Vụ măng tươi, mỳ tôm gây sỏi thận: Đừng quá hoang mang

author 07:47 31/12/2013

(VietQ.vn) - Những ngày gần đây, thông tin 100% mẫu măng tươi và mỳ tôm được kiểm nghiệm có chứa chất sỏi thận được công bố bởi GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM khiến không ít người dân hoang mang lo lắng.


Theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, đây là 2 loại nhu yếu phẩm được tiêu thụ với số lượng rất lớn ở thị trường Việt Nam, nhất là trong dịp giáp Tết Nguyên Đán. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi Hiệp hội Mì ăn liền thế giới công bố kết quả điều tra vào hồi tháng 5/2013, Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền trong năm 2012 với sản lượng gần 5,1 tỉ gói (ly). Nếu tính bình quân đầu người, mỗi người Việt Nam ăn 57 gói (ly)/năm, đứng thứ 4 thế giới.

Thống kê này phản ánh khá đúng thị trường mì ăn liền trong nước khi loại thực phẩm này đang trở nên phổ biến đến mức từ cửa hàng tạp hóa nhỏ đến siêu thị, từ quán ăn vỉa hè hay nhà hàng cao cấp... đều có món mì ăn liền. Chưa kể, mì ăn liền chính là loại thực phẩm dự trữ cần thiết của đa số người dân khi có những biến đổi về thời tiết.

Tuy nhiên, khi thông tin mỳ ăn liền cũng như măng tươi chứa chất acid oxalic gây sỏi thận đã khiến cho tâm lý người dân vô cùng hoang mang. Và câu hỏi được đặt ra là: Liệu ngoài mỳ tôm và măng tươi ra còn những loại thực phẩm nào nhiễm loại hoá chất này? Và ngoài gây sỏi thận, acid oxalic còn có những tác hại nào khác?

Đối với những câu hỏi này, các nhà khoa học cho biết, thực chất acid oxalic là một acid hữu cơ mạnh, có áp lực cao với các ion kim loại như calci, sắt, natri, magne, kali... tạo nên các muối oxalat. Thông thường, acid oxalic được sử dụng trong công nghiệp và gia dụng. Chẳng hạn, trong ngành gỗ để làm trắng gỗ bị đen do thời tiết, nắng...; làm chất tẩy rửa các dụng cụ gia đình; trong xử lý nước thải để loại bỏ calci trong nước thải...

Nếu acid oxalic kết hợp với Ca thành oxalat calci, có thể lắng đọng ở thận, lâu ngày tạo sạn thận. Vì thế, việc đưa acid oxalic vào thực phẩm là hành vi bất hợp pháp, vì hoá chất này không nằm trong danh mục được phép dùng trong thực phẩm.

 PGS.TS Phạm Xuân Đà - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Xuân Đà - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết, acid oxalic bình thường cũng có thể có trong thực phẩm, nhất là các loại thực vật, đặc biệt là những sản phẩm thực vật mà muối thì có rất là sẵn axit oxalic. Tất nhiên nếu là tự nhiên thì hàm lượng của nó cũng không quá cao. Thứ hai là có một loại axit axelic được dùng trong công nghiệp như dùng để tẩy trắng, tẩy gỉ sét, đây là loại độc hại.
Về nguyên tắc là không được phép cho các sản phẩm  công nghiệp vào trong thực phẩm.

Còn về vấn đề kết quả xét nghiệm 100% mẫu mỳ tôm và măng tươi có chứa acid oxalic, thì cần phải xác định rõ nó là cái tự nhiên hay là cái người ta chủ động cho vào.

Hơn nữa, bà con cũng không nên quá hoang mang vì xét nghiệm hàm lượng axit axelic có ở trong các mẫu thực phẩm  đó cũng không quá cao vì nếu theo bình thường thì LD 50 của axit oxelic vào khoảng  xấp xỉ 400 ( khoảng 378mg/kg thể trọng) Vậy thì với hàm lượng xét nghiệm ví dụ như 30 -40 mg/kg măng thì không phải quá cao vì không ai ăn một lúc mà hết 1kg măng cả.

Tuy nhiên về mặt quản lý thì phải có những biện pháp, phải đánh giá nguyên nhân đó là từ đâu, nếu từ ngoài chủ động đưa những chất cấm vào chế biến thực phẩm thì phải xử  lý và các cơ sở sản xuất phải xem xét lại toàn bộ những quy trình.

Đối với cơ quan quản lý, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, các xét nghiệm của GS. TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng - công bố chiều ngày 26/12, chưa phải là toàn bộ các loại mỳ tôm trên thị trường. Đó chỉ là lấy mẫu một số sản phẩm, không phải tất cả, nên người dân không nên quá hoang mang.

Lê Anh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang