Vụ nhận chìm bùn thải: Đại diện nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 lên tiếng

authorĐỗ Thu Thoan 14:45 24/07/2017

(VietQ.vn) - Mới đây, đại diện nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 lên tiếng về vụ việc liên quan đến nhận chìm bùn thải ở nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó tổng giám đốc công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (Nhiệt điện Vĩnh Tân 1) trao đổi với VietNamNet về dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận.

Theo đó, liên quan giấy phép được Bộ TN&MT cấp, ông Phan Ngọc Cẩm Thành trần tình rằng, công ty được cấp phép nhận chìm ở biển các vật liệu nạo vét vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. 

"Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các điều khoản của nghị định Chính phủ có liên quan đã nêu rõ danh mục các vật, chất được nhận chìm ở biển, trong đó có chất nạo vét, các chất địa chất trơ, chất vô cơ... Như vậy, các vật liệu nạo vét này không phải bùn thải và hoạt động nhận chìm đã được quy định bởi pháp luật Việt Nam", ông Thành nói.

vu-nhan-chim-bun-thai-dai-dien-nha-may-nhiet-dien-vinh-tan-1-len-tieng

Cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Văn Châu/VietNamNet

Cũng theo VietNamNet ông cho hay, sau gần 30 ngày kể từ khi nhận giấy phép, công ty đã trình nộp bổ sung đầy đủ hồ sơ đề nghị giao khu vực biển theo luật; thi công màn chắn bùn, lặp đặt 600m trên tổng số 2.200m màn chắn bùn tại khu vực nhận chìm...

"Công ty cam kết sẽ giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình thi công. Chúng tôi tin giảm được tối đa các rủi ro tác động đến môi trường và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm khắc phục, bồi thường theo quy định của pháp luật nếu phát sinh sự cố môi trường" - ông Thành khẳng định.

Trước đó, trao đổi với PV Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Phó Chủ tịch Hội khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam cho rằng, biển, đại dương là môi trường vận động. Vì vậy, việc đổ cả triệu mét khối chất thải xuống biển sẽ ảnh hưởng ngay đến cả một vùng biển rộng lớn. Việc nhận chìm này không đúng với khái niệm.

"Nhận chìm bùn thải phải có chỗ chứ không phải chỗ nào cũng nhận chìm được. Thứ nữa là phải có thời gian của nó và kỹ thuật nhận chìm phải rõ ràng, bởi việc xả thải này sẽ dẫn đến tác động cơ học" - ông An nói và nhắc lại vị trí nhận chìm tại vùng biển ở Bình Thuận là không thích hợp, đồng thời cách nhận chìm mà các đơn vị thực hiện đưa ra cũng không đúng.

vu-nhan-chim-bun-thai-dai-dien-nha-may-nhiet-dien-vinh-tan-1-len-tieng

 Tiến sĩ Nguyễn Tác An. Ảnh: Lao động

Theo ông An, điều kiện tiên quyết là phải điều tra, xem xét vùng biển trước khi thực hiện việc nhận chìm. "Các đơn vị thực hiện dự án đã tham vấn ý kiến của người dân hay chưa và các nhà khoa học tham gia phản biện như thế nào?" - ông An đặt vấn đề.

Trong một diễn biến khác, theo báo Lao Động, Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) cho hay, Bộ TN&MT đã vừa đề nghị Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành đánh giá, khảo sát lại hiện trạng ở khu vực dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 chất thải nạo vét ở khu vực vũng quay tàu và khu bến chuyên dùng, phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Tuy Phong, Bình Thuận).

Trao đổi với PV Lao Động, ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội nghề cá Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Hội nghề cá VN - cho biết, quan điểm của Hội Nghề cá VN không đồng ý chuyện xả thải này. "Nếu việc xả thải này không được dừng lại và tiếp tục thực hiện thì sẽ hủy hoại về nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm cả một vùng biển" - ông Lăng nhấn mạnh.

Đình chỉ một cán bộ trong vụ Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xả 1,3 triệu m3 bùn thải(VietQ.vn) - Do liên quan đến việc tư vấn cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trong vụ xả 1,3 triệu m3 bùn thải, Bộ Công Thương đã kiểm tra và và yêu cầu đình chỉ chức vụ, kiểm điểm một cán bộ của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp.

Trước đó, theo Vnexpress, Bộ Tài nguyên cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là -31 đến -36 m.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lo ngại có thể xảy ra "thảm họa môi trường" nếu việc nhận chìm được triển khai.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang