Vụ cháy khiến 8 người tử vong: Nhà xưởng có đủ tiêu chuẩn về PCCC?

author 19:34 30/07/2017

(VietQ.vn) - Dư luận đặt ra câu hỏi về việc đảm bảo tiêu chuẩn về PCCC của nhà xưởng bánh kẹo ở Hoài Đức bị cháy khiến 8 người tử vong.

Hai ngày nay, dư luận đang hết sức quan tâm đến vụ việc một xưởng sản xuất bánh kẹo ở Hoài Đức (Hà Nội) bị cháy khiến 8 người tử vong. Theo báo cáo mà UBND huyện Hoài Đức gửi lên Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên nhân cháy là do xưởng đang sửa chữa, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp nên ngọn lửa bén và lan rộng rất nhanh.

Điều đáng lưu ý là khi vụ cháy xảy ra, nhà xưởng này lại chỉ có duy nhất một lối thoát nạn khiến những người bên trong không kịp thoát ra ngoài. Hơn nữa, do xưởng làm bằng khung thép, mái tôn nên ngọn lửa cháy nhiệt độ cao đã làm sập võng giữa chia xưởng làm 2 phần.

Hiện trường vụ cháy xưởng làm bánh khiến 8 người tử vong. 

Trong lúc vụ cháy vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, dư luận lại đặt ra một câu hỏi rằng liệu một nhà xưởng với số lượng nhân công lên tới hàng chục người như trên thì việc chỉ có một lối thoát nạn duy nhất có đủ chuẩn về an toàn PCCC hay không? Và khi đám cháy xảy ra, liệu trong nhà xưởng có trang bị đủ những thiết bị PCCC để những công nhân trong đó tự cứu mình?

Trên thực tế, qua kiểm tra, đã không ít các cơ sở sản xuất không có đủ điều kiện về an toàn PCCC và khi hỏa hoạn xảy ra, thương vong về người, thiệt hại lớn về tài sản là điều không thể tránh khỏi.

TCVN 2622:1995 về Phòng cháy và chống cháy cho nhà và công trình

Lối thoát nạn phải đảm bảo để mọi người trong phòng, ngôi nhà thoát ra an toàn, không bị khói bụi che phủ, trong thời gian cần thiết để sơ tán khi xảy ra cháy

Các lối ra được coi là để thoát nạn nếu chúng thỏa mãn một trong các điều kiện sau:

a, Dẫn từ các phòng của một tầng ra ngoài trực tiếp hoặc qua hành lang, tiền sảnh, buồng thang;

b, Dẫn từ các phòng của bất kỳ tầng nào, không kể tầng một đến hành lang dẫn đến buồng thang, kể cả đi qua ngăn đệm. Khi đó các buồng thang phải có lối ra ngoài trực tiếp hay qua tiền sảnh được ngăn cách với các hành lang bằng vách ngăn có cửa đi;

c, Dẫn đến các phòng bên cạnh ở cùng một tầng có lối ra như ở mục a và b

Khi đặt các lối ra thoát nạn từ hai buồng thang qua tiền sảnh chung thì một trong hai buồng thang đó phải có lối ra ngoài trực tiếp ngoài lối vào tiền sảnh. Các lối ra ngoài cho phép đặt thông qua ngăn cửa đệm. Các lối ra từ tầng hầm, tầng chân cột phải trực tiếp ra ngoài

Lối ra có thể là cửa đi, hành lang hoặc lối đi dẫn tới cầu thang hay trong cầu thang ngoài tới hiên dẫn ra đường phố hay mái nhà, hay có khu vực an toàn. Lối ra còn bao gồm cả lối đi ngang dẫn sang công trình liền đó ở cùng độ cao.

Thang máy và các phương tiện chuyển người khác không được coi là lối thoát nạn. Các lối ra phải dễ nhận thấy và đường dẫn tới lối ra phải được đánh dấu rõ ràng bằng ký hiệu hướng dẫn. Không được lắp gương ở gần lối ra

Số lối thoát nạn ra khỏi ngôi nhà không được ít hơn 2; các lối thoát nạn phải được bố trí phân tán. Khoảng cách xa nhất từ nơi tập trung người đến lối thoát nạn gần nhất theo hạng sản xuất, bậc chịu lửa, số tầng (có quy định cụ thể riêng).

Liên quan tới vấn đề này, theo trung tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy – Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô còn tồn tại nhiều công trình nhà kho, xưởng sản xuất thường thuê lại mặt bằng làm nơi lưu giữ, luân chuyển hàng hóa. Và những vụ cháy này đều xảy ra tại những nhà kho, xưởng sản xuất không nằm trong quy hoạch, sử dụng mặt bằng cho thuê để xây dựng thành kho tạm hoặc dạng sản xuất nhỏ lẻ. Do vậy, có tình trạng nhiều cơ sở còn làm để đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra PCCC.

Khi kiểm tra những cơ sở này, họ có thể đảm bảo về PCCC nhưng sau đó lại tiếp tục vi phạm như việc sắp xếp hàng hóa trong nhà xưởng, hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn, vi phạm khoảng cách PCCC, cản trở giao thông chữa cháy…

“Các vụ cháy thường xảy ra tại nhà kho tạm được chủ cơ sở thuê thời gian ngắn, do vậy họ thường dựng khung thép, mái tôn gây khó khăn cho công tác quản lý về PCCC. Khi đến kiểm tra yêu cầu đảm bảo các biện pháp PCCC thì họ lại viện lý do thời gian thuê ngắn, khó thực hiện” - ông Hiếu cho hay.

Theo báo cáo tuyên truyền của cảnh sát PCCC Hà Nội, trong tháng 7/2017, xảy ra 58 vụ cháy, trong đó: cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng 02 vụ, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng 01 vụ, cháy trung bình 15 vụ, cháy nhỏ 40 vụ. Ngoài ra còn xảy ra 59 vụ chập điện trên cột, 15 sự cố cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan. Thiệt hại về người: 06 người chết, 01 người bị thương; thiệt hại tài sản trị giá 66,5 tỷ đồng.

Trong nội thành xảy ra 43 vụ (chiếm 73,7% số vụ cháy), trong đó: Q.Hoàn Kiếm 04 vụ, Q.Ba Đình 04 vụ, Q.Đống Đa 06 vụ, Q.Cầu Giấy 02 vụ, Q.Nam Từ Liêm 04 vụ, Q.Bắc Từ Liêm 03 vụ, Q.Hoàng Mai 03 vụ, Q.Thanh Xuân 05 vụ, Q.Hai Bà Trưng 07 vụ, Q.Hà Đông 01 vụ, Q.Long Biên 04 vụ.

Ngoại thành xảy ra 15 vụ (chiếm 26,3% số vụ cháy), trong đó: H.Gia Lâm 03 vụ, H.Đông Anh 02 vụ, H.Thanh Trì 02 vụ, H.Mê Linh 01 vụ, H.Sóc Sơn 03 vụ, H.Ba Vì 01 vụ, H.Quốc Oai 01 vụ, H.Mỹ Đức 02 vụ.

Cũng theo thống kê, quận Tây Hồ và các huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thường Tín, Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Sơn Tây, Phúc Thọ không xảy ra cháy. Trong tổng cộng 58 vụ cháy: cháy nhà dân 30 vụ, kho xưởng 10 vụ, chung cư - nhà cao tầng 01 vụ, nhà tập thể 02 vụ, phương tiện giao thông 04 vụ, cửa hàng kinh doanh dịch vụ 08 vụ, karaoke 02 vụ, trường học 01 vụ. Và xuất phát từ những nguyên nhân: sự cố điện 34 vụ, sơ xuất khi sử dụng lửa 11 vụ, sự cố kỹ thuật máy móc 03 vụ, nghi do đốt 01 vụ, đang điều tra 09 vụ.

Phong Lâm

8 người tử vong trong vụ cháy xưởng kẹo tại Hà NộiXưởng kẹo đột nhiên bốc cháy khiến 8 người tử vong, nguyên nhân ban đầu được xác định có thể là do thợ hàn. Trong số 8 người tử vong, có 7 người là thanh niên độ tuổi từ 15 - 27.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang