Vụ án Vũ Ngọc Dương: Cần phải xem xét kỹ khâu điều tra, giám định

author 09:07 14/11/2014

Đó là ý kiến của luật sư Trần Minh Hùng khi trả lời Báo điện tử Infonet xung quanh thông tin VKSND tối cao kháng nghị bản án với anh Vũ Ngọc Dương.

Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia đình (Đoàn luật sư TpHCM):

Theo thông tin từ đài Truyền hình Việt Nam, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã kháng nghị một vụ án theo trình tự tái thẩm mà theo cơ quan này có dấu hiệu kết án trên bằng chứng giả. Luật sư có nhận xét gì về vụ án này?

Theo tôi đây là một vụ án đã sai sót nghiêm trọng thủ tục tố tụng và thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ từ giai đoạn bắt tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. 

Chưa thể khẳng định được là án oan sai hay chưa vì chưa có bất kỳ một bản án nào có hiệu lực tuyên anh Dương vô tội, bị oan nhưng qua tình hình cũng như diễn biến vụ án có thể khẳng định phần nào đây là một trong những vụ án oan sai điển hình trong các vụ án gần đây tiêu biểu là vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn. 

Từ vụ án này cũng như các vụ án oan gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm, đạo đức và nghiệp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng từ cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cho đến Tòa án.

Hiện nay, theo thông tin từ báo chí và VKSND Tối cao, các đương sự làm giả chứng cứ đã thừa nhận và thực nghiệm trước Cơ quan điều tra. Luật sư đánh giá như thế nào về kết quả vụ án này?

Mặc dù lời khai, lời nhận tội của bị can, bị cáo, nghi can, người liên quan không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội nghi can. Tuy nhiên, theo thông tin từ báo chí thì hiện nay những người tố cáo, vu khống anh Dương đã thừa nhận là chứng cứ giả và họ cũng đã thực nghiệm điều tra tại Cơ quan điều tra. Đồng thời việc giám định chữ ký của anh Dương đã có kết luận của Cơ quan điều tra VKSND tối cao qua trưng cầu Phòng giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng), xác định các tài liệu trên không phải do anh Vũ Ngọc Dương ký. Vì vậy theo tôi khả năng anh Dương bị oan là có cơ sở pháp lý. Tôi chờ đợi một bản án công minh, đúng pháp luật để minh oan cho anh Dương.

Luật sư Trần Minh Hùng

Nếu có bản án cuối cùng và đây là một vụ án oan, theo luật sư trách nhiệm thuộc về ai?

Trách nhiệm theo tôi ở đây thuộc nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan. Cụ thể ở đây là những người cố tình tố cáo anh Dương sai sự thật, tạo chứng cứ giả... đến các Cơ quan giám định và các cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án và những người tiến hành tố tụng quyết vụ án trên.

Có 1 chi tiết là 3 thẩm phán phiên phúc thẩm thì chủ tọa bỏ phiếu vô tội, 2 thẩm phán còn lại bỏ phiếu có tội. Vậy trách nhiệm oan sai có được áp dụng với Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa hay không?

Nếu thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã tiến hành thực hiện các thủ tục đúng theo quy định pháp luật định, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định tại điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự thì sẽ không chịu trách nhiệm về việc oan sai của anh Dương, vì các thành viên Hội đồng xét xử biểu quyết theo đa số, Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số (điều 17 Bộ luật tố tụng hình sự).

Trách nhiệm của 2 thẩm phán còn lại như thế nào?

Theo quy định tại khoản Điều 40 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:

Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.

Do vậy nếu 2 thẩm phán còn lại biểu quyết gây oan sai cho anh Dương thì vẫn phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định trên.

Những người điều tra, những người giám định chứng cứ sai dẫn đến oan sai sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Vì họ là mấu chốt vấn đề?

Điều tra viên có thẩm quyền trong hoạt động điều tra ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật, gây thiệt hại cho tổ chức, nhà nước cá nhân hoặc biết rõ người đó không có tội mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó thì tùy tính chất, mức độ, mục đích, hành vi... mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 293 Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, hoặc điều 296 Tội ra quyết định trái pháp luật theo quy định bộ luật hình sự hiện hành.

Người giám định mà kết luận hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 307 về Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật.

Trong vụ án anh Dương, nếu điều tra viên và người giám định có những hành vi vi phạm như quy định trên thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự.

Như vậy, nếu có kết luận bản án oan cần phải điều tra lại quá trình điều tra và giám định chứng cứ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang