Vụ Cocobay Đà Nẵng ‘vỡ trận’: Khung pháp lý về Condotel còn nhiều vướng mắc

author 14:12 26/11/2019

(VietQ.vn) - Hiện nay chưa có khung pháp lý nào cho loại hình Codotel hoạt động khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý để dự án hoạt động; làm chậm thời gian triển khai dự án, phát sinh lãi, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư...

Mới đây, CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) - chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay Đà Nẵng) phát đi thông báo cho biết chỉ trả lợi nhuận 12% theo cam kết đến ngày 31/12 với các chủ sở hữu condotel.

Lý do là việc kinh doanh loại hình sản phẩm bất động sản condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn, khung pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến bất cập, thủ tục pháp lý tại địa phương có nhiều vướng mắc. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án. Sự việc trên cũng không nằm ngoài cảnh báo của các chuyên gia bất động sản về cam kết lợi nhuận của những dự án condotel bởi lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn.

Chia sẻ với Chất lượng Việt Nam online, Luật sư Nguyễn Văn Hùng - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng hiện nay chưa có khung pháp lý nào cho loại hình codotel hoạt động. Chính vì không có khung pháp lý, dẫn tới việc chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý để dự án hoạt động; làm chậm thời gian triển khai, phát sinh lãi, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Đồng thời, ảnh hưởng tới kế hoạch đưa dự án vào hoạt động, bàn giao khách hàng. Hơn  nữa, rất có thể bị khách hàng khởi kiện vì chậm bàn giao căn hộ, phạt vi phạm, huỷ giao dịch.

 CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô - Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng.

Về phía khách hàng đang quan tâm đến dự án, rõ ràng khi bỏ tiền đầu tư họ sẽ nghiên cứu kỹ tính chất pháp lý. Nếu dự án không đảm bảo tính pháp lý, họ sẽ không mua căn hộ từ đó chủ đầu tư sẽ chịu thiệt hại vì hàng tồn kho tăng lên, trong khi vẫn phải trả lãi vay cho ngân hàng?

Cũng theo phân tích của Luật sư Hùng, đối với khách hàng đã mua căn hộ, việc không có khung pháp lý điều chỉnh làm họ bị mắc kẹt trong mối quan hệ với chủ đầu tư, cơ quan nhà nước và ngân hàng. Vì hợp đồng mua bán đã ký nhưng không thể làm sổ đỏ để thế chấp quay vòng vốn. Chưa kể, với pháp lý như vậy, ngân hàng sẽ không chấp nhận rủi ro để nhận thế chấp tài sản mà pháp lý chưa biết thế nào cả.

Do vậy, việc thiếu khung pháp lý điều chỉnh đã làm ảnh hưởng rất lớn để nhiều bên, chủ đầu tư, khách hàng và hệ luỵ với xã hội.

Thảo Nguyên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang