Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì có nguy cơ ‘chìm xuồng’: Người thiệt nhất vẫn là dân

authorDương Phương Ngọc 06:38 01/07/2016

(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD VN) lo lắng: Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì có thể bị “chìm xuồng”, thiệt hại lớn nhất vẫn là người dùng.

Ngày 31/5, Thanh tra Bộ Y tế đã quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH URC Hà Nội 5.826.867.000 đồng vì sản xuất, lưu hành 2 lô sản phẩm nhiễm chì vượt mức cho phép: Trà xanh hương chanh C2 (NSX 4/2/2016; HSD 4/2/2017), Nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (NSX 10/11/2015; HSD 10/8/2016).

Đáng chú ý là quyết định xử phạt cũng ghi rõ có tới 3.875.244.610 đồng giá trị sản phẩm C2, Rồng đỏ trong 2 lô kể trên không thu hồi được.

Các đại lý bán C2, Rồng đỏ: ‘Nhiều người tẩy chay, sức mua sụt giảm một nửa’(VietQ.vn) - Nhân viên BigC nói: 85% khách hàng vào siêu thị đều nói không mua C2, Rồng đỏ vì nhiễm chì. Còn tại một số đại lý, sức mua hàng này đã giảm đi một nửa.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN cho hay: Tại Điều 22, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 quy định:

“Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 5 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông”.

Nội dung thông báo phải mô tả: Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra; Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa; Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa; Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa.

Tuy vậy, kể từ khi phát hiện ra sự cố C2, Rồng đỏ nhiễm chì đến nay đã hơn 1 tháng, “quy định pháp luật đã rõ ràng nhưng phía đơn vị sản xuất không thực hiện thông báo là sai. Mặc dù, các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin rất nhiều về vụ, nhưng vẫn phải có thông tin chính thức từ phía đơn vị sản xuất để người tiêu dùng được biết” – ông Hùng lưu ý.

 Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì có nguy cơ ‘chìm xuồng’: Người thiệt nhất vẫn là dân. Ảnh: Phương Ngọc.

Thêm vào đó, ông Hùng cũng băn khoăn: Giá trị số hàng hóa khuyết tật chưa thu hồi được quá lớn (gần 4 tỷ đồng), chúng ta cần đề nghị Thanh tra Bộ Y tế nói rõ số hàng không thu hồi được đang nằm ở đâu? Đại lý nắm bao nhiêu, còn ở người tiêu dùng đã tiêu thụ bao nhiêu.

“Có thể, phần hàng đã tiêu thụ ở người tiêu dùng, công ty không thể biết nhưng phần hàng hóa nằm ở các đại lý, công ty URC phải nắm được. Từ đó, họ sẽ phải lượng hóa để thấy: Về kinh tế, người tiêu dùng bị thiệt như thế nào, chưa kể tới việc ảnh hưởng sức khỏe” – ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng bày tỏ sự lo lắng: “Vụ việc có thể bị “chìm xuồng”, thiệt hại lớn nhất vẫn là người tiêu dùng”.

LS Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Thiên Thanh): URC cần có động thái tích cực hơn.

Còn theo luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội): “Con số gần 4 tỷ đồng sản phẩm không thu hồi đã nêu trên trong quyết định của Thanh tra Bộ Y tế thực sự là khủng khiếp”. Có thể hàng triệu người đã dung nạp một lượng chì vượt mức cho phép vào cơ thể, trong đó phần lớn là trẻ em và thanh thiếu niên.

Như vậy, “sự việc đã không dừng lại trên các quyết định xử phạt hành chính, không còn là những con số mà thực sự đã là mối nguy hiểm cho toàn xã hội nói chung và cho những người đã sử dụng các sản phẩm của URC nói riêng.

Tôi cho rằng, với số lượng sản phẩm khuyết tật không thể thu hồi lớn như vậy có thể có khả năng gây ra tác hại rất lớn tới cộng đồng. Chính vì vậy, đây có lẽ không phải là việc của riêng URC nữa. Chính phủ, các bộ ban ngành có liên quan cần phải có sự chỉ đạo, giám sát đối với quá trình thực hiện công tác phòng ngừa và giảm bớt tác hại của hiện tượng ngộ độc chì có thể xảy đến với hàng triệu người dân” – LS Trần Tuấn Anh nói.

Vị luật sư của công ty Luật hợp danh Thiên Thanh này nhấn mạnh: Hơn ai hết, với trách nhiệm pháp lý của mình, với lương tâm đạo đức trong kinh doanh, URC - những người tạo ra các "sản phẩm nguy hiểm" này cần phải có động thái tích cực nhất để hạn chế và khắc phục đối với những thiệt hại này.

Một điều đáng lẽ rất vui mừng, theo luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật hợp danh Thiên Thanh), Bộ luật Hình sự 2015 vừa được Quốc hội 13 thông qua có hiệu lực từ 1/7/2016, quy định: doanh nghiệp sản xuất vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý hình sự mà không cần người tiêu dùng chứng minh hậu quả. Cụ thể, Điều 317 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 quy định: hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép, cố tình chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm... sẽ bị xử lý hình sự mà không cần sự chứng minh hậu quả từ người dùng.

Theo đó, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, nếu URC không quyết liệt trong thu hồi sản phẩm khuyết tật, chỉ cần sau 1/7/2016, người tiêu dùng phát hiện sản phẩm thuộc 3 lô nói trên có mặt trên thị trường thì URC hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự.

Tuy nhiên, rất tiếc là vừa mới chiều 26/6 vừa qua Ủy ban Thường vụ quốc hội đã họp bàn gấp tìm cách hoãn thi hành Bộ luật Hình sự 2015 do phát hiện có đến hơn 90 điều cần điều chỉnh bổ sung. Như vậy là người tiêu dùng lại phải chờ đợi thêm một thời gian để được pháp luật bảo vệ trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Lẽ ra điều nào cần bổ sung chỉnh lý thì Quốc hội nên tạm hoãn hiệu lực thi hành của riêng điều ấy để bàn bạc thêm, còn những điều khác thì vẫn nên áp dụng từ 1/7/2016 như đã thống nhất trước đây, không nên vì một số điều chưa hợp lý mà hoãn hiệu lực thi hành của cả Bộ luật Hình sự” – luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang