Vụ kiện website phát tán táo quân 2014: Thêm tình tiết mới

author 07:27 13/02/2014

Đơn vị giữ bản quyền Táo Quân 2014 chỉ yêu cầu You Tube bồi thường thiệt hại mà trang mạng này đã gây ra cho CNC.

Sau khi táo quân 2014 được phát trên truyền hình đêm Giao thừa, đa số các đơn vị trong nước thực hiện nghiêm túc việc tôn trọng bản quyền. Tuy nhiên vẫn còn một số cá nhân và đơn vị vi phạm bằng hình thức phát lại trên Internet thông qua website và lưu trữ cho phép tải về máy tính cá nhân.

Bà Lưu Thị Hồng, Tổng Giám đốc CNC, đơn vị giữ bản quyền Táo Quân 2014 và Gala Cười 2014, cho hay YouTube là một trong gần 20 trang mạng phát tán hai chương trình ăn khách này.

Bà Hồng cho hay: “Hành động này của Youtube đã đã khiến chúng tôi thiệt hại một khoản tiền không nhỏ (3.000 đồng/ lượt xem - PV) và chúng tôi quyết định sẽ đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, yêu cầu các đơn vị cá nhân vi phạm phải bồi thường cho chúng tôi”.

Cũng theo bà Hồng, phía CNC đã hoàn tất hồ sơ về các đơn vị, cá nhân vi phạm để gửi sang Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Thanh tra Bộ VHTT&DL.

Bà Hồng cho biết thêm, CNC đã làm việc trực tiếp với YouTube tại Mỹ và đã nhận sự hợp tác của công ty này. Các video về Táo Quân được đưa lên YouTube đều đã bị gỡ xuống, với những người dùng cố tình vi phạm, trang này đã tiến hành khóa tài khoản người dùng.

Tuy nhiên, bà Hồng bức xúc vì khi làm việc với công ty POPs, đối tác của YouTube về bản quyền ở Việt Nam, thì lại nhận được sự bất hợp tác: "POPs còn yêu cầu chúng tôi phải trả 20 triệu đồng để ngăn chặn hành vi phát tán trên YouTube mà không đưa ra lý do cho việc tính phí này. Đây là điều bất hợp lý, tại sao chúng tôi có bản quyền mà lại phải trả cho họ 20 triệu đồng".

“Làm văn hóa thì phải tôn trọng nhau, nếu chúng tôi không có bản quyền thì VTV không bao giờ cho chúng tôi khai thác. Qua vụ việc này chúng tôi hi vọng mọi người sẽ tôn trọng nhau để xã hội phát triển, nếu cứ ăn cắp bản quyền thì không thể đi xa được” – Giám đốc CNC nói thêm.

Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho hay CNC chưa tính đến việc khởi kiện YouTube, mà chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại mà trang mạng này đã gây ra cho CNC. CNC cũng yêu cầu các trang mạng này phải được xử phạt theo đúng quy định tại nghị định 131 quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Phía đối tác của YouTube về bản quyền ở Việt Nam, bà Hạnh Nguyễn - đại diện POPs – cho hay ngay sau khi CNC liên hệ với POPs để yêu cầu tôn trọng bản quyền chương trình Gặp nhau cuối năm 2014 mà CNC cho rằng được Đài truyền hình Việt Nam (VTV) uỷ quyền, POPs đã đề nghị CNC gửi chứng từ chứng minh sở hữu bản quyền và đề nghị hợp tác để khai thác đặt quảng cáo trên hệ thống YouTube đối với nội dung CNC có bản quyền.

Tuy nhiên theo bà Hạnh sau đó CNC chỉ gửi công văn thông báo nhưng không hề gửi chứng từ chứng minh bản quyền hoặc bất kỳ giấy uỷ thác nào từ VTV cho POPs.

CNC cũng từ chối ký kết hợp tác và chỉ muốn ngăn chặn người dùng đưa nội dung trái phép lên YouTube. Bà Hạnh cho hay, đến giờ, VTV vẫn chưa lên tiếng, nên nếu CNC có bản quyền thì họ nên cung cấp để chứng minh.

Hơn nữa, theo đại diện của POPs, công ty này chỉ là đối tác cung cấp những nội dung có bản quyền cho YouTube và chia sẻ doanh thu quảng cáo cho đối tác tại Việt Nam chứ chưa bao giờ là đại diện của YouTube.

“Nhiều người hiểu sai vai trò của POPs, chúng tôi không phải là người rà soát nội dung cho YouTube tại Việt Nam và thực tế là YouTube chưa có đại diện ở Việt Nam”, bà Hạnh khẳng định.

Ngày 11/2, CNC cũng đã thông báo danh sách 16 trang khai thác nội dung số vi phạm là: Youtube, Megafun.vn, Fshare.vn, Ketquaveso.com, VTC.com.vn, Suong.vn; Xemvacuoi.com, Cuoicuoitv.com, Ngam.vn, Saolamdep.com, Phimbom.com, Kenhsinhvien.net, Tophd.vn, Ruoitrau70.violet.vn, Huongque.de, Myfancy.org.

Theo NDT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang