Bỏ tiền triệu mua kính Rayban nhưng nghi 'rởm', đại lý thờ ơ chứng minh

author 12:38 26/03/2016

(VietQ.vn) - Với cách phát ngôn tiền hậu bất nhất của người quản lý, liệu khách hàng còn đủ niềm tin để mua sản phẩm kính Rayban của Công ty TNHH Hiếu Tâm?

Trước đó, Chất lượng Việt Nam đã có bài nói đến nghi vấn mua phải kính Rayban không chính hãng của một nữ khách hàng tại địa chỉ 26C Bà Triệu thuộc Công ty TNHH Hiếu Tâm.

Theo phản ánh của chị M., khi mua chiếc kính mắt Rayban 3016-W0365 do Công ty TNHH Hiếu Tâm phân phối, chị được nhân viên ở đây nói rằng chiếc kính được sản xuất tại Italia. Tuy nhiên, kiểm tra lại phiếu bảo hành, chiếc kính được ghi sản xuất tại Trung Quốc.

Vụ nghi mua phải kính Rayban rởm, đại lý thờ ơ chứng minhChiếc kính Rayban được mua tại đại lý 26C Bà Triệu (Hà Nội)

Chị M. cho biết, chị đã phải dùng đến “chiêu” đi mượn một chiếc kính cùng mode của bạn bè mua tại Mỹ để đối chiếu và thấy có nhiều chi tiết khác nhau, mắt thường cũng dễ nhận biết.

Vô cùng hoang mang về chiếc kính mình mua không phải chính hãng, chị M. nhờ bạn bè có kinh nghiệm sử dụng hãng kính này kiểm chứng, tất cả đều khẳng định chắc chắn chiếc kính chị mua là hàng rởm.

Tuy nhiên, khi mang kính mắt đã mua trở lại đại lý của Rayban – Công ty TNHH Hiếu Tâm 26C Bà Triệu, bà Nguyễn Thị Hường – quản lý đại lý này khẳng định: Tất cả các sản phẩm bày bán tại đây đều là hàng chính hãng.

Quản lý cửa hàng kính tại đây thừa nhận, chiếc kính mà chị M. mua được sản xuất tại Trung Quốc – là nước thứ 3 mà hãng này đặt cơ sở sản xuất và điều đó có nghĩa là đây vẫn là hàng chính hãng. Thế nhưng, vì sai sót trong tư vấn của nhân viên bán hàng khiến khách hàng hiểu là kính được sản xuất tại Italia nên đơn vị này đồng ý nhận lại chiếc kính này.

Giải thích với chị M. về sự khác biệt giữa chiếc kính mà chị này mua tại cửa hàng với kính được mua từ Mỹ, bà Nguyễn Thị Hường cho biết: Kính sản xuất cho người châu Á khác với người châu Âu về hình dáng, kích cỡ!?

“Kính Rayban chính hãng dù được sản xuất ở nước nào thì chất lượng cũng phải như nhau. Tuy nhiên, hình dáng, kích cỡ có thể khác nhau để phù hợp với gương mặt của người châu Âu hay châu Á”, đại diện Công ty TNHH Hiếu Tâm nói.

Vụ nghi mua phải kính Rayban rởm, đại lý thờ ơ chứng minh2 chiếc kính được đem ra so sánh với nhau

Không đồng ý với giải thích của người quản lý đại lý này, chị M. yêu cầu được gửi chiếc kính này lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi mang kính lên đây, cơ quan này cho biết không đủ thẩm quyền giải quyết. Hai bên nhất trí cùng gửi chiếc kính này sang hãng Rayban tại Mỹ để kiểm định.

Liên quan đến sự việc, PV đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hường để tìm hiểu thêm thông tin vụ việc thì bà này có nói sẽ kiện báo nếu đăng vụ việc làm mất uy tín của đại lý.

Sáng 23/3, sau khi bài viết được Chất lượng Việt Nam đăng tải, tòa soạn đã nhận được phản hồi từ một người đàn ông tên Quân, tự nhận là chủ đại lý này. Trong những cuộc điện thoại trao đổi đầu tiên giữa 2 bên về sự việc, ông Quân tỏ ra rất hợp tác và muốn chứng minh hàng hóa của mình là chính hãng. Chủ đại lý này khẳng định đã có phản hồi xác nhận từ hãng kính Rayban tại Mỹ và hứa sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho phóng viên để trả lời khách hàng và công chúng. 

Cửa hàng kính Rayban ở 26C Bà Triệu mới khai trương đã bị khách hàng nghi ngơ bán hàng không chính hãng (ảnh: Ray-Ban Store)

Ngày 24/3, ông Quân có mời PV lên trụ sở công ty làm việc. Dù đã hẹn sẽ thông báo lại thời gian, địa điểm cho phóng viên nhưng sau đó, vị đại lý này lại im lặng. Chỉ đến khi phóng viên liên hệ lại nhắc nhở, ông Quân mới trả lời là công ty còn đợi thư xác nhận của hãng từ bên Mỹ. Trong khi trao đổi với lãnh đạo Chất lượng Việt Nam trước đó, ông này khẳng định đã có đầy đủ các giấy tờ liên quan bao gồm cả thư xác nhận của hãng.

Sáng 25/3, ông Quân gọi cho phóng viên thông báo đã có đầy đủ giấy tờ chứng minh và nhắn PV qua trụ sở công ty tại 36 Bà Triệu để lấy. Khi PV mời ông Quân trực tiếp lên tòa soạn làm việc và cung cấp thông tin theo quy định của Ban biên tập thì ông Quân trả lời “không có trách nhiệm đến tòa soạn làm việc”!?

Thiết nghĩ, việc phản hồi cho khách hàng và cho báo chí khi có thông tin về sản phẩm của mình là một việc làm cần ưu tiên hàng đầu đối với những doanh nghiệp làm ăn chính tắc. Trong trường hợp trên, Công ty TNHH Hiếu Tâm đã tước đi quyền được tự bảo vệ mình trước khách hàng. Với cách phát ngôn tiền hậu bất nhất như của ông Quân, liệu người tiêu dùng còn đủ niềm tin khi bỏ ra hàng triệu đồng để mua sản phẩm kính Rayban sản xuất tại Trung Quốc ở cửa hàng 26C Bà Triệu hay không?

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang