Vu khống người khác trên Facebook, bị xử lý ra sao?

author 14:23 18/01/2016

Chia sẻ thông tin không đúng về người khác, đưa hình ảnh bịa đặt về người khác lên Facebook bị xử lý ra sao?

Ảnh minh họa

Luật sư Hồ Ngọc Diệp, đoàn luật sư TP.HCM:

Không chỉ là xâm phạm hình ảnh cá nhân mà còn gây nguy hiểm cho xã hội

Pháp luật có những quy định và chế tài để bảo vệ các quyền liên quan đến quyền nhân thân của một con người, khi các quyền này bị người khác xâm phạm.

Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm mà người bị xâm phạm có thể khởi kiện vụ việc theo quan hệ dân sự, yêu cầu tòa án buộc người có hành vi xâm phạm phải xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại… hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Việc một cá nhân nào đó cố tình bịa đặt, đưa ra những thông tin không có thật, bằng cách tung lên mạng hình ảnh của ai đó với lời cảnh báo rằng, đây là nhân dạng của một tên cướp hay đây là hình ảnh của kẻ bắt cóc con nít hoặc là một tên mất dạy-chửi cha, mắng mẹ… không còn đơn thuần là hành vi xâm phạm về hình ảnh, bí mật đời tư của cá nhân, thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, mà đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của người khác.

Hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội “Vu khống” theo quy định tại điều 122 Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp này, người bị vu khống, có thể yêu cầu cơ quan công an vào cuộc để tiến hành việc điều tra, xác minh làm rõ người đã tung các thông tin bịa đặt trên mạng xã hội, để khởi tố vụ án hình sự về hành vi vu khống theo quy định của pháp luật.

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch:

Có thể tìm ra người vu khống và xử lý

Tự bản thân cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp không thể truy tìm hay xác định được danh tính, địa chỉ của những người đưa thông tin không đúng sự thật.

Để tìm được người đưa thông tin sai trái cần có sự hỗ trợ, điều tra từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thông qua các biện pháp nghiệm vụ, cơ quan chức năng có thể phát hiện và xác định được danh tính của người đưa thông tin không đúng sự thật.

Một số vụ việc như đưa thông tin về bắt được người cá ở Quảng Nam hay một nhóm đối tượng giả danh tổ chức IS tại Việt Nam cũng đã bị phát hiện và xử lý.

Như vậy, nếu được sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng thì việc xử lý đối với những người vi phạm là có thể thực hiện được.

Người đưa thông tin và chia sẻ thông tin không đúng sự thật tùy từng trường hợp có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA:

Đừng biến mình thành nạn nhân của thông tin sai lệch

Hiện nay, những thông tin mang tính gây sốc, đôi khi không đúng sự thật khi đưa lên mạng xã hội thì được lan truyền rất nhanh và không kiểm soát được.

Với tâm lý đám đông, kết hợp với công nghệ lan truyền của mạng xã hội nên nhiều người dễ cả tin vào những thông tin này và đôi khi trở thành nạn nhận của chính những tin không đúng sự thật mà mình đọc được.

Thật sự việc tự bảo vệ mình khi bị ăn cắp hình ảnh bị vu khống trên mạng xã hội là rất khó. Bởi khi chúng ta chia sẻ những hình ảnh mang tính tốt đep nhưng lại bị một ai đó ăn cắp, chỉnh sửa lại, thêm những thông tin khác. Sau đó, họ tung lên mạng xã hội ở một thời điểm mà chúng ta hoàn toàn không biết. Chúng ta chỉ biết được nội dung vu khống khi nó đã bị lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Trong những trường hợp này thì người dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách công khai những thông tin phản bác ngay trên mạng xã hội . Khi người đọc tiếp cận được thông tin 2 chiều (vu khống và phản bác của chính chủ) thì hi vọng người đọc sẽ biết được đâu là tin không đúng sự thật và cũng hi vọng họ sẽ không Like hoặc share để lan truyền thông tin này.

Mạng xã hội luôn luôn có 2 mặt nên chúng ta hãy cẩn thận khi đưa những thông tin lên mạng, đặc biệt là những thông tin cá nhân, thông tin riêng của gia đình . Vì chúng ta không biết được những tin cá nhân này có thể bị một ai đó đánh cắp và vu khống trên mạng, khi đó sẽ gây rất nhiều phiều phức cho cuộc sống .

Trong cuộc sống, đã có những tình huấn một gia đình bị cướp, dựa trên thông tin gia đình được một cá nhân đưa lên mạng.

Bên cạnh đó,đối với người dùng cũng phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo để nhận biết được tin nào đún , tin nào sai. Đừng biến mình thành nạn nhân của những thông tin chưa chính xác trên mạng .

Đối với cơ quan quản lý, khi xác định những thông tin trên mạng xã hội không chính xác, các cơ quan quản lý cũng phải nhanh chóng thông báo cho người dân biết để phòng tránh, để người dân đề phòng, tự bảo vệ mình.

Theo Tuổi trẻ


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang