Vụ giả nhãn mác, bao bì hơn 18.000 tấn xi măng: Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu làm rõ

author 06:46 18/03/2019

(VietQ.vn) - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An làm rõ vụ làm giả nhãn mác, bao bì của 18.111 tấn xi măng để xuất khẩu đi Philippines.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin: Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan và Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra cảng Đại Dương và tàu Tân Bình 236 (quốc tịch Panama), phát hiện 18.111 tấn xi măng rời, do Công ty cổ phần xi măng Vicem Hoàng Mai (địa chỉ thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) sản xuất, nhưng lại đóng bao bì, nhãn mác của Công ty TNHH Long Sơn (phường Đông Sơn, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ước tính, tổng giá trị số hàng hóa khoảng 20 tỷ đồng.

Lô xi măng được in bao bì xi măng Long Sơn nghi bị giả mạo được Cục Hải quan Thanh Hóa phát hiện.

Số xi măng rời đóng bao trên do Công ty TNHH xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại Viết Nam (địa chỉ B32 - TT17, Khu đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) nhận xuất khẩu qua cảng Đại Đương, sang Philippines.

Đây là vụ việc có dấu hiệu của tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, liên quan nhiều tỉnh và có yếu tố nước ngoài, nên Công an tỉnh Thanh Hóa bàn giao cho Công an tỉnh Nghệ An điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Để có cơ sở tổng hợp, đánh giá chính xác, khách quan về vụ việc, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương phối hợp điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Đồng thời đánh giá lại thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh xi măng giả, kém chất lượng trên địa bàn hai tỉnh; những giải pháp của BCĐ 389 các tỉnh trong phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng là xi măng trên địa bàn trong thời gian tới. Kết quả báo cáo về BCĐ 389 quốc gia thông qua Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia trước ngày 5/4.

Vnexpress đưa tin, ngày 30/1, Cục Hải quan Thanh Hóa kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH xuất nhập khẩu dịch vụ Viết Nam (địa chỉ tại quận Hà Đông, Hà Nội) đang vận chuyển hơn 18.000 tấn xi măng có giá trị hơn 20 tỷ đồng xuống tàu Tan Binh 326. Lô hàng có dấu hiệu làm giả nhãn mác nên bị nhà chức trách yêu cầu dừng bốc xếp, niêm phong phục vụ điều tra.

Qua kiểm đếm, nhà chức trách ghi nhận có khoảng 12.000 tấn xi măng đã được đưa xuống tàu Tan Binh 326, 6.000 tấn khác đang lưu trong kho bãi ở cảng Đại Dương.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, Công ty Viết Nam ký hợp đồng với Công ty Cổ phần xi măng Vicem Hoàng Mai (địa chỉ tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) về việc xuất khẩu 21.000 tấn xi măng sang Philippines. Theo hợp đồng, số hàng nói trên sẽ do Vicem Hoàng Mai sản xuất và đóng gói. Riêng nhãn hiệu, tên, địa chỉ nhà sản xuất trên bao bì do Công ty Viết Nam đặt in giống nhãn mác của Xi măng Long Sơn, sau đó đưa đến Vicem Hoàng Mai đóng gói.

Ngày 13/3, đại diện Xi măng Long Sơn khẳng định lô hàng trên không phải là sản phẩm của doanh nghiệp và công ty này cũng không ký hợp đồng cung ứng 21.000 tấn xi măng Long Sơn cho đối tác Viết Nam. Do đó, toàn bộ bao bì Công ty Viết Nam đặt in mác xi măng Long Sơn được nghi là giả mạo.

 

Công ty mỹ phẩm sản xuất hàng kém chất lượng, giả mạo nhãn mác bị xử lý thế nào?(VietQ.vn) - Việc các công ty mỹ phẩm sản xuất hàng kém chất lượng, giả mạo nhãn mác là hành vi không trung thực với người tiêu dùng và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Uyên Chi

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang