Vụ nhận chìm bùn thải xuống biển: Bộ Công an chính thức lên tiếng

author 14:24 28/07/2017

(VietQ.vn) - Bộ Công an đề nghị Công ty Vĩnh Tân 1 không được tự ý tổ chức việc nhận chìm để tránh các tình huống xấu.

Bộ Công an đề nghị Công ty Vĩnh Tân 1 không tự ý tổ chức nhận chìm

Chiều 27/7 vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có cuộc họp kín với lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và các cơ quan liên quan đến dự án nhận chìm bùn thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Từ khảo sát thực tế và nghe báo cáo của các cơ quan chức năng và lãnh đạo địa phương, tới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có quyết định cuối cùng về việc có tiếp tục cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 thực hiện giấy phép nhận chìm đã cấp vào ngày 23 tháng 6 vừa qua hay không.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp nghe các nhà đầu tư báo cáo tiến độ thi công các dự án nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và các vấn đề bảo vệ môi trường.

Tổng công ty Phát điện 3 cho biết, hiện nay, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang hoạt động ổn định, cơ bản kiểm soát được môi trường tại bãi xỉ. Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thi công được khoảng 97,4% tiến độ, dự kiến phát điện thương mại tổ máy thứ nhất vào cuối tháng 12/2017.

Bộ Công an đề nghị Công ty Vĩnh Tân 1 không được tự ý tổ chức nhận chìm bùn thải. 

Riêng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 đang đẩy nhanh nhiều hạng mục. Tuy nhiên, việc nạo vét vũng quay tàu cảng than chưa thể thực hiện do những vấn đề liên quan đến giấy phép nhận chìm gần 1 triệu mét khối vật chất mà báo chí đã nêu trong những ngày qua. Công ty này đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm bảo vệ khu vực nhà máy khi có xảy ra diễn biến xấu về an ninh trật tự.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã lên phương án xử lý tình huống phức tạp, kể cả việc người dân đến bao vây nhà máy, đồng thời đề nghị Công ty Vĩnh Tân 1 không được tự ý tổ chức việc nhận chìm để tránh các tình huống xấu...

Mặc dù đã cấp giấy phép nhận chìm, nhưng đến này Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có quyết định giao mặt nước ở khu vực 30 héc-ta cho Vĩnh Tân 1. Do vậy, ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị chủ đầu tư chưa được tổ chức việc nạo vét và nhận chìm, phải chờ quyết định cuối cùng từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mạo danh nhà khoa học: Nhiều luật gia, chuyên gia yêu cầu xử lý nghiêm

Hiện nay, hành vi mạo danh một số nhà khoa học trong vụ đổ bùn xuống biển Bình Thuận của công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ bị xử lý ra sao là điều dư luận cả nước và giới luật gia hết sức quan tâm.

Tại khoản 16, điều 7, luật Bảo vệ môi trường 2014 nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường. Chiểu theo điều luật này, rõ ràng, những đối tượng giả danh những nhà khoa học tham gia đánh giá, thẩm định dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận đã vi phạm nghiêm trọng luật Bảo vệ môi trường.

Đối tượng vi phạm về bảo vệ môi trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của luật Bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan. Khoản 2, điều 160 quy định về xử lý vi phạm ghi rõ: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Trao đổi với báo chí, luật sư Vũ Mạnh Hùng – Giám đốc công ty luật hợp danh Dân Trí Việt (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi mạo danh tên tuổi nhiều nhà khoa học nói trên khá mới mẻ, chưa được quy định cụ thể trong BLHS hiện hành.

TS Nguyễn Tác An, một trong số những nhà khoa học bị mạo danh. Ảnh: Zing 

Tuy nhiên, tùy theo hậu quả của hành vi được miêu tả trong các bài báo, nếu những hành vi đó gây hậu quả thì người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về các tội: Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 BLHS 1999; Vi phạm quy định về quản lý chất thải theo Điều 182a BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

“Nếu người thực hiện hành vi như báo chí nêu, đang giữ chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi đó vì lợi ích cá nhân (vụ lợi) mà hành vi đó gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281 BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009?”. Luật sư Vũ Hùng nêu quan điểm cá nhân.

Về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, điều 165 BLHS quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm”. Hành vi cố ý làm trái có thể là hành vi thực hiện không đúng hoặc không thực hiện quy định về quản lý kinh tế.

Phong Lâm (T/h)

Vụ nhận chìm bùn thải xuống biển: 8 nhà khoa học về Vĩnh Tân để khảo sát những gì?(VietQ.vn) - 8 nhà khoa học đã có mặt tại khu vực dự án nhận chìm bùn thải để khảo sát, đánh giá phương án, giải pháp bảo vệ môi trường.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang