Vụ tàu cá vỏ thép hư hỏng: Chủ tàu ‘cù nhầy’, ngư dân ‘khốn đốn

author 09:08 03/12/2017

(VietQ.vn) - Nhiều ngư dân trong vụ tàu cá vỏ thép hư hỏng ở Bình Định đang lâm cảnh khốn cùng khi Công ty TNHH MTV Nam Triệu cố tình chây ì, kéo dài thời gian.

Mất tất cả vì tàu cá vỏ thép

Ngư dân Nguyễn Công Quý (ngụ xã Cát Khánh, huyện Phù Cát; chủ tàu BĐ 99888 TS) đau xót chia sẻ, chỉ trong một năm anh đã mất tất cả từ gia đình, sản nghiệp chỉ vì con tàu cá vỏ thép.

"Tàu của tôi do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng) đóng, đó là con tàu đang phải chịu cảnh thiệt hại nặng nề nhất trong số 18 con tàu cùng bị hư hỏng.

Hơn một năm tàu nằm bờ, bao nhiêu tiền của đổ hết vào đó nhưng cuối cùng nó vẫn không thể ra khơi, khiến tôi lâm vào cảnh kiệt quệ tiền bạc, tan nát gia đình, tôi dường như không còn niềm tin để tiếp tục sống", ông Quý kể trong uất nghẹn.

Theo lời ông Quý, ông từng được phong tặng danh hiệu là một ngư dân làm ăn kinh tế giỏi, tiềm lực kinh tế của ông đủ sức để ông đóng cả con tàu mà không cần vay mượn gì. Tuy nhiên, sau khi tàu chạy được một thời gian ngắn đã bộc lộ nhiều vấn đề, ông gần như phải bán cả một nửa gia sản để sửa chữa, thay mới nhiều hạng mục với mong muốn để con tàu tiếp tục được ra khơi.

Tàu cá hư hỏng nằm sát bờ chờ sửa chữa. Ảnh: Zing.vn

Đáng tiếc, dù đã được sửa chữa, tàu vẫn không thể chạy được, buộc ông phải dồn hết tiền bạc đang có đồng thời đem thế chấp toàn bộ nhà cửa, đất đai cho ngân hàng để lấy tiền sửa chữa. Cho tới thời điểm này đã hơn 8 tháng nằm bờ, chủ tàu đã khắc phục những chỗ hỏng, tàu đã được hạ thủy nhưng vẫn chưa thể bàn giao lại cho ngư dân.

"Vợ tôi, người từng chung sống với tôi 18 năm cũng phải dứt áo ra đi, bỏ tôi ở lại cùng ba đứa con do bất mãn với chồng, do xót của. Ngoài khoản thua lỗ hơn 2 tỷ, tôi vẫn đang hàng tháng lo trả khoản lãi 150 triệu cho ngân hàng trong khi tàu của tôi vẫn nằm bờ, tôi không có một nguồn thu nào khác. Bố con tôi không còn nơi nào để ở. Mua một gói mì tôm cũng phải e ngại vì không có tiền. Tôi đã trắng tay, mất tất cả chỉ vì mua con tàu. Mong muốn của tôi bây giờ chỉ là làm sao nhanh chóng trả lại tàu cho tôi để tôi ra khơi, kiếm nguồn sống tiếp. Bên cạnh đó, cũng phải có một phần hỗ trợ cho tôi một khoản kinh phí để tôi trả nợ, khắc phục hậu quả, tiếp tục làm ăn", ông Quý nói.

Ngư dân này cho biết, điều anh cần nhất là một tiếng nói chung, thống nhất từ phía các cơ quan chức năng, Công ty TNHH MTV Nam Triệu để hỗ trợ tôi về mặt tinh thần cũng như vật chất, để tôi có thể tiếp nhận lại con tàu và ra khơi bám biển.

"Nếu Công ty TNHH MTV Nam Triệu không bồi thường cho tôi, có lẽ tôi sẽ là người đầu tiên chấp nhận chối bỏ con tàu này, từ bỏ cuộc sống của một ngư dân", ông Quý xót xa nói.

Cố tình cù nhầy, kéo dài thời gian

Cũng trong hoàn cảnh khó khăn chất chồng, ngư dân Lê Văn Thãi (ngụ xã Cát Khánh, huyện Phù Cát; chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) cho biết, tàu của ông đã nằm bờ hơn 8 tháng, đến giờ vẫn chưa thể ra khơi, nguyên nhân là do Công ty TNHH MTV Nam Triệu cố tình cù nhầy, kéo dài thời gian nhằm chối bỏ trách nhiệm của mình.

"Công ty TNHH MTV Nam Triệu đưa tàu của tôi vào nhà máy đóng tàu ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa từ mấy tháng trước.

Tuy nhiên, công ty này lấy hết lý do này, lý do khác để kéo dài thời gian sửa chữa. Trong đợt bão số 12 vừa qua, phía nhà máy không đưa tàu lên đà mà để dưới nước nên khi bão tấn công, tàu bị va đập vào sà lan gây hư hỏng nặng. Bây giờ Công ty TNHH MTV Nam Triệu không sửa chữa tàu đúng cam kết và đền bù thiệt hại thì tôi nhất định không nhận lại tàu" - ông Thãi cương quyết.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết đơn vị này sẽ đứng ra làm trung gian, tổng hợp những kiến nghị của chủ tàu các vỏ thép bị hư hỏng gửi đến hai đơn vị đóng tàu trong ngày 1/12.

"Nếu giữa 2 bên không thống nhất mức bồi thường thiệt hại thì ngư dân có quyền đưa ra tòa án giải quyết. Vì đây là tranh chấp kinh tế, chính quyền không có quyền bắt buộc các đơn vị đóng tàu trả tiền bồi thường cho ngư dân được" - ông Hổ nói.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, đến thời điểm này, địa phương vẫn còn 10 tàu vỏ thép hư hỏng chưa được hạ thủy. Trong đó, 6 tàu do Công ty Nam Triệu đóng và 4 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng.

Theo Báo Đất Việt

 

Chủ tàu vỏ thép lại 'cầu cứu' vì nợ nần và chưa thể ra khơi(VietQ.vn) - Hiện vẫn còn những tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng chưa sửa chữa xong, ngư dân đang hết sức lo lắng vì nợ nần mà không thể ra khơi đánh cá.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang