Vụ án bầu Kiên: Luật sư bào chữa nói gì tại tòa?

author 05:56 28/05/2014

(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ án bầu Kiên, trong ngày hôm qua, 27/5, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh đã bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Cty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI). Luật sư cho rằng VKS đề nghị mức án 9 – 10 năm tù đối với bị cáo là quá nặng, hành vi thì có nhưng tội danh cần phải xác định.

Sự kiện:

Tin mới nhất trên Infonet tường thuật nói rằng, trong vụ án bầu Kiên, luật sư Thanh không không tình với tội danh mà VKS cáo buộc, hành vi của Trần Ngọc Thanh chưa cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Cty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát. Với vị trí giám đốc Cty ACBI ông Thanh cần phải ký hợp đồng chuyển nhượng, ông Thanh không lừa dối, không chiếm đoạt, không được bàn bạc. Khi thực hiện chỉ là tuân lệnh lãnh đạo, đó là nhiệm vụ của người lao động, hàng tháng ông Thanh chỉ được nhận lương 5 triệu đồng/tháng. Việc ký hợp đồng là thực hiện nhiệm vụ được giao, tòan bộ sự việc đều do ông Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo, bà Yến kế toán trưởng là người lập biên bản khống theo chỉ đạo ông Kiên.

Theo luật sư Thanh, bị cáo là giám đốc nên chỉ ký vào biên bản, hợp đồng theo quy định pháp luật, còn không biết về giá bán, chuyển nhượng như thế nào, trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu, trị giá 264 tỷ đồng, giữa ông Thanh và ông Kiều Chí Công, Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát, không biết nhau. Ông Thanh ký vào hợp đồng sau khi đã có chữ ký nháy của ông Kiên. Tội lừa đảo là phải thỏa mãn hai yếu tố lừa dối và chiếm đoạt, cả hai yếu tố này ông Thanh đều không vi phạm.

Luật sư Trần Bình Tuấn bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh cho rằng kết luận của cơ quan điều tra và cáo buộc của VKS - Trần Ngọc Thanh phạm tội lừa đảo - là không thỏa đáng. Ông Thanh là giám đốc kiêm nhiệm (ông Thanh còn giữ chức vụ Giám đốc Cty quản lý thu hồi nợ ngân hàng ACB) hưởng lương 5 triệu đồng/tháng, việc ông Kiên chỉ đạo bà Yến lập khống biên bản, rồi để ông Kiên ký nháy trước khi ông Thanh ký đó là ông Thanh tuân theo chỉ đạo của cấp trên. Trần Ngọc Thanh chỉ có 10% vốn trong ACBI, ông chủ chiếm 70% vốn tại ACBI và trong điều lệ của Cty thì ông Thanh phải tuân theo vì ông Kiên chỉ đạo.

Luật sư Thanh bào chữa cho bị cáo trong vụ án bầu Kiên

Thêm vào đó gia đình ông Thanh có bố là liệt sỹ, bản thân bị cáo đang bị bệnh khớp, tại cơ quan điều tra bị cáo khai báo thành khẩn nên đề nghị HĐXX xem xét giảm tội cho bị cáo.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh mong muốn HĐXX xem xét xử đúng người đúng tội, đúng với hành vi gây ra tránh oan sai. 

Luật sư Phạm Thanh Phong bào chữa cho Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên kế toán trưởng của Cty ACBI cho rằng, bị cáo Yến là người làm công ăn lương, việc lập biên bản cuộc họp của HĐQT là theo sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, không có sự bàn bạc nên không thể coi là đồng phạm. Theo quy định đồng phạm là phải có từ 2 người trở nên, đều có hành vi tham gia hỗ trợ nhau và không được coi là đồng phạm khi không có sự bàn bạc, về ý chí Yến không có sự gian dối và chiếm đoạt mà chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên vì là người làm công ăn lương. Bà Yến không thể phản đối quyết định của HĐQT Cty ACBI.

Tại tòa bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến cũng trình bày, bị cáo là người làm công hưởng lương nên tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên.

Cũng tại phiên tòa hôm qua xét xử vụ án bầu Kiên và các đại gia liên quan, tin mới trên tờ Tuoitre dẫn thông tin, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về tội lừa đảo, luật sư Ngô Huy Ngọc (đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng đây chỉ là vụ giao dịch dân sự. “Tôi không thể hiểu quan hệ phá luật nào đã chen ngang vào việc các doanh nghiệp đang thực hiện giao dịch dân sự bình thường” - Luật sư Ngọc nói.

Theo luật sư Ngọc, VKS cáo buộc các bị cáo đã lập khống biên bản của HĐQT về việc chuyển nhượng cổ phần. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp cho phép các thành viên HĐQT được họp bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó được thể hiện ý chí bằng văn bản. 

Luật sư Ngọc cho rằng việc chuyển nhượng cổ phần giữa ACBI và Thép Hòa Phát thực chất là hành vi hoán đổi không trái pháp luật.

“Họ đã có với nhau các giao dịch từ trước đó rất lâu rồi, các giao dịch này dựa trên cơ sở tình cảm. Việc quy kết ông Kiên chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Thép Hòa Phát là một quy kết đau đớn", luật sư phát biểu.

Luật sư Ngọc cho rằng việc giao dịch, chuyển 264 tỉ đồng là của 2 pháp nhân đối với nhau chứ không phải cá nhân. Hoàn toàn trong quá trình đó ông Kiên không hề can thiệp, đây là giao dịch dân sự, được điều chỉnh bởi Luật Thương mại, Luật dân sự. Hai bên không có bất cứ phản ánh, tố cáo nào.

Vậy VKS quy kết Nguyễn Đức Kiên phạm tội dựa trên cơ sở nào? - Luật sư Ngọc đặt vấn đề.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng bào chữa cho bị cáo Kiên bổ sung được tin mới trên mục pháp luật của Báo Infonet dẫn thông tin nói rằng, việc chuyển nhượng cổ phần giữa hai cty là giao dịch giữa hai pháp nhân với nhau, không phải là giao dịch giữa cty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát với cá nhân ông Kiên. "Thân chủ của tôi không có việc gian dối trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, việc thực hiện hoàn toàn công khai, phía công ty Thép Hòa Phát hiểu rõ việc cổ phiếu được thế chấp tại ngân hàng ACB. Quá trình thẩm vấn thể hiện sai sót trong quản lý, phong tỏa cổ phiếu từ phía Cty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, ngay cả phía cty ACBI cũng có sơ suất nhưng khi phát hiện cty ACBI đã điều chỉnh".

Đối với tội kinh doanh trái phép, luật sư Bùi Quang Nghiêm bào chữa cho bị cáo Kiên cho rằng, hành vi kinh doanh trái phép của "bầu" Kiên bị khởi tố trước sau đó mới tiếp tục truy tố 3 tội danh còn lại. Việc góp vốn, mua cổ phần không tìm thấy mã ngành, việc góp vốn đầu tư, mua cổ phần cổ phiếu là quyền của tổ chức, cá nhân. Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đã trả lời việc góp vốn đầu tư, mua cổ phần không phải đăng ký kinh doanh.

Đối với tội trốn thuế luật sư Nghiêm cho rằng, bà Nguyễn Thúy Hương ủy thác cho Cty B&B kinh doanh, sau đó Cty B&B ủy thác cho ngân hàng ACB thực hiện các đầu tư giá vàng ngoài Việt Nam. VKS cho rằng hợp đồng ủy thác trên là không hợp pháp, VKS cũng trưng cầu giám định nghĩa vụ thuế phát sinh từ việc đầu tư kinh doanh vàng, theo đó thuế là 25 tỷ đồng luật sư cho rằng ông Kiên không phạm tội trốn thuế.

Lý do luật sư Nghiêm đưa ra là pháp luật không cấm các cá nhân ký kết việc kinh doanh vàng trước khi Chính phủ có quy định chấm dứt hoạt động này. Thực tế có nhiều người, tổ chức ký kết mua bán vàng. Việc ủy thác và ký hợp đồng ủy thác không phải là ngành nghề cần đăng ký kinh doanh. Việc ký hợp đồng ủy thác nói trên là phù hợp tại thời điểm ký, luật sư đề nghị HĐXX lắng nghe trình bày để chấp nhận đề nghị tuyên bị cáo Kiên vô tội.

Đan Nguyên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang