Vụ cha dùng điếu cày đánh con đến chết: Cần phải khởi tố thêm đồng phạm?

author 16:09 19/03/2014

(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ cha dùng điếu cày đánh con đến chết, có nhiều tình tiết của vụ án cho thấy trách nhiệm pháp lý trong việc gây ra cái chết cho cháu Lộc không chỉ một mình bị can Đỗ Văn Lợi phải chịu trách nhiệm.

PV Chất Lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao, Công ty Luật hợp danh FDVN (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) để làm rõ các vấn đề pháp lý của vụ việc cũng như bàn đến vấn đề bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành đang gây nhức nhối hiện nay.

Luật sư Lê Cao, Công ty Luật hợp danh FDVN (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) 

Nhiều tình tiết của vụ án cho thấy, do nghi ngờ mất 20.000 đồng nên cô vợ “hờ” của của Đỗ Văn Lợi đã đánh cháu Lộc trước, sau đó cháu Lộc bị Lợi tiếp tục đánh gây chấn thương sọ não và nay đã không thể qua khỏi, do đó việc chỉ khởi tố một mình Lợi về tội “Cố ý gây thương tích” liệu đã thỏa đáng, thưa ông?

Hiện nay chưa có thông tin chính thức về diễn biến của vụ việc bạo hành rất đau lòng xảy ra đối với cháu Lộc. Về phương diện pháp lý thì nếu có dấu hiệu phạm tội thì Cơ quan điều tra có thê khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra làm rõ các tình tiết liên quan để xem hành vi nào cấu thành tội phạm, ai thực hiện hành vi phạm tội. Nếu có dấu hiệu thể hiện rằng có người vợ “hờ” nào đó của bị can thực hiện hành vi đánh cháu Lộc trước, sau đó cùng với bị can đánh cháu Lộc dẫn đến chấn thương sọ não, sau đó hậu quả là chết người thì Cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ để có thể khởi tố người đó với vai trò đồng phạm của bị can.

Trong quá trình xảy ra vụ việc cho thấy người phụ nữ tên Hà đã đánh cháu Lộc, sau đó Lợi đánh cháu Lộc bằng điếu cày, người phụ nữ này đã không can ngăn, tố giác hành vi của Lợi mà còn hùa với Lợi lao vào đá vào người cháu Lộc gây co giật, lịm đi. Liệu những dấu hiệu đó đã đủ cơ sở để khởi tố người phụ nữ đã cùng Lợi đánh cháu Lộc hay không?

Về phương diện pháp lý, nếu những thông tin nói trên là sự thực khách quan thì có cơ sở để điều tra người phụ nữ cùng Lợi đánh cháu Lộc với vai trò đồng phạm của Lợi. Những miêu tả nói trên cho thấy có dấu hiệu người phụ nữ được gọi là “vợ” của Lợi đã cùng với Lợi thực hiện một tội phạm.

Hành vi được biểu lộ ra khách quan thể hiện người phụ nữ này đã cùng Lợi cố ý đánh cháu Lộc. Nếu như vì nghi ngờ cháu Lộc, người phụ nữ có hành vi đánh cháu nhưng chưa đến mức độ cấu thành tội phạm mà dừng lại, không tham gia cùng Lợi trong việc đánh đập tàn độc cháu Lộc sau này, đồng thời có thái độ can ngăn hành vi đánh đập của Lợi thì dấu hiệu đồng phạm có thể không còn.

Ngược lại, không những không can ngăn, tố giác mà người phụ nữ này tiếp tục tham gia đánh cháu Lộc đến lịm đi thì rất rõ dấu hiệu có sự cố ý cùng tham gia thực hiện một tội phạm.

Như vậy theo ông có cần khởi tố bị can đối với người vợ “hờ” của Lợi để trừng phạt đối với tội ác mà hai người này đã gây ra đối với cháu Lộc?

Cho đến nay, về phương diện thông tin, chứng cứ cũng như các vấn đề khác liên quan đến vụ án tôi không có điều kiện tiếp cận. Do đó, chỉ bàn ở khía cạnh lý luận pháp lý như đã phân tích ở trên. Nếu qua điều tra, cơ quan điều tra làm rõ được đúng là có người khác đã cùng với bị can Lợi hành hạ, đánh đập cháu Lộc dẫn đến hậu quả đau lòng như thế và xét thấy đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cần khởi tố bị can để điều tra làm rõ. Tất nhiên vụ án đang trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có thể khởi tố thêm bị can nếu phát hiện tội phạm.

Còn về tội danh mà Cơ quan điều tra đã khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” liệu đã thỏa đáng, trong khi cháu Lộc đã không qua khỏi sau khi được điều trị?

Qua mô tả trên phương diện thông tin báo chí cung cấp thì tôi nghĩ việc Cơ quan điều tra khởi tố bị can Lợi về tội “Cố ý gây thương tích” là có cơ sở của họ. Hậu quả “chết người” có thể do hành vi cố ý gây thương tích gây ra. Ngược lại cũng có trường hợp có người phạm tội giết người nhưng hậu quả không phải bắt buộc phải có người chết. Tất nhiên, việc đánh giá tiến trình tố tụng vào lúc này với phương diện bàn luận ở đây chỉ có thể ngang đến các khía cạnh lý luận như vậy. Mong cơ quan điều tra sớm làm rõ vụ việc để trừng trị các hành vi bạo hành tàn độc đối với những trẻ em rất đáng thương như cháu Lộc.

Ông nghĩ gì về việc bảo vệ trẻ em trước những đau đớn do bạo hành gây ra hiện nay?

Việt Nam đã có Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Pháp luật hình sự, Hành chính ... và hàng loạt các văn bản làm cơ sở để quyền trẻ em được bảo vệ. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên từ năm 1990 đã tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Chúng ta cũng thường có những chương trình hành động, những phong trào rầm rộ phát động bảo vệ trẻ em.

Thế nhưng như vụ em Lộc bị bạo hành, hay nhiều vụ bạo hành trẻ em chấn động trước đây việc trẻ em bị bạo hành không chỉ tức thời, một lần mà đã kéo dài nhưng không được ngăn chặn, không thấy sự chia sẻ từ nguồn cội tội ác trong từng thôn, làng, tổ dân phố.

Trẻ em bị đánh đập, hành hung nhưng nhiều trường hợp người dân xem như chuyện ngoài lề, lạnh lùng mặc kệ. Như thế rõ ràng chúng ta thực thi các quy định pháp luật về quyền trẻ em một cách hời hợt, không hiệu quả. Bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của riêng ai có con em mình, trách nhiệm của chính quyền, xã hội và ý thức bảo vệ trẻ em của cộng đồng là một phần không nhỏ khiến hàng năm ở nước ta thống kê được trên hàng ngàn trường hợp bị bạo hành.

Cần phải nâng cao tính hiệu quả trong công tác phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em hiện nay, để công cụ pháp luật thực sự phát huy hiệu năng của mình, và cũng để làm sao xã hội không làm ngơ, lãnh cảm với những nỗi đau của mầm non hạnh phúc gia đình, tương lai của đất nước. 

 

 

 

 

 Mai Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang