Vụ tai biến ở BV Đa khoa Hà Nội: Chưa rõ vì sao như thế!

author 06:46 16/11/2012

(VietQ.vn) - “Chúng tôi đã liên hệ với khoa hồi sức cấp cứu (bệnh viện Việt Đức), theo các bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân tưởng thì bệnh nhân này vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu, đang thở máy, mạch vẫn có huyết áp còn. Nghĩa là bệnh nhân chưa hồi tỉnh”- Giám đốc BV Đa khoa Hà Nội khẳng định.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, bệnh nhân Trần Thị Tưởng (52 tuổi, ở thôn Đa Hội, xã Châu Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đến khám và phẫu thuật hạt xơ dây thanh quản. Người thực hiện phẫu thuật cho bà Tưởng là PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, Phó giám đốc chuyên môn của bệnh viện.

Nói về bác sĩ An, bác sĩ Sơn cho biết, cộng sự của mình nhận học hàm tiến sĩ chuyên khoa về Tai - Mũi - Họng và là người được đánh giá cao về chuyên môn. Bên cạnh đó, việc phẫu thuật hạt xơ dây thanh quản cũng nằm trong danh mục được cho phép của Bệnh viện Đa khoa Hà Nội.
 
Nói về nguyên nhân dẫn đến biến chứng và hôn mê sâu của bệnh nhân Tưởng, Bác sĩ Sơn khẳng định: “Quy trình điều trị với bệnh nhân Tưởng đều tuân thủ đúng chuyên môn”.
GS Nguyễn Hoàng Sơn diễn tả lại động tác mà bác sỹ thực hiện trong quá trình điều trị cho bệnh nhân
GS Nguyễn Hoàng Sơn diễn tả lại động tác mà bác sỹ thực hiện trong quá trình điều trị cho bệnh nhân
 
Theo đó, ngày 30/10, bệnh nhân Tưởng đến khám và thực hiện tiểu phẫu nội soi vi phẫu thanh quản (lấy u thanh quản). Ngay sau đó bệnh nhân được xuất viện và hẹn một tuần đến 10 ngày quay lại khám. Ngày 8/11, bệnh nhân Tưởng đến khám lại và các bác sĩ An phát hiện có nang nước ở dây thanh quản bên trái nên cho chuyển bệnh nhân lên phòng để bấm nang nước.
 
Tuy nhiên, các bác sĩ gây mê mới chỉ tiến hành xịt thuốc Xylocain 10% dạng xịt. Sau khi xịt thuốc ba lần, đặt càng soi đang kiểm tra dây thanh thì chỉ số SP02 giảm đột ngột từ 99% xuống còn 43% nên tháo càng soi tiến hành cấp cứu.
 
Khi phẫu thuật các bác sĩ sử dụng thuốc gì để gây mê? Nếu sử dụng thuốc gây mê thì dùng mấy lần? Câu hỏi này, bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức, Trưởng phòng mổ Vũ Tuấn Anh nói: “Xịt thuốc Xylocain 10% (thuốc gây mê). Khi xịt 2 lần bệnh nhân Tưởng hoàn toàn bình thường, lúc này bác sĩ Hoài An lên hỏi tôi là xịt mấy lần rồi, tôi cũng trả lời là 2 lần. Bác sĩ Hoài An bảo tôi xịt thêm lần nữa thì thấy phân áp ô xi của bệnh nhân tụt xuống một cách bất bình thường, nên chúng tôi tiến hành chuyển bệnh nhân sang khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Việt Đức. Theo tôi, đây là phản ứng cơ địa của bệnh nhân với dụng cụ.
 
Bác sĩ Sơn cho hay: Ngay sau khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có tình trạng xấu, bệnh viện đã ngừng mọi xử lý nang nước và chuyển sang hồi sức cấp cứu. Bệnh nhân được chẩn đoán là do thanh quản bị co thắt, oxi không vào phổi, não. Bệnh nhân đã được hỗ trợ hô hấp, nhưng không có kết quả vì nhiều đờm và thanh quản co thắt”.
 
Sau đó, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Việt Đức để tiếp tục cấp cứu và hàng ngày cử nhân viên y tế sang bệnh viện theo dõi. “Sáng ngày 15/11, chúng tôi đã liên hệ với khoa hồi sức cấp cứu (bệnh viện Việt Đức), theo các bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân tưởng thì bệnh nhân này vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu, đang thở máy, mạch vẫn có huyết áp còn. Nghĩa là bệnh nhân chưa hồi tỉnh”.
 
Theo Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, chiều ngày 14/11, bệnh viện đã gửi báo cáo sơ bộ cho Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Công an Hà Nội và các cơ quan chức năng, đồng thời đã có buổi làm việc chính thức với gia đình bệnh nhân.
 
“Trong cuộc gặp gỡ với gia đình bệnh nhân, tôi khẳng định, trong tình huống xấu nhất, rất mong gia đình và bệnh viện giải quyết với nhau trên phương diện tình cảm. Về phía gia đình yêu cầu bệnh viện ba điều kiện, gồm: Một là giải trình nguyên nhân gây ra tình trạng của bệnh nhân; Hai là bệnh viện phải chịu mọi chi phí từ khi bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Đa khoa Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức; Ba là trong trường hợp bệnh nhân tử vong sẽ tuân thủ theo mọi kết luận từ phía cơ quan chức năng”.
 
Về việc PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An - người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân không có mặt ở bệnh viện trong thời gian này, bác sĩ Sơn khẳng định: “Không có chuyện bác sĩ An trốn tránh trách nhiệm, lánh mặt như người nhà hiểu nhầm. Bác sĩ An đi tập huấn ở bệnh viện RaJavithi (Thái Lan) theo chương trình thư mời của đối tác. Đây là chương trình đào tạo thường niên với nội dung cấy điện ốc tai cho bệnh nhân. Theo dự kiến, bác sĩ An sẽ trở về Việt Nam vào ngày 16/11 và sẽ trực tiếp làm việc với người nhà bệnh nhân."
 
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở y tế cho biết đã yêu cầu BV làm rõ vấn đề này. 
 
Trước đó như chúng tôi đã thông tin, ngày 30/10, bệnh nhân Tưởng đến thăm khám và được mổ để bóc bọng hạt ở dây thanh quản sau đó về nhà điều trị. Ngày 8-11, bệnh nhân Tưởng lên thăm khám lại, bác sỹ phát hiện có bọng nước ở dây thanh quản và được chỉ định làm phẫu thuật. Sau khi tiến hành xịt tê, bệnh nhân Tưởng khó thở và co dật sau đó được chuyển đến BV Việt Đức để điều trị.

Trần Lê - Mai Anh Tuân
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang