia sẻ trước tòa: Đầu những năm 90, đã từng giúp Nhà nước xóa nợ với Liên Xô cũ, nối lại được quan hệ thương mại Việt - Nga, quan hệ mua được vũ khí củng cố quốc phòng... Rồi, đã rất nỗ lực đưa 4 tổ máy về thủy điện Hòa Bình đúng tiến độ phát điện, xây dựng đất nước... cũng như mơ ước đưa đội tuyển Việt Nam vào World Cup...

Thế nhưng, giá như “bầu” Kiên cứ tuân thủ pháp luật như những gì ông ta khẳng định, giá như bầu Kiên cứ đóng góp cho nền kinh tế nước nhà như hơn 20 năm qua ông ta đã đóng góp (như những chia sẻ của bị cáo này trước tòa), thì có lẽ kết cục của một “đại gia tiền tệ” như “bầu” Kiên không thể bi đát như ngày hôm nay. 

Đồng thời, cần phải khẳng định lại lần nữa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên không hề vô tội như cách lập luận của ông ta trước tòa. Những gì Viện Kiểm sát đã cáo buộc với ông ta là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

Bạn đọc Nguyễn Trường Giang

Theo VTC News

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang