Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn: Còn ai bị khởi tố nữa không?

author 09:31 04/10/2014

Tiếp nối chuyện khởi tố chủ tọa phiên tòa phúc thẩm gây ra vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, Phóng viên có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) xung quanh vụ án này.

Thưa luật sư, phải chăng sau sự việc khởi tố chủ tọa phiên tòa kết tội ông Chấn, án oan sẽ giảm xuống?

Luật sư Đặng Văn Cường: Đúng vậy, việc khởi tố với những người tiến hành tố tụng, đặc biệt là vị thẩm phán TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn là một thông tin rất đặc biệt đối với người dân nói chung và ngành tư pháp nói riêng. 

Nếu kết thúc những vụ án này, xác định những người tiến hành tố tụng trong vụ án của ông Chấn có tội và bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật thì đó sẽ là minh chứng cho việc công bằng trên nguyên tắc "mọi người đều bình đẳng trước pháp luật". Mọi việc còn đang ở phía trước nhưng tôi cho rằng việc khởi tố của cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao vừa rồi với vị cựu thẩm phán là có căn cứ.

Từ thời điểm có thông tin này (chứ không nói là sau vụ việc này) thì chắc chắn rằng các thẩm phán xét xử nói chung và xử án hình sự nói riêng phải hết sức thận trọng khí ký vào bản án, đặc biệt là án kêu oan. Việc xử lý nghiêm minh với những người "cầm cân, nảy mực" sẽ làm hoạt động xét xử được lành mạnh, đảm bảo kỷ cương và duy trì ổn định trật tự xã hội, lấy lại niềm tin, đảm bảo công bằng cho nhân dân.

Tôi tin rằng, trong thời gian tới những án oan kiểu như ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ giảm đáng kể. Vụ án của ông Chấn là có bị cáo khác, có hung thủ thực sự và hung thủ lại tự nguyện ra đầu thú thì mọi việc mới vỡ lở. Còn những vụ án mà hung thủ không ra đầu thú hoặc những vụ án không đủ căn cứ kết tội về mặt khoa học pháp lý, đương sự nghèo, thiếu hiểu biết pháp luật, không biết mình oan mà kêu hoặc không biết kêu ai.... thì ít có cơ hội được minh oan, giải oan...

 Vì vậy, việc xử lý những người tiến hành tố tụng trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay ở nước ta. Đó thể hiện quan điểm tiến bộ, thượng tôn pháp luật, biểu hiện của pháp chế XHCN.

Ông Chấn trước ngày được minh oan

Sau khởi tố hình sự với 3 cá nhân liên quan tới vụ án Nguyễn Thanh Chấn liệu còn cán bộ sẽ bị khởi tố? 

Luật sư Đặng Văn Cường: Về nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì "tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số". Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án giết người với bị cáo Nguyễn Thanh Chấn hơn 10 năm trước đây có 3 thẩm phán: ông Phạm Tuấn Chiêm, ông Quản Hùng và ông Hoàng Doãn Đức. Đến nay, thẩm phán chủ tọa phiên tòa - ông Phạm Tuấn Chiêm đã bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy còn hai thẩm phán còn lại thì sao, họ có phải chịu trách nhiệm gì không, có được xác định là "đồng phạm" trong vụ án thiếu trách nhiệm này không? 

Tại Biên bản nghị án (có trong hồ sơ vụ án) chắc chắn phải có thêm ít nhất một thẩm phán "giơ tay"... thì ông Chấn mới bị bác kháng cáo kêu oan. Vậy trách nhiệm của những vị này như thế nào trước pháp luật? Việc này sẽ được đặt ra và cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao tiếp tục làm rõ và xử lý theo pháp luật. 

Luật sư nghĩ sao khi thực tế tại một số phiên tòa, những sai phạm trong thủ tục tố tụng quá rõ ràng (như quy trình thu thập chứng cứ sai, có dấu hiệu ép cung nhục hình, không đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm...), "quan tòa" vẫn cố tình kết tội? 

Luật sư Đặng Văn Cường: Đó là một thực tế đáng buồn. Mới đây tôi tham gia bảo vệ một vụ án đánh trộm chết người tại Sóc Sơn, Hà Nội. Trong suốt quá trình điều tra, giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa thể hiện là 1 trong ba bị cáo (bị cáo mà tôi tham gia bào chữa) không cùng ý chí thực hiện hành vi giết người, không xúi gục, không giúp sức, không chỉ huy, không thực hiện hành vi giết người... Tòa án cũng đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung với nhận định: Hành vi của bị cáo là độc lập, không liên quan gì tới hành vi giết người của hai bị cáo trên. Vì vậy, cần điều tra bổ sung để xác định lại tội danh và trách nhiệm pháp lý của bị cáo thứ ba đó...

Sau thời gian điều tra bổ sung, truy tố bổ sung nhưng không có tình tiết mới. Tại phiên tòa cũng đã làm rõ hành vi của bị cáo thứ ba là độc lập không phải là nguyên nhân làm chết nạn nhân, không liên quan tới hành vi của hai bị cáo khác... Vị đại diện viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa không chứng minh được vai trò đồng phạm cũng như yếu tố cấu thành tội phạm của bị cáo đó nhưng cuối cùng thì tòa án sơ thẩm vẫn ra bản án kết tội bị cáo với mức hình phạt là 7 năm tù. Phán quyết của tòa án khiến cả phòng xét xử bức xúc, người nhà bị cáo gào khóc, kêu oan. Vụ việc này cũng đã được chuyển tới Tòa phúc thẩm TAND Tối cao để xem xét theo thủ tục phúc thẩm. 

Vậy vì sao lại xảy ra những thực trạng như vậy ? Có lẽ bởi Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Quốc Hội, nay là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Nếu tòa án ra bản án tuyên bố bị cáo không có tội thì phát sinh nghĩa vụ bồi thường của cơ quan nhà nước và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng. Vì vậy, mới phát sinh "chuyện đã rồi"?

Cũng có thể việc xét xử oan sai là do lỗi nghiệp vụ của thẩm phán hoặc do có tiêu cực trong việc xét xử. Cho dù là nguyên nhân nào thì cũng là không thể chấp nhận được. Việc xét xử oan sai không những ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của bản thân các bị cáo đó mà còn làm giảm lòng tin của người dân vào công lý dẫn đến việc khinh nhờn hoặc coi thường pháp luật, mất niềm tin vào cơ quan nhà nước, ảnh hưởng tới trật tự xã hội.

Về mặt cơ sở pháp ly: Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, theo đó:

“1. Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên toà;

b) Tham gia xét xử các vụ án hình sự;

c) Tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;

d) Tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

2. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại khoản 1 Điều này còn có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật này;

b) Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;

d) Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà;

đ) Tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Toà án theo sự phân công của Chánh án Toà án.

....

Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.”

Như vậy, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ vụ án và thực hiện các quyền của mình theo quy định trên. Nếu hồ sơ chưa đủ căn cứ kết tội thì phải trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc đình chỉ giải quyết. Nếu hồ sơ đủ căn cứ kết tội thì những căn cứ, chứng cứ đó phải được xem lại một lần nữa tại phiên tòa một cách khách quan, công khai, đánh giá đầy đủ, toàn diện... rồi mới đến biểu quyết, phán quyết bằng một bản án hoặc một quyết định. Nếu thẩm phán thiếu trách nhiệm, vi phạm tố tụng dẫn đến việc xét xử oan sai, sai phạm trong thủ tục tố tụng mà rõ ràng họ phải thấy được khi giải quyết vụ án thì thẩm phán bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với về tội thiếu trách nhiện gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS là có căn cứ.

Vậy về khoa học luật pháp, nếu một bản án hình thành trên những bằng chứng, lập luận vi phạm tố tụng có phải xem xét lại không?

 

 

Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định pháp luật thì Tòa án xét xử theo hai cấp như đã nói ở trên là xét xử theo cấp sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định của tòa án chỉ được xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm nếu bản án, quyết định đó có kháng cáo hoặc kháng nghị.

Ngoài hai cấp xét xử nêu trên thì còn có các thủ tục như giám đốc thẩm, tái thẩm (thủ tục đặc biệt trong vụ án dân sự)  đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, thủ tục này thường chỉ được xem xét khi có khiếu nại và phát hiện có những vi phạm nghiêm trọng.

Vì vậy, nếu bản án, quyết định của tòa án có sai phạm, oan sai thì cơ hội được xem xét lại phát sinh khi có kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại theo thủ tục luật định. Nếu các bị can, bị cáo không kháng cáo, không khiếu nại thì hầu hết vụ việc sẽ đi vào dĩ vàng... coi như "chuyện đã rồi".

Luật sư có nghĩ rằng để giảm oan sai phải áp dụng nghiêm túc "nguyên tắc suy đoán vô tội" không?

Luật sư Đặng Văn Cường: Đúng vậy, Tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Điều 72 BLTTHS cũng đã quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Nếu những bản án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì sẽ bị hủy bỏ để điều tra lại hoặc xét xử lại. Những người cầm cân nảy mực công tâm và những nhà điều tra có tâm, có tầm, có tài phải ghi trong đầu “nguyên tắc suy đoán vô tội” thì mới không có án oan sai.

Xin cảm ơn luật sư!

Theo Infonet


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang