Vụ án bầu Kiên: Thành viên HĐQT tham gia họp chỉ là... khách mời?

author 09:45 29/05/2014

Chiều 28/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ”đại án” tham nhũng đối với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, các luật sư tiếp tục đưa ra các luận cứ bào chữa cho với thân chủ của mình.

Luật sư Lưu Văn Tám bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải (Ảnh:XH)

Tại tòa luật sư Kiều Vũ Thị Uyên bảo vệ cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên HĐQT ngân hàng ACB cho rằng, theo kết luận điều tra và luận tội của Viện kiểm sát thì ông Tuấn bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vì các hành vi tham gia họp HĐQT ngày 22/3/2010 và đồng tình với chủ trương ủy thác gửi tiền. Việc ủy thác chọn việc gửi tiền tại Vietinbank xảy ra trong thời điểm ông Tuấn là thành viên thường trực HĐQT, ông Tuấn đã không ngăn cản nên bị truy tố. Lĩnh vực ông Tuấn phụ trách không phải lĩnh vực ủy thác gửi tiền, đây chỉ là cuộc họp định kỳ.

Theo luật sư Uyên, trong cuộc họp và sau ngày 1/1/2011 thì Tuấn không có bất kỳ ý kiến đề xuất quyết định, không được báo cáo, không được ý kiến, không được phân công, không có điều kiện và nghĩa vụ quyền hạn để ngăn cản. Nếu có đồng tình thì là đồng tình ủy thác đúng luật, chứ không phải không đúng luật.

Luật sư lý giải, đồng phạm là cùng chung ý chí, chung hành động, mỗi người tham gia phạm tội bằng hành vi của mình góp phần vào việc phạm tội. Nguyễn Đức Kiên và các thành viên có phạm tội cố ý hay không thì ông Tuấn cũng không cùng chung ý chí, hành động, không có bất kỳ vai trò nào trong việc thực hành hành vi ủy thác, không chủ mưu, không chỉ huy, không dụ dỗ, xúi giục, do đó không thể là đồng phạm. Trách nhiệm của thành viên HĐQT được Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 quy định rõ: tham dự các cuộc họp HĐQT, thảo luận biểu quyết các vấn đề thuộc về HĐQT, chịu trách nhiệm trước hội đồng cổ đông, HĐQT về quyết định của mình. Không thể buộc ông Tuấn chịu trách nhiệm vì không có quy định pháp luật nào quy định thành viên HĐQT phải chịu trách nhiêm về vấn đề khi mình không tham gia biểu quyết.

Ông Tuấn luôn hợp tác cơ quan cảnh sát điều tra và VKS, có thể quan điểm của ông Tuấn khác với các cơ quan thẩm quyền về vấn đề ủy thác, chỉ là quan điểm cá nhân và tại phiên tòa ông Tuấn đã xin rút quan điểm của mình. Luật sư Uyên kiến nghị HĐXX xem xét và cân nhắc.

Luật sư Vũ Ngọc Chi bào chữa cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn cũng cho rằng, trong kết luận của VKS vẫn dựa vào công văn 350 của Ngân hàng nhà nước (NHNN), đại diện NHNN khuyến cáo và giải thích nhiều trong đó có việc để xác định tội cố ý làm trái này thì cần nhiều căn cứ hơn nữa. Công văn 350 này không phải là căn cứ buộc tội bị cáo.

“Việc VKS cho rằng ông Tuấn tham gia cuộc họp với tư cách phó giám đốc – đây là 1 chức danh nhưng trong hồ sơ văn bản ra nghị quyết của HĐQT thì ông Tuấn không được ký tên, không được mời, không được hỏi ý kiến. Vậy chức danh này trong cuộc họp có ý nghĩa gì? Theo tôi ông Tuấn đến họp với tư cách là khách mời, chứ không phải tham gia với tư cách phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB”, luật sư Chi nói.

Luật sư Chi trình bày: "Việc quy kết Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt số tiền 718 tỷ trong thời gian ông Tuấn là thành viên thường trực HĐQT nên cũng phải chịu trách nhiệm. Tại tòa tôi đã thẩm vấn Huyền Như, Như đã khai không thỏa thuận với ai khác ngoài chị Huỳnh Bảo Ngọc. Như vậy Tuấn vào HĐQT thì không liên quan gì đến việc Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng. Tại tòa Huyền Như khai, việc chiếm đoạt này xuất phát từ ý chí cá nhân của Như chứ không liên quan đến các thành viên thường trực HĐQT nào cả.

Không có mối quan hệ nhân quả giữa việc ông Tuấn là thành viên HĐQT với việc Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng mà chỉ đơn phương do Huyền Như. Việc Tuấn là thường trực HĐQT là do quy trình được thống đốc chấp nhận".

"Tôi không đồng ý việc Huyền Như chiếm đoạt trong thời gian ông Tuấn là thường trực HĐQT thì phải có trách nhiệm, điều này không có căn cứ. Việc VKS truy tố ông Tuấn là chưa thỏa đáng nên quan điểm của luật sư mong HĐXX xem xét, chấp nhận", luật sư Chi kiến nghị.

Chiều nay luật sư Lưu Văn Tám cũng đã bào chữa cho Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB. Ông Tám cho rằng, số tiền 718 tỷ đồng của Ngân hàng ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi vào ngân hàng Vietinbank bị Huỳnh Thị Huyền Như - cán bộ ngân hàng này chiếm đoạt không liên quan đến bị cáo.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho Lý Xuân Hải

Theo luật sư Tám, lời khai của ông Hải nêu rõ: Năm 2009 ông Trần Xuân Giá, nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB đã có quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến chủ trương trong HĐQT đều phải được thông qua bằng văn bản. Ông Hải và các thành viên HĐQT hoàn toàn không có bất kỳ nội dung nào đề cập tới việc sẽ đầu tư cho Cty ABCS để mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB.

"Việc mua cổ phiếu của Cty ACBS như thế nào, ký hợp tác với Cty ACI, Cty ACI HN ra sao, ông Hải không biết, không ra chủ trương và không thực hiện. Theo chúng tôi, ông Hải không có hành vi trong việc liên quan tới hành vi mua cổ phiếu ACB" - luật sư Tám nói.

Tại phần bào chữa của luật sư Lưu Văn Tám đối với bị cáo Lý Xuân Hải, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Đức Chính đã nhắc 2 lần, đề nghị luật sư Tám tập trung đưa ra những luận cứ để bào chữa cho bị cáo, không nói đến các vấn đề khác không liên quan đến bị cáo. Ông Chính lưu ý, những điểm các luật sư trước đã trình bày rồi, đề nghị luật sư bào chữa sau không nhắc lại.

Cùng bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng: "Khi HĐXX quyết định đình chỉ án với ông Trần Xuân Giá, nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB cũng gây khó khăn với chúng tôi".

Theo luật sư Hưng, VKS cáo buộc bị cáo Lý Xuân Hải chịu trách nhiệm là liên quan đến việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền dẫn đến số tiền 718 tỷ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt và đầu tư cổ phiếu. VKS quy kết, việc ủy thác gửi tiền là trái Điều 106 luật các tổ chức tín dụng, có nhiều chi tiết chưa được làm rõ, chưa hiểu cơ sở pháp lý chủ thể chịu trách nhiệm là ở đâu. Lúc đó luật các tổ chức tín dụng (CTCTD) chưa có, nghị quyết này ra đời lúc chưa có Điều 106.

"Tại Ngân hàng ACB, những cuộc họp, trình bày tóm tắt và tổng hợp tình hình hoạt động kinh doanh thì tổng giám đốc phải là người trình bày. Nghị quyết của ngân hàng ACB từ trước đến nay tất cả phải biểu quyết 100%, nếu sự biểu quyết thiếu 1 người thì không được. Những hoạt động đem tiền đi gửi được ACB phân công đích danh ông Hòa kế toán trưởng trực tiếp thực hiện, ông Hải là tổng giám đốc có nhiệm vụ kiểm soát. Trong giai đoạn tổ chức thực hiện, thân chủ của tôi không liên quan đến việc tổ chức thực hiện, mong HĐXX xem xét" - luật sư Hưng đề nghị.

17h35’ tòa tạm nghỉ, 8h sáng 29/5 HĐXX tiếp tục làm việc.

Theo Infonet


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang