Bệnh nhân chảy máu nội tạng ở Bắc Giang do thuốc chuột?

author 14:48 10/12/2013

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây tại Viện huyết học truyền máu Trung ương liên tục tiếp nhận những bệnh nhân ở Bắc Giang có hiện tượng chảy máu khó cầm, biểu hiện của bệnh là xuất huyết dưới da, chảy máu nội tạng, đái máu, chảy máu chân răng…

Để tìm hiểu rõ về chứng bệnh “lạ” này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Th.s, BS. Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Hemophilia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, người trực tiếp phụ trách điều trị cho những bệnh nhân này. 

Bác sĩ Mai cho biết, bệnh nhân mắc căn bệnh này đến từ nhiều địa phương khác nhau như Thường Tín (Hà Nội), Hoà Bình, Thái Nguyên…Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là 9 trường hợp cùng mắc chứng bệnh này ở huyện Tân Yên (Bắc Giang). Điều đặc biệt trong 9 trường hợp này là họ đều có quan hệ gia đình hoặc cùng trên một vùng địa lý.

Ví dụ như trường hợp gia đình chị Liễu (phố Mới, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, Bắc Giang) cả hai vợ chồng chị và con gái đều bị chảy máu không cầm được. Nhiều người đồn đại là bị bệnh máu trắng, nhưng tiền sử gia đình không ai bị căn bệnh này cả. Khi đến Viện huyết học khám, bác sĩ cho biết đó là bị rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố đông máu và các yếu tố này phụ thuộc vitamin K.

Theo BS. Mai, nguyên nhân của căn bệnh này có thể liên quan đến các loại thuốc diệt chuột, vì những loại thuốc này có thành phần dược chất kháng đông máu. Ngoài ra, một số bệnh nhân mắc phải bệnh này khi uống rượu thuốc, ăn trái cây của Trung Quốc bị nhiễm hóa chất, có nguồn gốc không rõ ràng hay ăn thịt chó ăn phải chuột bị đánh bả…Tuy nhiên, “tất cả những giả thuyết trên, chỉ là nghi vấn ban đầu được đưa ra, chứ chưa phải là nguyên nhân chính thức. Hiện mẫu máu đang được gửi đi xét nghiệm và chưa có kết quả”, BS Mai chi biết.

Trước tình trạng trên, phương pháp điều trị được cho là hiệu quả nhất là truyền bù vitamin K để cơ thể tự tổng hợp yếu tố đông máu, có bệnh nhân phải truyền huyết tương. Việc điều trị căn bệnh này cũng không hề đơn giản, vì có trường hợp khi điều trị ở viện một thời gian đã khỏi, nhưng khi về nhà bệnh là tái phát. Giải thích vấn đề này, BS Mai cho rằng, bệnh tái phát có thể do người bệnh không tuân thủ điều trị; nguồn chất độc vẫn còn nên bị nhiễm tiếp hoặc chất kháng đông có tác dụng trong cơ thể tồn tại lâu dài. Để loại trừ bệnh cần tìm được nguồn chất độc.

Một bệnh nhi điều trị rối loạn đông máu

Liên quan đến vấn đề này, GS Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu TW) cho biết, việc tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng xuất huyết này không phải dễ dàng, có thể những bệnh nhân này đã cùng ăn, tiếp xúc 1 loại thuốc, 1 loại thức ăn nào đó của Trung Quốc. Chất này có thể có trong bim bim, kẹo, có trong bả chó, thuốc chuột.

“Những chất này làm rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố đông máu nên bệnh nhân có thể tự bị chảy máu hoặc bị chảy máu không cầm được khi có ngoại cảnh tác động. Chất ức chế yếu tố đông máu có thể ở trong thực phẩm, quần áo, thuốc… xâm nhập vào cơ thể qua tiêu hóa và tiếp  xúc”, GS Trí nói.

 

 

 

Đình Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang