Vụ MC Minh Tiệp: Có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác với mức phạt 3 năm tù

author 07:16 30/05/2018

(VietQ.vn) - Theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu cơ quan chức năng xác minh đúng có sự việc bạo hành như lời tố cáo của em T. D chia sẻ trên trang cá nhân thì MC Minh Tiệp có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Vụ việc MC Minh Tiệp (VTV) bị em vợ là T. D (trẻ vị thành niên) tố bạo hành nhiều năm qua trên trang cá nhân Facebook đã ngay lập tức gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Theo đó T. D chia sẻ, MC Minh Tiệp thường xuyên đánh đập em từ năm lớp 6 đến năm lớp 10. T. D cũng đăng kèm ảnh thương tích ở môi để làm bằng chứng. Tuy nhiên ngay sau đó bài đăng bị gỡ bỏ, chị gái T. D và MC Minh Tiệp đã lên tiếng phủ nhận hoàn toàn sự việc cũng như đẩy nguyên nhân tất cả là do cô bé T. D còn nhỏ, chưa kiểm soát được lời nói và hành động, còn thường xuyên chểnh mảng, bỏ bê học hành, đăng bài viết để “câu like”…

Vụ MC Minh Tiệp: Có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác với mức phạt 3 năm tù?

 MC Minh Tiệp (VTV) bị em vợ tố bạo hành trên trang cá nhân Facebook. Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên, ngay sau đó phía trường học nơi T. D đang theo học đã lên tiếng phủ nhận vể việc T. D thường xuyên chểnh mảng, bỏ bê học hành.

"Em vui vẻ, hòa đồng với các bạn, không gây gổ, hỗn láo với thầy cô. Em là học sinh bình thường như những học sinh khác. Em từng đạt giải thành phố (Hà Nội) trong kì thi học sinh giỏi" - đại diện trường Amsterdam (nơi T. D đang theo học) chia sẻ với báo chí.

Hiện tại, sự việc trên đang được cơ quan chức năng vào cuộc và xác minh, làm rõ.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn), Ths - Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp Hà Nội) chia sẻ quan điểm: Thời gian gần đây, nhiều vụ việc đánh đập, hành hạ, bạo hành trẻ em trong gia đình, trường mầm non, tiểu học, nơi giữ trẻ... diễn ra thường xuyên hơn, đến mức phải báo động.Với thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay, Pháp luật đã nghiêm cấm, trừng trị và áp dụng những xử phạt đích đáng cho những hành vi vi phạm này.

“Chúng ta đã từng được chứng kiến nhiều video đánh đập, hành hạ trẻ em được phanh phui tại nơi giữ trẻ, trường mầm non. Và nay lại thêm một nội dung tố cáo về bạo hành trẻ em do em vợ tố cáo anh rể. Mấy ngày qua, cộng đồng mạng và dư luận xã hội đã lên tiếng rất nhiều về vụ việc này, tuy nhiên cho đến nay diễn biến vụ việc cũng chỉ là lời tố cáo và ý kiến phản đối chủ quan của các bên do đó sự thật của vụ việc vẫn chưa được xác thực”, ông Cường bày tỏ.

Vụ MC Minh Tiệp: Có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác với mức phạt 3 năm tù?

 Ths - Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp Hà Nội).

Theo ông Cường, trong trường hợp nếu cơ quan chức năng xác minh đúng có sự việc bạo hành như lời tố cáo của em T. D chia sẻ trên trang cá nhân tố MC Minh Tiệp thì tùy vào động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả để lại mà người thực hiện bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Cụ thể như sau:

Căn cứ theo Luật Trẻ em 2016, tại khoản 6, Điều 4 đã quy định rõ: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Luật trẻ em 2016 cũng quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi và có quyền được bảo vệ để không bị bạo lực. Hành vi bạo lực trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (theo khoản 3 Điều 6 Luật trẻ em 2016).

Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực là Trẻ em bị bạo lực dẫn đến rối loạn tâm thần, hành vi, hạn chế khả năng giao tiếp, học tập hoặc khả năng tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày theo kết luận của cơ quan giám định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người có chuyên môn được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, đánh giá mức độ tổn hại của trẻ em (Điều 11 Nghị định 56/2017 ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều của Luật trẻ em).

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thìngười vi phạm có thể bị phạt tiền là từ 5 đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm.

Nếu hành vi gây tổn hại ở mức độ nghiêm trọng hơn như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc mình bằng các hành vi: Đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm... thì có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác theo điều 140 Bộ luật hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù.

Hành vi bạo hành trẻ em còn có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, thậm chí là tội Giết người, Vô ý làm chết người với tình tiết định khung tăng nặng hoặc tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với trẻ em theo từng trường hợp cụ thể.

Hoàng Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang