Tìm hiểu loại xe tăng nặng nhất trong lịch sử quân đội Mỹ

author 16:14 24/01/2015

(VietQ.vn) - Vũ khí quân sự xe tăng T28 là loại xe tăng nặng nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, được sản xuất với mục đích đối chọi với thế hệ xe tăng hạng nặng mới của quân đội Đức.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Xe tăng hạng nặng T28 được quân đội Mỹ sản xuất vào năm 1945 để đối chọi với thế hệ xe tăng mới của Đức Quốc Xã. Các nhà quân sự tin rằng loại vũ khí quân sự này có thể công phá mọi tuyến phòng thủ của người Đức trong Chiến Tranh Thế Giới thứ II, đặc biệt là Siegfried và trở thành phương tiện vũ trang chính trên chiến trường Nhật Bản.

Công ty Pacific Car and Foundry chịu trách nhiệm thiết kế và lắp ráp dòng xe tăng hạng nặng T28. Phần tháp pháo của dòng xe tăng T23 được sử dụng cho T28 để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí. Tuy nhiên chỉ có duy nhất vài mẫu thử của dòng xe tăng này.

Vũ khí quân sự siêu nặng của quân đội Mỹ

Vũ khí quân sự siêu nặng của quân đội Mỹ

Về thông số kỹ thuật, vũ khí quân sự T28 nặng 86 tấn, dài 11,10m, rộng 4,39m, cao 2,84m và được trang bị nòng pháo chính với kích cỡ 105mm có tầm bắn lên tới 19km cùng vũ khí phụ là súng máy hạng nặng Browning M2. Đội điều khiển T28 chỉ có 4 người ít hơn so với loại xe tăng khác. Một trong những đặc điểm khác lạ của T28 là khả năng quay của nòng súng chính bị hạn chế do thiếu bộ phận quay 360 độ thông thường. Chính vì vậy nhiều ý kiến đánh giá T28 không khác gì giá súng di động thay vì một chiếc xe tăng đúng nghĩa.

Lớp thiết giáp chắc chắn của T28 có khả năng chống lại đầu đạn 88mm của xe tăng Tiger II hay nhiều loại xe tăng khác. Tốc độ thử nghiệm của T28 chỉ đạt 13km/h trong khi đó xe tăng Sherman M4 của quân Đồng Minh đạt 40 đến 48km/h.

Vũ khí quân sự T28 chưa bao giờ được sử dụng trong thực chiến

Vũ khí quân sự T28 chưa bao giờ được sử dụng trong thực chiến

Năm 1945, T28 được cải tạo thành dòng tăng mới có tên T95, tuy nhiên chỉ một năm sau đó, quân đội Mỹ lại thiết kế lại chiếc T95 thành xe tăng siêu nặng T28. Hai bản mẫu T28 được nâng cấp tại các cơ sở Aberdeen Proving Grounds tại Maryland và Fort Knox, Kentucky cho đến năm 1947. Sau đó, một bản mẫu bị cháy động cơ trong lần thử nghiệm đầu tiên tại Yuma Proving Grounds ở Arizona và bị loại bỏ.

Trên thực tế, T28 chưa bao giờ được quân đội Mỹ sử dụng trong thực chiến do tốc độ chậm, động cơ dễ hỏng và nòng súng chính hạn chế. Vào thời điểm Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, số phận của những chiếc tăng T28 và dòng tăng Maus của Đức với những điểm yếu tương tự cũng “kết thúc” theo. Cuối cùng, T28 được nâng cấp lên thành T29 và T30, những chiếc xe tăng hạng nặng đúng nghĩa với những thế mạnh vượt trội hơn.

Đinh Ly

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang