Vụ em trai cắt chân chị: Chưa có quy định riêng cho tội phạm “ngáo đá”

author 07:29 09/01/2014

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, những năm trở lại đây, xuất hiện nhiều vụ án nổi cộm mà kẻ phạm tội đều sử dụng ma túy đá trước khi gây án.



Người dùng ma túy đá làm theo những tiếng xui khiến, đi theo những hình ảnh hiện lên trước mắt nên họ sẽ thực hiện hành vi dã man. Tuy nhiên, pháp luật hiện vẫn chưa có quy định riêng cho tội phạm “ngáo đá”

Thông tin trên được Luật Sư Nguyễn Hồng Bách-VP LS Hồng Bách (ảnh) cho biết xung quanh vụ việc “em cắt chân chị ” gây chấn động dư luận vừa qua.

Trước đó, rạng sáng ngày 2/1 tại phòng hồi sức (khu điều trị bệnh nhân nặng) Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, bà Trần Thanh Dung, bệnh nhân u não đang nằm điều trị đã bị em trai, trú ở đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân (Hà Nội) dùng dao cắt rời bàn chân. Thông tin ban đầu cho biết, đối tượng này hành động trong tình trạng “ngáo đá”.

Thưa ông, nếu giả thiết người em trai cắt chân chị gái trong lúc đang lên cơn “ngáo đá” là đúng thì có thể khép vào tội danh nào và xử phạt ra sao theo pháp luật hiện hành?

Khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi là điều kiện bắt buộc để coi một người là có năng lực trách nhiệm hình sự và phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội mà mình đã thực hiện. Do đó, pháp luật quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.

Việc sử dụng rượu, ma túy hoặc dùng các chất kích thích khác đều ảnh hưởng nhất định, làm hạn chế, thậm chí loại trừ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của con người. Tuy nhiên, những người sử dụng rượu, ma túy, hoặc các chất kích thích đã tự đặt mình vào tình trạng say rượu, chịu tác động tiêu cực của các chất kích thích. Họ không chỉ có lỗi đối với tình trạng hạn chế hoặc mất năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình, mà còn có lỗi đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng say rượu hoặc chịu tác động của các chất kích thích do mình thực hiện. Do đó, Điều 14 BLHS quy định: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Trừ trường hợp người bị dùng vũ lực ép buộc uống rượu, ép buộc tiêm ma túy, khiến họ không còn khả năng nhận  thức và điều khiển hành vi thì sẽ được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Do đó, nếu người em trai cắt chân chị gái trong tình trạng “ngáo đá” thì sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, không có gì khác biệt. Hành vi củngười em trai đã phạm vào “Tội cố ý gây thương tích” , với tình tiết định khung tăng nặng là: dùng hung khí nguy hiểm và phạm tội đối với người không có khả năng tự vệ.
Việc xác định khung và mức hành phạt cụ thể đối với trường hợp này còn phụ thuộc vào kết quả giám định tỷ lệ thương tật của người chị, cũng như các tình tiết cụ thể của vụ án....

Hành vi cố ý gây thương tích cho người  không có khả năng tự vệ,  có là một tình tiết tăng tội?

Đúng thế, Theo Điểm d Khoản 1 Điều 104 BLHS cũng quy định phạm tội “đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ” là tình tiết tăng năng định khung của “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”.

Trong vụ việc này, nạn nhân là bênh nhân ung thư, vừa trải qua phẫu thuật, đang nằm trên giường bệnh là người không có khả năng tự vệ và vì vậy, người em trai sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội đối với người không có khả năng tự vệ theo các quy định nêu trên.

Đối với những loại tội phạm liên quan đến “ngáo đá”, luật pháp ta đã có những chế tài như thế nào? Có đủ mạnh để răn đe?

Pháp luật hiện hành chưa có quy định riêng biệt nào đối với hành vi phạm tội do tình trạng “ngáo đá”. Người phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” và có lỗi, tự đẩy mình vào tình trạng “ngáo đá”(không bị người khác dùng vũ lực ép buộc sử dụng ma túy) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm đã thực hiện. Việc sử dụng ma túy là trái pháp luật và tùy vào tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nạn nhân Trần Thanh Dung, bệnh nhân u não đang nằm điều trị đã bị em trai cắt chân

Ông có bình luận gì về hiện tượng xã hội trên? Ông đã từng nhận vụ án nào liên quan đến “ngáo đá”?

Hiện tượng người trong tình trạng “ngáo đá” thực hiện các hành vi phạm tội, gây thương tích, đạp phá tài sản, thậm chí là giết người đang diễn ra ngày càng nhiều.
Đây là vấn đề vô cùng nhức nhối, tiền ẩn những mối nguy hiểm rất lớn cho xã hội. Tuy nhiên, để ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng này là điều không hề đơn giản, đó là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn của từng gia đình, cá nhân và toàn xã hội trong cuộc chiến đầy cam go và phức tạp với nạn buôn bán và sử dụng trái phép chất ma túy hiện nay.

Tôi đã từng bào chữa cho một thanh niên đã có hành vi cố ý gây thương tích trong tình trạng “ngáo đá”. Người thanh niên này đã đánh trọng thương người hàng xóm vì bị hoang tưởng rằng người này đang truy sát mình. Qua vụ án này, tôi thấy vô cùng xót xa và tiếc cho một người thanh niên có học thức và tương lai tươi sáng, đầy hứa hẹn nhưng đã sa vào ma túy và phải chịu hậu quả đáng rất tiếc.

Hạ Lan (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang