Vụ chùa Bồ Đề: Ý kiến của các chuyên gia về việc mua bán trẻ em

author 13:49 20/08/2014

(VietQ.vn) - Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng từ phía cơ quan điều tra nhưng từ sự việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề khiến dư luận quan tâm trong suốt thời gian cũng là lời báo động và việc kiểm tra đánh giá lại thủ tục và chất lượng của các trung tâm bảo dưỡng trẻ em.

Sự kiện:

Việc xảy ra tình trạng mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề là trường hợp cá biệt

Sáng ngày 19-8, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên (TP Hà Nội) cho biết UBND quận Long Biên đã có kết luận thanh tra chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) sau khi xảy ra vụ án mua bán trẻ em ở đây. Theo nhận định của đoàn thanh tra, việc chùa Bồ Đề tiếp nhận trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội vào nuôi dưỡng khi không đảm bảo các điều kiện thành lập cơ sở bảo trợ xã hội và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là chưa thực hiện đúng quy định.

Tại nội dung thông tin, trả lời câu hỏi của phóng viên các báo tại buổi họp báo thường kỳ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 19-8, liên quan đến việc chùa Bồ Đề có những tồn tại thì cần phải được xử lý như thế nào; ông Đỗ Mạnh Hải cho rằng, hầu hết các trường hợp đến chùa Bồ Đề đều là cơ nhỡ, không nơi nương tựa, chính vì thế nhà chùa hoàn toàn bị động. Chùa nhận nuôi, chăm sóc người già và trẻ em chỉ là mục đích từ thiện.

Thông tin về vụ việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc- Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết: “Áp dụng quy định Bộ luật Hình sự đến nay cơ quan điều tra, chưa chứng minh được sư Thích Đàm Lan vi phạm”. Ông Ngọc lưu ý cần cân nhắc việc đưa thông tin đích danh về danh tính các số phận bất hạnh, bởi đây là nguyện vọng của các gia đình. Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Hải cho biết, hàng năm có việc đăng ký đưa các đối tượng vào trung tâm bảo trợ của Thành phố.

Theo ông Phan Đăng Long- Phó ban Tuyên giáo Thành ủy, đây là cơ sở tôn giáo tiếp nhận những mảnh đời cơ nhỡ chỉ với mục đích từ thiện. Số lượng người đến chùa ngày càng đông dẫn đến quá tải, trong khi các trung tâm bảo trợ xã hội chưa đón tiếp được do khó khăn về cơ sở vật chất. Ông Long nhấn mạnh, việc xảy ra trường hợp mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề là cá biệt.

Đánh giá lại các trung tâm bảo dưỡng trẻ em từ vụ chùa Bồ Đề

Sự việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) đặt ra câu hỏi về việc tuân thủ pháp luật của các cơ sở tôn giáo trong việc chăm sóc các đối tượng khó khăn. Chia sẻ với PV Dân trí ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã trao đổi về vấn đề này.

Theo ông Đức, chùa Bồ Đề có nhiều sai phạm khi thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng diện bảo trợ xã hội: Chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) theo quy định của pháp luật; chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, diện tích phòng ở của đối tượng; nhân viên quản lý, nuôi dưỡng đối tượng chưa được đào tạo nghiệp vụ...

Cần rà soát hoạt động của cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng sau vụ chùa Bồ Đề

Cần rà soát hoạt động của cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng sau vụ chùa Bồ Đề. Ảnh Dantri

Ông cũng cho rằng một số cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng từ 10 đối tượng bảo trợ xã hội trở lên của các tôn giáo trên phạm vi toàn quốc chưa thực hiện thủ tục thành lập cơ sở BTXH đang tồn tại là một trong những vấn đề cần phải chấn chỉnh, xử lý từ góc độ quản lý Nhà nước. Qua sự việc diễn ra tại chùa Bồ Đề, cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm phòng ngừa các trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai. Cần phải nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt; tăng cường sự chỉ đạo của UBND các cấp trong công tác kiểm tra việc quản lý và hoạt động của cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt.

Thu Hường (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang