Vụ động đất dữ dội ở Sông Tranh 2: Nghi ngờ các thông số

author 07:18 17/11/2012

Hôm qua 16/11, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và các viện, ngành trung ương đã có mặt ở chân đập thủy điện Sông Tranh 2 để xem xét trận động đất 4,7 độ richter xảy ra lúc 14 giờ 24 hôm 15/11.

Theo báo cáo mới nhất của huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), có tổng cộng 856 nhà dân và 8 công trình công cộng bị hư hỏng qua các trận động đất. Riêng trận động đất mới đây chưa thể thống kê thiệt hại, chỉ biết có nhiều vết nứt mới.

Nứt nhà điều hành trên thân đập

Lần đầu tiên một vết nứt rõ ràng nhất hiện diện ngay khu vực nhà điều hành nằm trên thân đập Sông Tranh 2. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy có ít nhất 6 vết nứt xẻ dọc theo tường nhà chạy từ dưới lên trên, có vết dài hơn 1m. Tất cả vết nứt đều rất mới và xẻ theo phương thẳng đứng. Việc xuất hiện những vết nứt ngay nhà điều hành đặt phía trên đỉnh đập khiến không ít người hoài nghi: liệu bản thân đập có còn chắc chắn hay không? Ông Nguyễn Văn Nhật (nhà ngay dưới chân đập) khi đi ngang đây đã lắc đầu lo lắng: “Nhà của công trình xây chắc chắn cỡ đó còn nứt huống gì nhà dân. Chẳng biết bên trong đập có hề chi không?”.

Ở phía dưới đập, nhà ông Nhật cũng bị nứt trong trận động đất dữ dội hôm 15/11. Tại trụ sở UBND huyện Bắc Trà My, công trình kiên cố thuộc diện nhất trong khu vực, đang bị nứt nghiêm trọng ở phần kết cấu giữa dầm và sàn, nhiều mảng tường bị xé ngang dọc. Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, thở dài: “Bây giờ khó có thể tìm căn nhà nào tại huyện này còn nguyên vẹn. Tài sản, nhà cửa hư hại đã đành, tinh thần người dân cũng tả tơi”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu còn cho hay, 48.000 hộ dân 5 huyện của Quảng Nam đang lo lắng về động đất. Hư hỏng nhà cửa, tính mạng người dân đang là mối quan tâm lớn nhất lúc này.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (bìa trái) trao đổi với những người có trách nhiệm ngay trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Đăng Nam
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (bìa trái) trao đổi với những người có trách nhiệm ngay trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Đăng Nam

Không có máy đo gia tốc nền dưới đáy đập

Giống như những lần phát biểu trước đây, sau mỗi trận động đất, Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 Trần Văn Hải đều khẳng định đập vẫn an toàn. Điều đáng nói là ông Hải không nêu các thông số mà các máy đo gia tốc lắp đặt trên thân đập đã ghi nhận được. Phát biểu tại cuộc làm việc, PGS.TS Phạm Hữu Sy (hội đồng nghiệm thu nhà nước) cho biết các số đo của khe nhiệt sau động đất không có gì khác thường. Tuy nhiên, có sự mâu thuẫn giữa các số liệu đo của máy gia tốc. “Gia tốc nền đo được ở trận động đất vừa qua là 286cm/s2 thì phải tương đương 6,5 độ richter, rõ ràng rất lớn. Nếu đo theo thang MSK - 64 có nghĩa là động đất ở cấp 9. Mà cấp 9 thì bề mặt đất biến dạng, nhà cửa sụp đổ ghê gớm. Rõ ràng thông số 286cm/s2 có vấn đề”, TS Sy nói.

Theo TS Lê Tự Sơn (Viện Vật lý địa cầu), trận động đất ngày 15/11 xảy ra ngay trong lòng hồ. Cụ thể, khoảng cách giữa chấn tâm đến đập ngắn hơn nên gia tốc nền đo được trên mặt đập có thông số cao hơn trước. “Các cấp của động đất tùy thuộc các máy đo gia tốc đặt ở đâu và ghi nhận như thế nào. Chấn động vừa rồi đúng ra là cấp 7 (theo thang MSK-64)”, TS Sơn nói. Ông Sơn thông tin thêm rằng các chuyên gia động đất của Nga đã đến làm việc tại Sông Tranh 2, họ vừa về và sẽ có kết quả trong thời gian tới. Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc làm việc, TS Cao Đình Triều (Viện Vật lý địa cầu) cho rằng: “Thông số 286cm/s2 (gia tốc nền) đo được ở trận động đất vừa qua được lấy ở máy đo gia tốc đặt ở đỉnh đập chứ không phải đáy đập. Cái thông số gia tốc nền mà chúng tôi cần là dưới đáy đập thì hiện tại không lấy được vì không có máy đo”.

Không yên tâm

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải, có quá nhiều ý kiến khác nhau của các nhà khoa học nên người dân và chính quyền chưa thật sự yên tâm. “Đoàn đại biểu Quốc hội không thể yên tâm ngồi họp, tôi phải về để bàn công tác an dân, an toàn ngay lúc này. Không riêng Trà My, Quảng Nam mà Đà Nẵng, Quảng Ngãi và người dân cả nước đều đang lo lắng cho công trình này”, ông Hải nói.

Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cơ quan có liên quan phải cùng người dân địa phương khắc phục hậu quả. Chủ đầu tư cùng Viện Vật lý địa cầu lắp các thiết bị quan trắc, nhất là các máy đo gia tốc nền đặt bên dưới chân đập. Viện Vật lý địa cầu mời các chuyên gia nước ngoài (Nga, Ấn Độ, Nhật Bản...) có kinh nghiệm sớm vào cuộc. Về vấn đề tích nước và an toàn đập, ông Dũng nhấn mạnh: “Dù các đơn vị cho rằng đập vẫn an toàn nhưng chúng ta vẫn chưa có ý định tích nước. Trong tương lai có thể hồ Sông Tranh sẽ vĩnh viễn không tích nước nếu các chuyên gia xét thấy đập Sông Tranh thật sự không an toàn”.

Động đất nông, cảm nhận rung động mạnh hơn

Người dân cho biết cảm nhận rung động trong trận động đất 4,7 độ richter xảy ra chiều 15/11 dữ dội hơn trận động đất 4,6 độ richter ngày 22/10. Giải thích về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết:

Trận động đất 4,6 độ richter ngày 22-10 có độ sâu chấn tiêu 7km, còn trận động đất 4,7 độ Richter ngày 15-11 có độ sâu chấn tiêu 6km. Trận nào xảy ra gần mặt đất hơn (chấn tiêu nông hơn) thì tác động lên mặt đất mãnh liệt hơn và cảm nhận được rung động mạnh hơn.

Ông có thể giải thích rõ hơn cho người dân về thông số giữa máy đo gia tốc nền và máy đo của trạm địa chấn?

Hiện có một trạm địa chấn của Viện Vật lý địa cầu ở trong khuôn viên Ban quản lý dự án thủy điện 3 (tại Trà Đốc) để xác định trận động đất xảy ra ở đâu, có độ sâu bao nhiêu và độ lớn bao nhiêu. Còn máy đo gia tốc đặt ở đập là của chủ đầu tư. Máy này không tính được động đất xảy ra ở đâu nhưng đo được rung động tác động tới đập tương đương cấp nào.

T.PHÙNG thực hiện


Phải xây dựng phương án di dời dân

Chiều qua 16/11, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy - người trực tiếp chấp bút báo cáo giám sát của ủy ban về thủy điện Sông Tranh 2, nói:

Viện Vật lý địa cầu báo cáo là động đất cực đại ở khu vực trên là 5,5 độ richter và trận động đất chiều 15/11 là 4,7 độ richter. Về mặt khoa học, chúng tôi tin cậy số liệu 5,5 này. Các nhà khoa học cũng khẳng định là động đất rất khó vượt qua 5,5 độ richter. Tuy nhiên, chúng tôi bổ sung nhận định: thực tế có thể vượt qua mức đấy, dù xác suất rất thấp, đến lúc đó thì ứng phó như thế nào? Do vậy, chúng tôi luôn đề nghị phải xây dựng các phương án di dời dân, hướng dẫn người dân đến nơi an toàn khi xảy ra tình huống xấu nhất.

Nếu động đất cứ liên tục xảy ra với tần suất nhiều hơn, theo ông, nên chọn giải pháp nào để xử lý tình huống này?

Động đất do tích nước hồ chứa nước thường xảy ra tăng dần và đến một ngưỡng nào đấy sẽ giảm dần. Theo quy luật chung thường là như thế, nhưng chúng tôi vẫn đề nghị không tích nước trong mùa lũ năm nay để đủ thời gian quan trắc, theo dõi.

Có thể yên tâm với khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trước Quốc hội là bà con cứ yên tâm ở đấy, không phải đi đâu...?

Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường sẽ tiếp tục vào cuộc. Cá nhân tôi sẽ đề xuất tiếp tục có giám sát ngay sau kỳ họp Quốc hội này để nắm bắt thêm tình hình.

QUỐC THANH thực hiện

 Theo Tuổi trẻ

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang