Vụ nhận chìm bùn thải xuống biển: Giấy phép trái pháp luật, cần thu hồi?

author 19:30 24/07/2017

(VietQ.vn) - Luật sư cùng một số tổ chức xã hội có liên quan kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép dự án nhận chìm bùn thải xuống biển Vĩnh Tân.

Hàng loạt tổ chức kêu gọi ngừng cấp phép

Sau Hội Nghề cá Việt Nam, mới đây hàng loạt các hội, đoàn, tổ chức xã hội đã đồng loạt kiến nghị Chính phủ ngừng việc cấp phép dự án đổ 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Vĩnh Tân.

Cụ thể, bản kiến nghị chung vừa được các tổ chức như: Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)... thống nhất và gửi lên Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương... với nội dung Chính phủ nên xem xét và tạm dừng việc cấp phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Vĩnh Tân(Bình Thuận).

Bản kiến nghị nêu rõ: Quyết định cho phép nhận chìm 918.533 m3 vật chất nạo vét của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận theo Giấy phép số 1517/GP-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường là một vấn đề thời sự nóng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và báo chí.

Nhiều nhà khoa học, hiệp hội, người dân, các cá nhân và tổ chức trong cả nước đã có ý kiến, bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về tác động của việc nhận chìm chất thải tới hệ sinh thái biển Bình Thuận, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau cũng như an sinh môi trường biển và sinh kế của ngư dân phụ thuộc vào hệ sinh thái này.

 Nhiều tổ chức, cá nhân kiến nghị thu hồi giấy phép nhận chìm bùn thải xuống biển Vĩnh Tân để bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Hiện tại, những thông tin từ các cơ quan chức năng chưa tạo được sự đồng thuận cũng như tin tưởng của cộng luận và các nhà khoa học. Nhiều câu hỏi đặt ra vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng về mức độ tổn thương của hệ sinh thái vùng đổ thải, khả năng chịu tải của môi trường biển nơi này, tác động kinh tế - xã hội, phương pháp nhận chìm, tính tin cậy của mô hình được sử dụng, ý kiến của các thành viên trong hội đồng thẩm định, các phương án thay thế, việc tiếp cận kết quả quan trắc, giám sát quá trình thực hiện, phương án đền bù, trách nhiệm giải trình của các bên liên quan...

Đồng thời, nhiều chuyên gia cũng có ý kiến rằng có phương án khác mang lại lợi ích kinh tế và chiến lược hơn so với phương án nhận chìm nhưng phương án này chưa được xem xét cân nhắc một cách thấu đáo vì lợi ích toàn cục.

Hơn thế nữa, thông tin EVN GENCO 3 đang xúc tiến xin phép đổ 2,4 triệu m3 chất thải nạo vét cùng trên vùng biển này càng khiến các bên quan tâm lo ngại hơn.

Những lo ngại của cộng đồng là có cơ sở và đáng để các cấp chính quyền lưu tâm vì đây không phải là lần đầu tiên Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân thu hút sự chú ý của dư luận do các sự cố xảy ra trong quá khứ với ô nhiễm bụi than nghiêm trọng từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vào tháng 4 /2015, sự cố nổ lớn ở Vĩnh Tân 4 vào tháng 3/2017 và hiện tượng 40 ha cây trồng gần bãi thải xỉ của trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân chết cũng vào tháng 3/2017 vẫn đang trong quá trình xác định nguyên nhân.

Đây là lần đầu tiên việc nhận chìm chất thải của các dự án nhiệt điện được cấp phép, vì vậy việc cấp phép cần được tiến hành một cách cẩn trọng dựa trên căn cứ khoa học và đồng thuận giữa các bên, tránh tạo tiền lệ xấu cho các dự án khác. Hoạt động này có thể gây ra những hệ lụy không thể lường trước ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái vùng biển Việt Nam.

Giấy phép nhận chìm bùn thải trái pháp luật?

Như thông tin báo chí đã đưa, đến nay có 3 nhà khoa học phát hiện bị mạo danh hồ sơ dự án xin nhận chìm gần 1 triệu m3 vật liệu nạo vét xuống biển của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Cảng biển Việt Nam tư vấn).

Theo luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, đồng thời là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh – nơi thực hiện dự án nhận chìm, việc giả mạo này cho thấy hồ sơ khoa học của dự án không đảm bảo tính pháp lý, nên Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thu hồi ngay giấy phép đã cấp thực hiện việc này.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Toàn Thiện, nói về ông Hà Quốc Quân hiện là giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư chuyển giao công nghệ của Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công thương, tức là thuộc biên chế nhà nước. Đồng thời, ông này cũng là Tổng giám đốc của công tư vấn nêu trên. Theo luật, không thể đang là viên chức nhà nước mà lại tham gia vào một công ty tư nhân. Rõ ràng, tổ chức này đã hoạt động trái phép.

Thứ hai, ba nhà khoa học không tham gia, nhưng tự đưa tên họ vào, bịa đặt nội dung cũng là hành vi gian dối. Chính vì thế, hoạt động của tổ chức này về hình thức lẫn nội dung có biểu hiện vi phạm pháp luật. Tự tạo ra một hồ sơ tư vấn có gian dối về hình thức và nội dung, cho nên toàn bộ hồ sơ tư vấn không có giá trị pháp lý.

 Bộ TNMT đã ký cấp “giấy phép nhận chìm” cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển. Ảnh: Quốc hội

Luật sư Thiện nói thêm rằng trách nhiệm cuối cùng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải kiểm điểm lại trách nhiệm của mình trong việc cấp giấy phép. Bởi vì khi thẩm định, Bộ phải rà soát lại, kiểm tra tư cách pháp nhân của đơn vị tư vấn này và những người tham gia.

“Một dự án hình thành trên một tổ chức hoạt động không đúng pháp luật trên một hồ sơ về nội dung và hình thức có sự gian dối. Đó là cơ sở pháp lý để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phải thu hồi giấy phép. Nếu Bộ không thu hồi, thì đề nghị Chính phủ buộc Bộ phải thu hồi”, ông Thiện nhấn mạnh.

Phong Lâm (T/h)

Vụ nhận chìm bùn thải xuống biển: Ngư dân đứng ngồi không yên(VietQ.vn) - Ngư dân đứng ngồi không yên do lo ngại việc nhận chìm bùn thải xuống biển sẽ ảnh hưởng tới nghề chài lưới bao đời nay của họ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang