Vụ khăn lụa Khaisilk: Cái tát đau đớn vào lòng tin người tiêu dùng

author 12:35 28/10/2017

(VietQ.vn) - Việc thương hiệu nổi tiếng khăn lụa Khaisilk thừa nhận bán hàng "rởm" hơn 30 năm nay đã khiến người tiêu dùng trong nước bị "sốc", đây có thể được ví như một cái tát trời giáng vào lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu Việt.

Chia sẻ với Dân Trí, ông Nguyễn Minh Đức - Chuyên gia về môi trường kinh doanh (Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vụ khăn lụa Khaisilk là một vấn đề đáng chú ý về pháp luật kinh tế.

"Để nền kinh tế thị trường có thể vận hành tốt, vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của Nhà nước là bảo vệ tài sản và hợp đồng. Nền kinh tế thị trường thì cần có tự do hợp đồng, tức là Nhà nước không can thiệp vào một giao dịch mua bán hàng hoá, sử dụng dịch vụ khi mà hai bên đã đạt được thỏa thuận trên cơ sở không ép buộc, không lừa dối.

Nhưng nếu có sự lừa dối khi giao kết hợp đồng, từ cái nhỏ như cân điêu ở chợ hay gian lận cước taxi, đến cái lớn như Huyền Như lừa đảo cả nghìn tỷ đồng, thì cần có bàn tay Nhà nước can thiệp", ông Đức nói.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho hay, nếu cái hợp đồng đó được lập dựa trên gian dối thì đó không còn là quan hệ dân sự kinh tế nữa và Nhà nước hoàn toàn có thể hình sự hoá sự can thiệp của Nhà nước.

Đồng thời, nói về vấn đề gian lận nguồn gốc hàng hóa của Khaisilk có nguy hiểm cho xã hội không?

Việc thương hiệu nổi tiếng Khaisilk thừa nhận bán hàng "rởm" hơn 30 năm nay đã khiến người tiêu dùng trong nước bị "sốc". Ảnh: Trí thức trẻ.

Ông Đức cho rằng, lừa mỗi người vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, lừa hàng trăm người, hàng nghìn người cả chục năm thì giá trị trở nên rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Một hành vi gian lận để thu lợi bất chính lên đến hàng chục tỷ đồng chẳng nhẽ không xứng đáng bị xử lý hình sự, Dân Trí thông tin.

Không những thế, theo ông Minh Đức, vụ việc của Khaisilk, không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho những người mua khăn. Hành vi của gắn mác sai lệch này còn gây một tác động dài hạn.

Mặc khác, to lớn hơn là gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những nhãn mác gắn trên sản phẩm, hàng hoá, từ đó làm thui chột những DN đang nỗ lực kinh doanh chân chính.

"Nếu Nhà nước không trừng phạt hành vi gian lận nhãn mác một cách thích đáng thì người tiêu dùng sẽ không còn tin vào nhãn mác hàng hóa nữa”, Chuyên gia Minh Đức nhấn mạnh.

Dẫn lời VTC News, theo ông Nguyễn Phan Anh (Giảng viên - Chuyên gia Online Marketing) cho hay,hành vi cắt mác, dán nhãn “made in Vietnam” từ những sản phẩm được nhập về từ Trung Quốc của thương hiệu Khaisilk là một hành vi biểu hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về thương mại.

Ngoài ra, vụ việc đó có thể được coi là một sự chà đạp lên nhân phẩm của những doanh nhân chân chính, làm xấu đi hình ảnh về cộng đồng doanh nhân Việt.

Ông Nguyễn Minh Đức - Chuyên gia về môi trường kinh doanh. Ảnh: Dân Trí.

Mặt khác, sự việc này có thể làm tổn hại thêm và tổn hại sâu sắc đến thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và làm tổn hại lòng tin của người tiêu Việt Nam đối với hàng Việt Nam mà Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp dày công sức vun đắp.

Những thương hiệu lớn, những doanh nhân tầm cỡ cũng sẵn sàng kiếm tiền từ việc thiếu tôn trọng pháp lý, thiếu tôn trọng người tiêu dùng, thiếu tôn trọng thương hiệu Việt. Thế nhưng, những hành vi đó có thể làm giảm lòng tin của các du khách nước ngoài đến Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Không chỉ có thế, doanh nhân Khải Silk thừa nhận trộn 50%, biết đâu con số không chỉ dừng lại ở đó. Hãy chờ các cơ quan chức năng kết luận, công bố.

Và việc thương hiệu nổi tiếng Khaisilk thừa nhận bán hàng "rởm" hơn 30 năm nay đã khiến người tiêu dùng trong nước bị "sốc", đây có thể được ví như một cái tát trời giáng vào lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu Việt.

Bên cạnh đó, bà Vũ Kim Hạnh (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao) cho hay: “Mấy năm nay, qua cuộc điều tra người tiêu dùng mà Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, chúng tôi thấy, ở các ngành này có nhiều DN “qua đời” lặng lẽ vì cạnh tranh. Siêu thị lớn nổi tiếng ưu ái hàng Việt, bán hàng thời trang, ngoài dán nhãn made in Việt Nam, trong bâu áo, còn nguyên nhãn made in China”, Dân Trí thông tin.

Hảo Trâm (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang